(Thethaovanhoa.vn) - Từ đầu năm 2018, nhiều bộ luật, luật có hiệu lực như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) ; Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...
- Vụ bạo hành trẻ em ở Đắk Nông: Sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật
- Trịnh Xuân Thanh có 9 luật sư tham gia bào chữa
- Sterling: Dũng cảm, kỉ luật và không ngừng học hỏi
- Quốc hội Iran thông qua dự luật công nhận Jerusalem là thủ đô Palestine
Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Bộ luật này có những quy định đáng chú ý như: Không áp dụng hình phạt tử hình với người đủ 75 tuổi trở lên, nộp lại 3/4 tài sản tham ô cũng sẽ không bị án “tử”, cản trở ly hôn có thể bị phạt tù tới 3 năm, không có giấy phép lái xe có thể bị phạt tù tới 10 năm, sa thải lao động nữ đang mang thai trái luật bị phạt tù đến 3 năm...
Bộ luật này cũng quy định, luật sư sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm nếu không tố giác thân chủ của mình trong trường hợp thân chủ phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do thân chủ đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà luật sư biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.
Các tội này gồm: Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108); Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 111); Tội bạo loạn (Điều 112); Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội (Điều 115); Tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116),...
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Luật quy định nhiều nội dung hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; thuế, kế toán; mặt bằng sản xuất; hỗ trợ mở rộng thị trường;...
Đặc biệt, luật quy định cụ thể việc hỗ trợ doanh nghiệp này chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đầu tư 2014, Luật đấu thầu 2013.
Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017
Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Đối với tài sản công là tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đối tượng áp dụng của Luật là: Cơ quan nhà nước, Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, Đơn vị sự nghiệp công lập, Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam;Tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội; Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.
Luật quy định 10 hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công, như: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công; Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức; Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng; Sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức;...
Luật quản lý ngoại thương 2017
Luật này quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.
Luật này thay thế các pháp lệnh: Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam số 42/2002/PL-UBTVQH10; Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 20/2004/PL-UBTVQH11; Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 22/2004/PL-UBTVQH11. Đặc biệt, luật này đã bãi bỏ nhiều điều, khoản của Luật Thương mại năm 2005.
Luật đã quy định các trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa (Điều 100) như: Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra chiến tranh, tham gia chiến tranh, xung đột hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam; Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó; Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra sự cố, thiếu sót, sai sót kỹ thuật mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó; Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc có cơ sở khoa học chứng minh được sự ảnh hưởng đó;...
Luật du lịch 2017
Theo luật này, về chính sách phát triển du lịch, Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí cho các hoạt động sau: Điều tra, đánh giá, bảo vệ, tôn tạo, phát triển giá trị tài nguyên du lịch; Lập quy hoạch về du lịch; Xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, địa phương; Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.
Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động: Đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch chất lượng cao; Nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch đặc thù khác; Đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn; hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, cư trú, thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, hoàn thuế giá trị gia tăng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp khác cho khách du lịch.
Đặc biệt, nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch được đơn giản hóa so với quy định hiện hành. Trong đó, để được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, doanh nghiệp chỉ cần nộp 1 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch thay vì phải gửi hồ sơ đến Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch thẩm định rồi mới gửi đến Tổng cục Du lịch.
Ngoài những bộ luật, luật trên, từ 1/1/2018 các bộ luật, luật sau cũng bắt đầu có hiệu lực như: Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015; Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016.
Xuân Phong/Báo Tin tức
Tags