Từ 0h ngày 6/10, chính thức thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ

Thứ Hai, 05/10/2015 11:26 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 5/10, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Trọng Thảo, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, cho biết, từ 0h ngày 6/10/2015 sẽ chính thức tổ chức thu phí hoàn vốn dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). 

Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ sẽ bố trí đội thu phí gồm 292 người; trong đó, các nhân viên thu phí, nhân viên hỗ trợ phân luồng đảm bảo giao thông được phân chia và tổ chức làm việc theo ca; đảm bảo công tác thu phí được thực hiện 24/24 giờ và toàn bộ 7 ngày trong tuần (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, các ngày lễ, Tết). 

Theo Thông tư số 45/2015/TT-BTC ngày 7/4/2015 của Bộ Tài chính về việc thu phí hoàn vốn đối với dự án cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, mức thu phí cụ thể dao động từ 10.000-180.000 đồng/vé/lượt tùy theo đoạn tuyến và loại phương tiện. 


Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ có thời gian thu phí 17 năm

Trong đó, đoạn Vạn Điểm-cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và ngược lại được đề xuất mức phí thấp nhất từ 10.000-40.000 đồng/vé/lượt; đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ-Hà Nam và ngược lại được đề xuất mức phí cao nhất từ 45.000-180.000 đồng/vé/lượt tùy theo loại phương tiện. Tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ có thời gian thu phí hơn 17 năm. 

Đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ áp dụng hình thứ thu phí kín, các phương tiện đi vào đường cao tốc phải lấy thẻ (hoặc vé) tại trạm thu phí để xác nhận vị trí bắt đầu sử dụng đường cao tốc. Căn cứ các thẻ (hoặc vé) này tại vị trí trạm thu phí khi ra khỏi đường cao tốc, chủ phương tiện sẽ phải nộp thẻ đầu vào và phí sử dụng đường cao tốc. Số tiền phải nộp tùy thuộc vào từng loại phương tiện, quãng đường thực tế xe chạy qua (số km) và đơn giá tương ứng với từng loại phương tiện. 

Trong thời gian đầu thu phí, khi chưa hoàn thiện nhà điều hành, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ sẽ sử dụng vé giấy in sẵn để sử dụng vào việc thu phí. Các phương tiện khi vào đường cao tốc tại vị trí trạm thu phí sẽ dừng lại để lấy vé vào đường cao tốc. Khi ra khỏi đường cao tốc tại trạm thu phí, các phương tiện sẽ dừng lại để trả vé và phí đồng thời nhận biên lai thu tiền từ nhân viên thu phí. 

Theo ông Nguyễn Trọng Thảo, trên dọc tuyến đường có tổng chiều dài 29km sẽ bố trí hệ thống các trạm thu phí gồm một trạm trên đường cao tốc tại Km188+300; 2 trạm nằm trên đường nhánh tại các nút giao Thường Tín, Vạn Điểm; một trạm nằm trên đường nhánh đi Quốc lộ 1 cũ và trạm dùng chung với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tại Km212+200 trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. 

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ theo hình thức BOT có tổng chiều dài khoảng 29km với tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng và được chia thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 được khởi công từ ngày 29/9/2014 và hoàn thành vào 30/6/2015. Tổng mức đầu tư là 1.974 tỷ đồng. 

Giai đoạn 2, mức đầu tư là 4.757 tỷ đồng, dự kiến vào tháng Mười tới sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn, xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp 4 đồng bằng. 

Dự kiến, việc giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 sẽ thực hiện trong năm 2015-2016 và tổ chức thi công công trình hoàn thành cuối năm 2017 để đến đầu năm 2018 đưa vào khai thác. 

Quang Toàn (TTXVN)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›