(Thethaovanhoa.vn) - Lá đơn gửi tới các cơ quan chức năng của trụ trì chùa Một Cột (Hà Nội) khiến dư luận nóng lên và bắt đầu nghĩ tới trường hợp của một chùa Trăm Gian thứ hai. Theo đó, nếu vẫn không có ý kiến của các cấp chính quyền, phía nhà chùa sẽ tự động dỡ ngói và hạ giải mái chùa trước mùa mưa bão.
Lá đơn được thảo bởi Đại đức Thích Tâm Kiên (trụ trì chùa) ngày 3/5. Thời hạn “chờ giải quyết” do nhà chùa đưa ra là 30 ngày, kể từ khi đơn được viết. Và, trên thực tế, trong hiện trạng trùng tu bảo tồn di tích những năm qua, đây là lần đầu tiên, người ta được thấy một yêu cầu kiên quyết theo kiểu “tối hậu thư” như vậy.
Đại đức Thích Tâm Kiên chỉ vào những chỗ dột tại chùa Một Cột
Bức xúc vì... chờ suốt 5 năm.
Rất nhanh, lá đơn trên đã lập được kỷ lục mà... hàng chục lá đơn khác phải “bó tay” trong nhiều năm: khiến ngành quản lý ra văn bản hồi đáp với thời gian vẻn vẹn... 3 ngày. Cụ thể, ngày 6/5, Cục Di sản đã có công văn số 264/DSVH-DT đề nghị Sở VH,TT&DL Hà Nội hướng dẫn các cơ quan chức năng quận Ba Đình và Đại đức Thích Tâm Kiên khẩn trương hoàn thiện dự án tu bổ chùa Một Cột. Ngoài ra, theo dự kiến, chiều mai 8/5, Phòng VH,TT&DL quận Ba Đình, Ban quản lý dự án này sẽ cùng các chuyên gia của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội, cán bộ phòng văn hóa quận Ba Đình... tới chùa để có buổi khảo sát hiện trạng xuống cấp.
Tất nhiên, trước khi có công văn “ siêu tốc” này, các chuyên gia ngành văn hóa đều nhất loạt khẳng định về tính chất vi phạm Luật DSVH - nếu phía nhà chùa quyết tâm thực hiện kế hoạch này và chưa nhận được sự đồng thuận “giấy trắng mực đen” nào. Bản thân Đại đức Thích Tâm Kiên cũng hiểu vấn đề này trong cuộc trao đổi với TT&VH.
“Tôi quá bức xúc nên làm đơn như vậy. Nhưng thực tế, nhà chùa cũng tin rằng các cơ quan có thẩm quyền sẽ chính thức trả lời ngay, chứ không tiếp tục để câu chuyện chìm đi. Và điều tôi mong muốn là ngôi chùa được đồng ý để tiến hành trùng tu tổng thể, chứ không phải chỉ là đảo ngói chống dột theo kiểu chữa cháy” - Đại đức nói.
Đội nón che mưa cho tượng…
Theo lời vị sư trụ trì này, trong những cơn mưa rào đầu Hạ vừa qua, ông đã phải tiếp tục công việc thường xuyên thực hiện trong nhiều năm trước đây: lấy chậu hứng nước mưa trong nhà thờ Tổ, đội nón mặc áo choàng cho các pho tượng trên nhà thờ Tam Bảo, sau đó hì hục tát nước khỏi sân chùa khi mưa tạnh...
Nằm đúng khu vực trũng nhất của đoạn phố Chùa Một Cột – Bà Huyện Thanh Quan, chùa Một Cột đã xuống cấp từ khá lâu và thường xuyên bị ngập khi có mưa lớn. Từ năm 2002, phía nhà chùa đã gửi đơn đề nghị được trùng tu tới các cấp chính quyền. Nhưng, theo lời Đại đức Kiên, “chỉ đảo ngói, phía nhà chùa cũng phải xin cả chục con dấu”, nên phải tới năm 2010, di tích này mới được phép chỉnh sửa... phần mái ngói.
Tuy nhiên, vì xuống cấp một cách đồng bộ ở nhiều hạng mục, nên tới thời điểm này, mái ngói của chùa Một Cột lại rơi vào tình trạng dột nặng, kèm theo nhiều mục nát ở các vì kèo. Được biết, từ đầu năm 2009, quận Ba Đình đã có công văn cho phép Ban Quản lý dự án quận Ba Đình nghiên cứu tu bổ, tôn tạo di tích Quốc gia này với kinh phí 31 tỉ đồng. Dự án hiện nay vẫn chưa hề triển khai – dù theo dự kiến phải hoàn thành vào năm 2012.
Vướng ở thiết kế?
Số tiền 31 tỉ trên dự kiến được đầu tư cho nhiều hạng mục tại chùa Một Cột và lấy từ ngân sách Nhà nước. Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, để mọi chuyện được tiến hành nhanh, phía nhà chùa sẵn sàng đứng ra kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa để đóng góp một nửa số tiền trên. “Thậm chí, nếu phải tự lo toàn bộ 31 tỉ đồng, chúng tôi cũng chấp nhận đi xin kinh phí đóng góp, miễn là mọi chuyện được tiến hành khẩn trương và đúng nguyên tắc”.
Đại đức cho biết: trong khi trao đổi với các chuyên gia về phương hướng trùng tu, mọi vấn đề về hạng mục thi công đều có sự đồng thuận tương đối từ 2 phía. Vướng mắc lớn nhất nằm ở nguyện vọng của nhà chùa muốn nâng cao cốt sân để ngang với mặt đường – trong khi các chuyên gia đề nghị giữ nguyên hiện trạng này để đảm bảo giá trị của chùa. “Tuy nhiên, đến nước này, chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận làm như vậy. Có mưa, nhà chùa chịu khó quét dọn và tát nước, chỉ miễn là chữa tận gốc tình trạng xuống cấp như mấy năm qua”.
Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, ông Đỗ Viết Bình (Chủ tịch UBND quận Ba Đình, nơi trực tiếp quản lý di tích), khẳng định: từ năm 2008 tới nay, 4 cuộc hội thảo liên tiếp về phương án trùng tu chùa Một Cột đã được tổ chức nhưng vẫn chưa đạt được sự thống nhất cao. Do vậy, phía quản lý vẫn tiếp tục thu thập tài liệu và xin ý kiến các chuyên gia để tìm được “đáp số” hợp lý cho việc trùng tu này.
Được biết, một cuộc hội thảo về vấn đề này sẽ tiếp tục được UBND quận Ba Đình tổ chức vào giữa tháng 5.
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa