Từ Ayrton Senna đến Jules Bianchi: 20 năm tử thần lại gọi tên

Chủ nhật, 02/08/2015 05:43 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tai nạn của Jules Bianchi trên đường đua Suzuka, Nhật Bản vào tháng 10 năm ngoái đúng là một cú sốc đối với giải đua Công thức 1 (F1) bởi 20 năm kể từ cái chết của huyền thoại Ayrton Senna, người ta đã không ngừng tìm mọi giải pháp tăng sự an toàn cho cácy tay đua. Vậy mà một lần nữa, tử thần lại gọi tên…

Và cái chết của Bianchi ở tuổi 25 chắc chắn sẽ còn mang đến mỗi nỗi ám ảnh kéo dài cho F1, ngay cả khi người trong giới đều không tin vào cơ hội sống sót của anh sau tai nạn kinh hoàng ở chặng Japanese Grand Prix suốt 9 tháng qua. Bởi một thời những cái chết như vậy xảy ra thường xuyên nhưng là con số 0 kể từ thời điểm Senna tử nạn tại Imola năm 1994, vào đúng ngày cuối tuần một tay đua khác là Roland Ratzenberger cũng vĩnh viễn ra đi. Khi đó, cái chết của Senna, giống như Jim Clark năm 1968, đã nhắc nhở tất cả rằng, từ những người mới cho đến những người giỏi nhất, họ luôn phải đối mặt với ranh giới sinh tử trong một môi trường được đánh giá là nguy hiểm nhất này.

Kể từ đó, Liên đoàn đua xe quốc tế (FIA) đã thực hiện nhiều cải cách nhằm loại bỏ dần những tai nạn nghiêm trọng trong F1 nhưng rồi trên đường đua vẫn luôn xuất các vụ đâm xe, và thương vong, khi tốc độ trung bình của mỗi chặng luôn ở con số trên dưới 200km/giờ.

Với vận tốc đó thì đừng nói gì đến những tay đua mới lần đầu tiên ra mắt F1 như Ratzenberger, đến Senna, Michael Schumacher, Felipe Massa, hay Mark Webber cũng không thể kiểm soát nổi chiếc xe của họ. Ở trường hợp của Bianchi, tay đua người Pháp có lẽ không bao giờ trở thành một trong những nhà vô địch vĩ đại như Senna hay Clark hay trong thời hiện đại là Sebastian Vettel, Fernando Alonso và Lewis Hamilton, nhưng anh cũng được đánh giá là một trường hợp tài năng. Anh nhanh và có tính ganh đua, ngay cả khi chỉ chạy cho đội đua nhỏ như Marussia, đội đua đứng thứ 9 ở mùa giải 2014 nhờ vào hai điểm duy nhất của anh tại Monaco vào tháng 5.

Ngoài điều đó ra, Bianchi còn là người vui vẻ, thân thiện và lịch sự. Nói như chủ tịch của đội đua Graeme Lowdon thì “Mọi người trong làng đua F1 đều yêu quý Jules. Tất cả mọi người.” Hay Bob Fearnley của đội Force India mà Bianchi từng có thời gian là tay đua dự bị vào năm 2012 đã nói về anh như sau: “…Anh ấy là một trong những người hiếm có trong đời. Không chỉ vì anh ấy có tài năng mà còn là một người rất tuyệt vời.”

Thực tế là Jules có gen đua xe của nhà Bianchi. Anh là cháu nội của Mauro Bianchi và cháu trai của Lucien Bianchi, trong khi cha anh, Philippe Bianchi từng quản lý đường đua xe kart (xe đua loại nhỏ) ở Brignoles. Mauro là một cái tên nổi tiếng trong làng đua mô tô ở những năm 1960, một tay đua hàng đầu của hạng F3 và trong những giải đua dài ngày, đặc biệt tại Alpine-Renault. Còn người chú Lucien từng vô địch Le Mans năm 1968, năm ông cũng giành vị trí thứ ba ở chặng Monaco Grand Prix.

Có điều, chính đường đua Le Mans đã lấy đi mạng sống của Lucien khi chiếc Alfa Romeo đâm vào một cái cột và bốc cháy.

Không có gì ngạc nhiên khi Jules Bianchi đã ngồi sau một chiếc kart từ năm ba tuổi và bắt đầu đua xe lúc mới năm tuổi giống như mọi tay đua nổi tiếng khác. Sau những thành công ở các loại xe, năm 2009, Bianchi đã được đánh giá là một ngôi sao tương lai của F1, trước khi anh đến Marussia.

Mặc dù Marussia chỉ là một đội đua nhỏ nhưng thành tích của Bianchi được duy trì ổn định và đây là lý do gần như tất cả đều tin rằng, anh có thể là một ngôi sao thực sự nếu có cơ hội ở một đội đua lớn hơn. Tiếc là viễn cảnh Bianchi một ngày nào đó trở lại Ferrari, nơi anh từng là thành viên của Học viện đào tạo, và thi đấu bên cạnh người bạn thân Alonso cuối cùng đã không thành.

F1 chắc chắn sẽ lại có những thay đổi mới nhằm đảm bảo hơn nữa tính mạng của các tay đua nhưng như một quan chức truyền thông tiết lộ, Jules Bianchi là tay đua thú vị nhất mà bà từng làm việc: Lịch sự, thoải mái và quyến rũ.

Phạm Hưng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›