(Thethaovanhoa.vn) - Vở kịch Đêm trắng của Nhà hát Kịch Việt Nam do NSƯT Xuân Bắc đạo diễn đã chạm đến trái tim công chúng khi khắc họa thành công hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh với một thông điệp nhân văn “trừng trị để giáo huấn”.
Câu chuyện của hơn 70 năm trước đến nay vẫn nguyên giá trị, vẫn luôn là bài học quý trong công cuộc chống tham nhũng, lãng phí, chống sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Vở diễn Đêm trắng ra đời vào thời điểm vô cùng quan trọng, là công trình nghệ thuật ý nghĩa chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Sau hơn 15 năm xem vở kịch Đêm trắng tại Nhà hát Hồng Hà (Hà Nội) đêm 27/8/2005 do Nhà hát kịch Việt Nam thực hiện (phát sóng trên VTV1đêm 2/9/2005), cơ duyên lại đưa tôi đến Nhà hát Lớn đầu năm 2021 để xem phiên bản mới của vở kịch cùng gia đình cố tác giả Lưu Quang Hà - người đồng hương Quảng Ninh của tôi.
Cũng có một sự trùng hợp đến lạ kỳ, Đêm trắng phiên bản 2020công diễn vào đúng ngày đạo diễn, cựu sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội - NSƯT Xuân Bắc nhận quyết định bổ nhiệm Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam sau hơn 2 năm giữ cương vị Phó giám đốc phụ trách (ngày 14/1/2021).
Sáng tạo kịch bản dựa trên câu chuyện có thật
Tác giả kịch bản Đêm trắng là trung tá Lưu Quang Hà. Ông sinh năm 1928 tại Hà Lầm (nay thuộc Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), mất năm 2008 tại Hà Nội. Cuối năm 1945, người con đất mỏ Lưu Quang Hà nhập ngũ, gia nhập Đại đoàn quân Tiên phong, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, từng giữ nhiều trọng trách, như: Chính trị viên Tổng kho Quân khí, nguyên Chủ nhiệm Tổng kho Quân khí Điện Biên Phủ, Chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Hậu cần (nay là Học viện Hậu cần), Chính ủy Binh trạm Đường 9 - Khe Sanh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp (nay là trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội)…
Sự kiện phiên tòa đặc biệt xét xử Trần Dụ Châu diễn ra ngày 5/9/1950 tại Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến đã tạo nên nỗi ám ảnh lâu bền, ấn tượng mạnh mẽ, bám riết tâm can tác giả Lưu Quang Hà suốt cả cuộc đời từ khi là anh lính Vệ quốc đoàn. Dù là nhà viết kịch không chuyên, ông đã mạnh dạn viết Đêm trắng và để rồi sau đó, nhà viết kịch “tay ngang” đã tự khẳng định tài năng, sở trường viết với các kịch bản Đêm diễn rồng tre ở Paris, Sự vĩ đại, Đêm Ức Trai, Người anh hùng áo vải… Những kịch bản của ông đều được các đoàn nghệ thuật dàn dựng, tạo nên những hiệu ứng xã hội, nhất là công cuộc đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu bảo vệ danh dự của người chiến sĩ cách mạng.
Kịch bản Đêm trắng được tác giả Lưu Quang Hà chắp bút từ ngay sau khi Bác mất (năm 1969), nhưng hơn 10 năm sau (năm 1980)mới hoàn thành. Ông là người kỹ tính, chăm chút tác phẩm kỹ càng, thận trọng. Tác giả luôn tâm niệm những vấn đề đưa vào kịch bản phải đảm bảo tính trung thực cao, độ chính xác lớn, tư liệu chuẩn, chọn lọc chi tiết đắt… Vì thế, ông chú tâm từ xây dựng nhân vật nhất quán, giàu cá tính, ngôn ngữ thoại chuẩn phù hợp với chân dung từng nhân vật. Là người chiến sĩ, ông hiểu đề tài đấu tranh chống tiêu cực chưa dễ gì được chấp nhận ngay khi thời điểm ra đời. Không nản chí, ông vẫn luôn hy vọng Đêm trắng sẽ đến với công chúng vì những giá trị lan tỏa của cái đẹp, tính nhân văn. Vì thế, ông vẫn luôn ý thức tìm tòi, cập nhật tư liệu mới, bổ sung, chỉnh sửa. Kịch bản Đêm trắng đã đượchoàn chỉnh vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác (19/5/1990) và sau đó được nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật dàn dựng cho kịch nói, chèo, cải lương.
Tác giả Lưu Quang Hà viết dựa trên câu chuyện có thật về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh y án tử hình đại tá Trần Dụ Châu - nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội lợi dụng chức quyền“Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”. Vụ đại án tham nhũng nổi tiếng này đã được nhà báo Hồng Hà viết trong loạt bài phóng sự điều tra đăng 6 kỳ liên tiếp (từ ngày 20/9/1950) trên báo Cứu quốc.
Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu, Lưu Quang Hà sáng tạo nên một kịch bản có tên Đêm trắnggồm 2 hồi, 6 cảnh giàu tính chiến đấu, thấm đẫm tính nhân văn và ngời sáng hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, thấm đẫm tính thời đại.
Tác giả Lưu Quang Hà bám sát sự kiện câu chuyện xảy ra và hư cấu một số chi tiết, đổi tên nhân vật. Ngoài nhân vật Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Lưu Quang Hà đã đổi tên các nhân vật so với câu chuyện thật: Trần Dụ Châu - Đại tá Hoàng Trọng Vinh, Cục trưởng Cục Quân nhu; em trai Hoàng Trọng Vinh - Trung đoàn trưởng Hoàng Trọng Dũng; đại biểu Quốc hội Đoàn Phú Tứ - thi sĩ Nguyễn Thơ...
Kế thừa và sáng tạo “Đêm trắng” phiên bản 2020
Đêm trắng là một kịch bản hấp dẫn đã thu hút nhiều đoàn nghệ thuật khai thác.
Năm 1987,ở vị trí Trưởng đoàn, Đại tá Hồ Ngọc quyết tâm dàn dựng vở kịch Đêm trắngcho Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu II… NSƯTTiến Hợi lần đầu tiên được giao nhiệm vụ và đã thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ để kể từ đó cơ duyên dường như“đóng đinh”anh với vai diễn về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngay sau khi công diễn, vở Đêm trắng đã ghi dấu ấn đặc biệt với hơn 300 buổi diễn, được khán giả yêu mến đón nhận nồng nhiệt, trở thành một điểm sáng sân khấu những năm 1987 - 1988.
Kể từ năm 1990 trở đi, Đêm trắng trở thành một kịch bản hấp dẫn thu hút các loại hình nghệ thuật ngoài kịch nói dàn dựng. Đoàn Cải lương Sài Gòn I dựng vở Đêm trắng (đạo diễn Doãn Hoàng Giang - Thanh Điền) tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990. Nghệ sĩ Thanh Điền được trao giải đặc biệt thể hiện xuất sắc vai diễn Bác Hồ.
Ðoàn chèo Tổng cục Hậu cần (nay là Nhà hát Chèo Quân đội) đã dựng vở Đêm trắng do soạn giả Hoài Giao chuyển thể chèo từ kịch bản kịch nói của Lưu Quang Hà, NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn, cùng dàn diễn viên tài năng: Ngọc Cao đóng vai Bác Hồ, Tự Long đảm nhận vai Hoàng Trọng Vinh...
Với vai trò “Anh cả đỏ” nền nghệ thuật sân khấu kịch nói, Nhà hát Kịch Việt Nam đã 3 lần dựng vở Đêm trắng ở 3 thời điểm khác nhau và cách nhau đúng 15 năm: 1990, 2005 và 2020. Ngày 27/10/2020, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi công vở mới Đêm trắng do NSƯT Xuân Bắc đạo diễn.
Sau thành công Đêm trắng do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn trước đó từng đoạt HCV tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990, được phục dựng lên sóng truyền hình năm 2005 và năm 2020, đến lượt mình,NSƯT Xuân Bắcđã giải bài toánĐêm trắngvừa có tính kế thừa, vừa không lặp lại người đi trước, vừa sáng tạo mang dấu ấn cá nhân. Với tinh thần cầu thị, học hỏi, NSƯT Xuân Bắc đã mời NSND Doãn Hoàng Giang làm cố vấn nghệ thuật cho vở diễn này. Lần đầu tiên ở vị trí đạo diễn, trên cơ sở kế thừa tinh hoa của người đi trước, cùng tư duy sân khấu mới mẻ, đổi mới, NSƯT Xuân Bắc phục dựng, làm mới Đêm trắng theo tư duy hiện đại, kể lại câu chuyện từ thập niên 50 của thế kỷ trước cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, vẫn nóng hổi tính thời sự.
Lần đầu tiên ở vị trí đạo diễn, NSƯT Xuân Bắc đã triển khai câu chuyện theo cách của mình kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn, chất sử thi hoành tráng và yếu tố phi sử thi, bi kịch chiến tranh đan xen yếu tố hài… Làm nên thành công Đêm trắng là cách xử lý tài hoa kết cấu vở kịch 2 hồi, 6 cảnh theo từng tuyến nhân vật, sự kiện. Trước hết, vở diễn dàn dựng từng mảng, khối, với một quy mô lớn gần 100 diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam, sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Là một danh hài đất Bắc nổi tiếng, khi ở vai trò đạo diễn, NSƯT Xuân Bắc đã “tiết chế cảm xúc” không để yếu tố hài vốn là thế mạnh của mình chồng lấn vào vở kịch giàu tính chính luận. Thực sự, đạo diễn nàyđã xử lý rất khéo, đan cài yếu tố hài vừa đủ để khán giả cùng bộc lộ cảm xúc tâm trạng, sống cùng nhân vật của mình, khi thì được cười nói hoan hỉ thỏa thuê; lúc thì hờn căm, giận dữ; lại khi hồi hộp, lo lắng; cũng có lúc lặng lẽ, trầm tư; rồi xúc động khóc cùng nhân vật…
Đặc biệt, vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đêm trắng đã được nghệ sĩ Nguyễn Minh Hải - cựu sinh viên lớp diễn viên sân khấu - điện ảnh khóa 16 Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thể hiện thành công. Có lẽ được thử sức qua vai Nguyễn Ái Quốc trong phim Vượt qua bến Thượng Hải (đạo diễn Triệu Tuấn và Phạm Đông Vũ, năm 2011) là một yếu tố quan trọng như một bệ đỡ giúp chàng trai xứ Nghệ thể hiện thành công vai diễn quan trọng, thiêng liêng - lãnh tụ Hồ Chí Minh.
- Từ cái nôi sân khấu - điện ảnh Việt Nam (kỳ 15): Lê Chí Kiên - người đưa 'Hồn Trương Ba...' vào rối
- Từ 'cái nôi' Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam (Kỳ 11): Lê Chức - Rút ruột để nhả giọng
Nguyễn Minh Hải cho biết: Năm 2005, Nhà hát em dựng vở Đêm trắng, em đóng vai chiến sĩ, chủ yếu đứng trong cánh gà, anh Trần Vĩnh Thạch đóng Bác Hồ. Em đã học hỏi được từ anh Thạch rất nhiều. Sau 15 năm, được Nhà hát tin cậy giao nhiệm vụ đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, em cảm nhận được vinh dự và trách nhiệm lớn rất đỗi thiêng liêng. Từ khi khởi công vở kịch, em đã bỏ lại việc đóng phim, tập trung cao độ cho vai diễn rất quan trọng, thiêng liêng và cũng rất khó. Nhiều đêm em thức trắng đọc, nghiền ngẫm, nghiên cứu tài liệu, xem lại các vở diễn, học hỏi các nghệ sĩ đã đóng vai Bác Hồ… Hóa thân vào nhân vật Bác, em xúc động đã khóc rất nhiều. Khi vở diễn kết thúc, chào khán giả em vẫn không cầm được nước mắt…".
Sau 40 năm kể từ khi ra đời, kịch bản Đêm trắng của Lưu Quang Hà vẫn tươi mới những dòng cảm xúc như thế.
(Còn tiếp)
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Tags