Từ chuyện cô giáo cung Bọ Cạp: Khi cô trò ở hai đầu chiến tuyến...

Thứ Ba, 04/08/2015 05:44 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Bà chủ bức xúc khi xem clip cô giáo xưng “tao- mày” mắng học viên thậm tệ. Bà còn choáng hơn khi đọc những dòng tin nhắn khiêu khích được cho là gửi từ phía cậu học viên. Điều này dễ hiểu, bởi từ xưa, người thầy vẫn được coi là “người lái đò”.

Theo đó, thầy cô được coi là người lái đò đưa học trò qua con sông tri thức gập ghềnh cuộn sóng tới bến bờ thành công. Tâm lý mặc định của bà chủ và số đông những người đang tranh cãi chuyện cô giáo “cung Bọ Cạp” là quan hệ thày trò luôn phải là: cô ra cô, trò ra trò.

Thứ hạng, vai vế đều theo chuẩn truyền thống: thầy cô là cha là mẹ, thầy cô bảo gì trò cũng phải nghe!


Sự việc cô giáo và học sinh tranh cãi xảy ra tại một lớp học của trung tâm ngoại ngữ

Nhưng bi kịch xảy ra khi cô- trò ở hai đầu chiến tuyến. Cô dọa nạt trò, trò thách thức cô. Cô vẫn mường tượng xã hội đóng khung trong thời Nho giáo từ xa. Trò hình dung mình là người tiêu dùng, có đầy đủ mọi quyền lợi của nền kinh tế thị trường hiện đại (cả quyền thắc mắc, cáu gắt và khiêu khích đơn vị phục vụ).

Hai bên ở hai hệ quy chiếu lệch nhau dẫn đến những tranh cãi tràng giang đại hải và vô bổ cho cả cộng đồng. Người cho rằng trò đúng vì trò là người tiêu dùng đang tiêu thụ sản phẩm giáo dục. Kẻ khác (số ít) cho rằng hành động của cô giáo là chấp nhận được trước hành vi xấc xược của học trò.

Và khi đứng trên hai hệ quy chiếu khác nhau để soi chiếu cùng một vấn đề, sự sai lệch, cong vênh, thậm chí cả đối lập là dễ hiểu. Ai cũng muốn tấn công bên còn lại là “vô học” để chứng minh mình... có học.

Ai cũng dùng những lý lẽ từ hệ thống mình để áp đặt cho bên còn lại. Đây cũng là những hệ lụy tất yếu của xã hội buổi giao thời, khi Nho giáo đã “chấm dứt sứ mạng” lịch sử (lời nhà nghiên cứu Trần Quang Đức) còn cái mới chưa tới.

2. Remote tôi không chê trách, không phán xét bên nào trong câu chuyện đang khiến cả cộng đồng (ảo và thật) nhảy dựng trong “cơn lên đồng tập thể”. Bởi với một clip hơn 7 phút cùng một vài câu trả lời phỏng vấn từ các bên, một vài dòng email được công bố trên mặt báo..., chúng ta có quá ít dữ liệu để nêu quan điểm.

Và khi quan điểm cá nhân được đưa ra từ nguồn cứ liệu mỏng, những cái bẫy truyền thông luôn rình rập biến chúng ta thành những con mồi, hành động theo chủ đích của kẻ khác.

Vấn đề bây giờ đặt ra là: Dư luận và các bên nên hành xử sao với những suy nghĩ từ những tư tưởng khác mình (trường hợp này chỉ là điển hình cho rất nhiều trường hợp khác trong thời khắc giao thời này)?

Làm người tử tế ngoài đời thực đã khó, làm người tử tế trong mạng xã hội còn khó khăn gấp bội. Có lẽ, cách tạm thời để chúng ta hướng về những giá trị nhân văn phổ quát là “luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu”.

Bởi khi và chỉ khi nhìn “cuộc lên đồng tập thể” ở một khoảng xa cần thiết, chúng ta mới có thể thấy vấn đề khách quan và bao dung với góc độ của các bên.

Remote
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›