(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 1/1/2020, thành phố Hà Nội chính thức áp dụng bảng giá các loại đất mới theo quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ – UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 31/12/2019 về giá các loại đất áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024.
Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, mặc dù bảng giá các loại đất mới này có tăng cao nhưng đã được xây dựng, điều chỉnh đảm bảo đúng quy định của pháp luật về khung giá đất, nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất do Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính quy định theo Luật Đất đai năm 2013.
Qua đó, từng bước bảo đảm sự cân đối về giá đất đối với các khu vực giáp ranh giữa nội thành với huyện ngoại thành; góp phần bình ổn về giá nói chung, đồng thời đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dần với giá đất trên thị trường; đảm bảo sự cân đối về giá giữa các vùng, miền, địa phương trên địa bàn Thủ đô.
- Vụ án trốn thuế ở Khánh Hòa: Hội đồng xét xử tuyên 4 bị cáo đều có tội
- Đối tượng gây rối tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai bị khởi tố thêm tội trốn thuế
*Giá đất tăng 15% so với giai đoạn 2014 - 2019
Theo quy định, giai đoạn từ 1/1/2020 đến 31/12/2024, bảng giá các loại đất của Hà Nội tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 - 2019, chỉ riêng mức giá đất nông nghiệp được giữ nguyên. Cụ thể, đối với đất ở tại các quận điều chỉnh tăng bình quân 16% đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều; tăng bình quân 12% đối với các tuyến đường 1 chiều; các tuyến đường còn lại bình quân tăng 15%. Đất thương mại, dịch vụ tại các quận được điều chỉnh bằng 62 - 65% giá đất ở sau khi điều chỉnh. Trong đó, đối với 4 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) điều chỉnh bằng 65%, các quận còn lại điều chỉnh bằng 62%.
Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ ở các quận cũng tăng bình quân 16% đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều; tăng 12% đối với các tuyến đường 1 chiều; tăng 15% với các tuyến đường còn lại.
Tại các huyện và thị xã Sơn Tây, bảng giá đất ở tăng bình quân 15% đối với các tuyến đường quốc lộ, tuyến đường thuộc địa phận thị trấn; tăng bình quân 12% đối với các tuyến đường tỉnh lộ, đường trục chính thuộc địa phận các xã; điều chỉnh tăng bình quân 10% đối với các tuyến đường còn lại và đường trong khu dân cư nông thôn. Đối với đất thương mại, dịch vụ ở các huyện và thị xã điều chỉnh tăng bình quân 10 - 15%; bảng giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ thì giữ nguyên…
Điểm qua bảng giá đất mới, giá đất ở tại đô thị thuộc quận Hoàn Kiếm có giá cao nhất là 187.920.000 đồng/m2 nằm trong khung giá tối đa của Chính phủ quy định; giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông là 4.554.000 đồng/m2. Giá đất ở đô thị tại các phường của thị xã Sơn Tây có giá tối đa là 19.205.000 đồng/m2, giá tối thiểu là 1.449.000 đồng/m2. Giá đất ở tại các thị trấn thuộc các huyện có giá tối đa là 25.300.000 đồng/m2, giá tối thiểu là 1.430.000 đồng/m2…
*Từng bước khắc phục những bất cập
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, các mức giá đất trên địa bàn Hà Nội áp dụng 5 năm qua đã tồn tại không ít bất cập. Các mức giá tối đa tại một số vị trí, đường, phố, khu vực vượt khung giá đất của Chính phủ không được điều chỉnh.
Nguyên tắc tính giá đất đối với các thửa đất tiếp giáp từ 3 tuyến đường, phố trở lên có đặt tên chưa được quy định. Một số tuyến đường đã có tên trong bảng giá đất nhưng điểm đầu và điểm cuối chưa thể hiện được đầy đủ chiều dài của tuyến đường gây khó khăn khăn khi xác định giá đất; một số tuyến đường mới được đặt tên theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội nhưng chưa được bổ sung trong bảng giá. Việc phân loại các loại đất chưa đầy đủ trong bảng giá đất gây khó khăn trong việc xác định giá đất.
Cũng theo ông Đông, các mức giá đất tại các vị trí đường, phố, khu vực còn lại được xét xét điều chỉnh hoặc bổ sung (nếu có) cho phù hợp với sự biến động của thị trường, cơ bản đảm bảo sự cân đối mặt bằng giá đất trong khu vực. Tuy nhiên, giá đất quy định tại bảng giá vẫn thấp hơn giá đất giao dịch thực tế trên thị trường.
Trên cơ sở kết quả điều tra của UBND các quận, huyện, thị xã, kết quả khảo sát giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường và căn cứ vào các quy định pháp luật, cũng như nhằm tránh tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và người dân, UBND thành phố thống nhất trình HĐND thành phố Hà Nội quyết nghị việc tăng bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, bảng giá các loại đất mới được ban hành được sử dụng để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất; tính thuế sử dụng đất; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước…Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm định kỳ tổ chức cập nhật biến động giá đất để làm căn cứ, lập phương án trình UBND thành phố ban hành bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần; hàng năm tổng hợp tình hình, điều chỉnh giá đất theo quy định trình UBND thành phố xin ý kiến Thường trực HĐND thành phố trước khi điều chỉnh bảng giá đất.
Theo Cục thuế Hà Nội, bảng giá các loại đất điều chỉnh tăng từ năm 2020 sẽ làm tăng thu cho ngân sách đối với các loại thuế, phí, tiền thuê đất tương ứng khoảng 3.810,5 tỷ đồng. Song, điều này cũng sẽ tăng phí đối với người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ tác động gián tiếp đến thị trường bất động sản, đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn…
Đánh giá của một số cử tri cho thấy, bảng giá các loại đất giai đoạn 2020 - 2024 phù hợp với giá thị trường, thực hiện trong khung giá đất mà Chính phủ quy định. Đặc biệt, với mức điều chỉnh tăng 15% sẽ không tác động quá lớn đến đời sống của người dân Thủ đô...
Minh Nghĩa (TTXVN)
Tags