Suốt chiều dài 43 năm của giải bóng đá VĐQG Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, biến chuyển từ số lượng CLB tham gia, thay đổi thể thức thi đấu cho đến chuyện hoãn, hủy, hay tranh cãi về hợp đồng cũng đã từng xảy ra, chứ chẳng cần tới vụ lùm xùm giữa CLB HAGL với VPF ngay trước thềm V-League 2023.
Từ những năm tháng "khai sinh"
Giải bóng đá VĐQG Việt Nam được tổ chức lần đầu vào năm 1980 với rất nhiều tên gọi. Từ năm 1980 đến 1988, giải mang tên giải A1 toàn quốc. Năm 1989 là giải phân hạng. Từ năm 1990 đến 1994 với tên gọi giải đội mạnh toàn quốc. Từ 1995 đến 1999: giải hạng Nhất quốc gia và từ năm 2000 đến nay đổi thành V-League. Số lượng đội bóng tham dự cũng thay đổi rất nhiều: ít nhất là 12, nhiều nhất là 32.
Do hoàn cảnh lịch sử sau ngày ngày thống nhất đất nước năm 1975, phải đến năm 1980, giải bóng đá VĐQG Việt Nam mới chính thức được tổ chức dưới cái tên giải A1 toàn quốc. Trước dấu mốc đó, Tổng cục TDTT phối hợp cùng các ban, ngành thành lập ra 3 giải đấu gồm: Hồng Hà (giải vô địch các đội phía Bắc), Trường Sơn (giải vô địch các đội miền Trung) và Cửu Long (giải vô địch các đội phía Nam).
Qua 3 giải Hồng Hà, Trường Sơn và Cửu Long cùng các giải phân hạng theo từng vùng được tổ chức vào thời điểm này, đến năm 1980, giải VĐQG lần đầu tiên diễn ra với sự tham gia của 18 đội (8 đội giải Hồng Hà, 2 đội giải Trường Sơn và 8 đội giải Cửu Long. Những đội bóng còn lại chơi ở giải A2). Tuy nhiên, ở giải VĐQG đầu tiên này, Thể Công đã xin rút với lý do chấn chỉnh nội bộ, nên chỉ còn 17 đội.
17 đội được chia thành 3 khu vực. Đội đầu bảng ở mỗi khu vực sẽ giành quyền thi đấu vòng chung kết để xác định nhà vô địch của mùa giải. Tổng cục Đường Sắt đánh bại Công an Hà Nội và Hải Quan để giành chức vô địch quốc gia đầu tiên trong lịch sử.
Theo thống kê, trong giai đoạn đầu, dù là giải VĐQG, nhưng thể thức thi đấu không ổn định (không thể thức nào kéo dài được trong 2 năm) và do điều kiện di chuyển khi ấy khá khó khăn, nên các đội bóng vẫn chia thành các bảng đá loại theo khu vực địa lý. Phải đến năm 1996 thể thức League (đá sân nhà, sân khách) mới chính thức được áp dụng đến hôm nay.
Theo đó, thể thức chia khu vực diễn ra cho đến năm 1995 và được thay đổi sang thể thức đá vòng tròn chia 2 lượt đi và về như ngày nay. Riêng mùa giải 1996, sau khi thi đấu theo thể thức vòng tròn 2 lượt đi và về, 6 đội đầu bảng đá vòng tròn 1 lượt tranh chức vô địch, 6 đội cuối bảng sẽ thi đấu theo thể thức tương tự để chọn 2 đội xuống hạng.
Từ năm 1997 đến nay, thể thức đá vòng tròn lượt đi và về được áp dụng. Tùy vào số đội tham dự mà có mùa giải sẽ có 1 đội xuống hạng, ngoài ra có thể là 2-3 đội xuống hạng sau khi mùa giải kết thúc.
Năm 2000, giải VĐQG bắt đầu hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp và được đổi tên thành V-League. Đến năm 2012, sau hàng loạt những ồn ào liên quan đến công tác trọng tài, 6 đội bóng gồm Đồng Tâm Long An, HAGL, Hà Nội ACB, Vissai Ninh Bình, Khatoco Khánh Hòa và Lam Sơn Thanh Hóa dọa sẽ bỏ giải để thành lập giải đấu mới cho mùa giải 2012.
Chính từ lý do này, ý tưởng thành lập Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời. Sau cuộc họp vào ngày 29/9/2011, đại diện của VFF, các CLB tại V-League và giải hạng Nhất đã thống nhất về việc xin cấp phép hoạt động cho VPF. VFF được nắm giữ 36% cổ phần và số phần trăm còn lại chia đều cho các CLB tham gia giải đấu.
Năm 2012, khi VPF điều hành giải đấu, V-League ban đầu được đổi tên thành Super Liga. Tuy nhiên tên gọi này không tồn tại được lâu trước sự phản đối quyết liệt từ VFF và Tổng cục Thể dục Thể thao. Sau đó giải được đổi tên là V-League 1 và giải hạng Nhất được đổi tên là V-League 2.
Những thăng trầm lịch sử
Xuyên suốt 43 năm, khởi nguồn bằng thứ bóng đá vẫn được hay được nhắc đến với cái tên "bao cấp" rồi chuyển qua "gắn mác" chuyên nghiệp nhờ có tài trợ. Bây giờ là những CLB bóng đá được hậu thuẫn bởi doanh nghiệp, trái bóng giải VĐQG Việt Nam lăn mình với vô vàn những thăng trầm cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Chỉ riêng chuyện hoãn, hủy, hay đá mà không có đội xuống hạng cũng đã từng có, mà có không chỉ 1 lần!
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam đã từng có 2 mùa giải VĐQG không được tổ chức vào năm 1988 và 1999. Sau những mùa bóng đó, may mắn đều có những giải pháp tốt để duy trì hệ thống giải quốc nội, thậm chí còn mang tính bước ngoặt.
Sau 2 mùa giải A1 liên tục vào các năm 1986, 1987 không có đội xuống hạng vì theo Tổng cục TDTT và BTC giải là nhằm mục tiêu rà soát lực lượng cho các mùa sau!? Đến năm 1988, giải VĐQG (khi đó có tên giải bóng đá A1 toàn quốc) đã không được tổ chức do có kiến nghị của nhiều đội bóng, muốn có thêm thời gian củng cố tổ chức và lực lượng. Trong năm này, chỉ có một số giải khu vực và giao hữu, không có lên/xuống hạng.
Điểm đặc biệt là sau năm 1988, bóng đá Việt Nam thực hiện cải tổ hệ thống giải đấu vào năm 1989, làm tiền đề cho sự ra đời của giải đội mạnh toàn quốc 1990. Năm 1989, tất cả 32 đội của 2 hạng A1 và A2 cùng thi đấu, chọn ra 18 đội tham dự giải các đội mạnh, 11 đội ở hạng A1 và các đội còn lại sẽ xuống hạng A2.
Chưa hết, đến giải hạng Nhất quốc gia 1997-1998 (cũng là 1 cái tên mới), do tình trạng móc ngoặc, tiêu cực bùng phát, thậm chí có trận đấu phải hủy kết quả (trận CAHN- CAHP tại vòng 15), nhiều đội bị trừ điểm mà các cơ quan quản lý không có biện pháp xử lý hữu hiệu, đến mùa giải 1998-1999 thêm lần nữa, phương án không có đội xuống hạng lại được áp dụng.
Vì thế, đến năm 1999, giải VĐQG có lần thứ 2 không được tổ chức do VFF và các cơ quan chức năng chưa kịp xây dựng những phương án phòng - chống tiêu cực. Năm nay chỉ có giải mang tính giao hữu có tên "Giải tập huấn mùa Xuân" - SLNA là đội vô địch.
Khi tình hình khả quan hơn, đến tháng 10/1999, giải hạng Nhất 1999-2000 được khởi tranh, kết thúc vào tháng 5/2000. Đây là lần đầu tiên giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam thi đấu vắt qua 2 năm, cũng là giải cuối cùng trong giai đoạn "tiền chuyên nghiệp" trước khi V-League chính thức ra đời ở mùa giải 2000-2001. Có thể nói, đây chính là thời điểm chuyển giao mang tính bước ngoặt của bóng đá Việt Nam khi chấm dứt thứ bóng đá bao cấp, vì tới năm 2000, giải VĐQG chính thức khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp.
V-League tuổi 23
Trải qua thành công của mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên mang tên nhà tài trợ Strata, (sau này là Sting, Samsung, NumberOne, EuroWindow, PetrroVietnamGas, Eximbank, Toyota, Nuti Café, Wake Up -247, LS, Night Wolf) giải VĐQG V-League đã cho thấy những sự chuyển biến ngày một tích cực hơn. Sự đua tranh của các đội bóng hàng đầu Việt Nam cũng như sự hiện diện của những ngoại binh có chất lượng chuyên môn cao tại sân chơi này đã mang đến những trận cầu sôi động, hấp dẫn và đầy tính cạnh tranh cho khán giả hâm mộ cả nước, đồng thời tạo ra những dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử bóng đá nước nhà.
Số vòng đấu của giải vô địch quốc gia V-League sẽ bị phụ thuộc vào số lượng CLB tham dự. Trong 2 mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên (2000-2001 và 2001-2002), có tất cả 10 đội bóng cùng tham dự V-League. Từ sau mùa giải 2003, số lượng các đội bóng tham gia tại V-League tăng số lượng lên thành 12 đội. Năm 2006, lần đầu tiên trong lịch sử V-League có tổng cộng 14 đội bóng tranh tài ở giải đấu hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Vì tác động của dịch Covid-19, nên V-League 2020 có sự thay đổi về thể thức thi đấu. Theo đó, thay vì đá vòng tròn hai lượt tính điểm, giờ đây, 14 đội bóng sẽ phân thứ hạng thành hai nhóm. Nhóm 1 gồm có 8 đội đầu bảng tranh chức vô địch; nhóm 2 bao gồm 6 đội xếp từ thứ 9 đến 14 của giai đoạn 1 tranh vé trụ hạng. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến V-League 2021 đã bị hủy bỏ nửa chừng sau 13 vòng đấu.
22 mùa giải chuyên nghiệp đã qua mang đến những bước chuyển mình mạnh mẽ cho bóng đá Việt Nam. V-League và giải hạng Nhất đã có thêm những nhà đầu tư mới đến với các đội bóng. Chính điều này đã tạo ra những bước chuyển mình mang theo diện mạo mới, dù chưa bao giờ là ổn thỏa.