Từ chuyện HLV Troussier và Gong Oh Kyun: Dùng cầu thủ trẻ, sao vẹn đôi đường?

Thứ Tư, 06/12/2023 06:37 GMT+7

Google News

Sẽ chẳng có nền bóng đá đủ tự tin hoạch định tương lai nếu trong tầm nhìn ngắn hạn họ không có hoặc không thể sử dụng các cầu thủ trẻ ở những sân chơi cao nhất. Nhưng việc dùng cầu thủ trẻ luôn là "con dao 2 lưỡi" đối với các HLV trước áp lực thành tích. Dùng không khéo, thì việc chưa xong đã phải khăn gói ra đi.

Trận thua của CAHN trước Hải Phòng là ví dụ mới nhất của "con dao" này. Với một vài lý do, HLV Gong Oh Kyun  cất một vài trụ cột và thay vào đó là những cầu thủ còn trẻ, chưa có kinh nghiệm đá V-League. Thế là CAHN đã thua một cách toàn diện trước sự già rơ của Hải Phòng của ông Chu Đình Nghiêm, một HLV rất biết cách khai thác điểm yếu của đối thủ.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cái sự thất bại của ông Gong không trùng khớp với những trường hợp tương tự về hành động cũng như kết quả. Tại Hà Nội FC, HLV Bandovic đã phải ra đi sau khi ông cố gắng cải tổ nhân sự lẫn chiến thuật nhằm đem lại sức bật mới cho đội bóng đã thừa mứa danh hiệu quốc nội này. Không còn Bandovic,  Hà Nội FC buộc phải quay lại với sơ đồ mà các cựu binh chiếm đa số.

Xa hơn một chút, ở một phép thử lớn hơn là HAGL với lứa U19 hồi năm 2015, tập thể ấy đã "dành cả thanh xuân để trụ hạng". Gần nhất, có thể lấy cuộc "cách mạng" của HLV Troussier trên ĐTQG khi ông mạo hiểm đưa nhiều cầu thủ trẻ vào các trận đấu ở đẳng cấp cao nhất. Không chỉ thất bại về mặt tỷ số, mà cách dùng người của nhà cầm quân người Pháp đang bị nghi ngờ về hiệu quả.

Bóng đá có tính chu kỳ, sự nghiệp đỉnh cao của cầu thủ cũng chỉ 5-7 năm nên việc thay thế họ bằng cầu thủ trẻ là chuyện chẳng phải bàn, nếu không nói là còn mang ý nghĩa chiến lược. Nhưng "trẻ hóa" không có nghĩa là cứ "ném" cầu thủ U23 hay U21 vào các trận đấu lớn là xong.

Dùng cầu thủ trẻ, sao vẹn đôi đường? - Ảnh 1.

Việc cho đá chính những cầu thủ trẻ như Hoàng Văn Toản (trái) là 1 trong những nguyên nhân khiến CAHN thua Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Linh

Họ thích ứng nhanh, phát huy được tiềm năng, tố chất thì chẳng nói làm gì. Nhưng mặt khác, những thất bại nặng nề có thể ảnh hưởng đến tâm lý khi họ bị "ngợp" trước bầu không khí chưa từng được tiếp cận.

Với cầu thủ có năng lực thực thụ, tác động tâm lý có thể làm sự phát triển của họ chậm đi, ví dụ điển hình là một vài cầu thủ của HAGL. Còn những người bị "ép" phải trưởng thành khi không đủ năng lực, thì có khi còn phản tác dụng, khiến họ "đi" luôn cả sự nghiệp vốn có thể kiếm cơm bằng đá bóng dù không phải ngôi sao. 

Thật ra, việc dùng cầu thủ trẻ là không thể cưỡng lại được, nhưng dùng như thế nào. Một trong những người được xem là "mát tay" với bóng đá trẻ là HLV Hoàng Anh Tuấn cho rằng giải pháp tốt nhất là tạo ra các đấu trường hạng B, trên mức độ của một giải đấu trẻ (giải U) nhưng chỉ tiệm cận đến trình độ V-League.

Mô hình này áp dụng phổ biến ở các quốc gia châu Âu, Nam Mỹ với những giải đấu dành cho đội hình dự bị đá song song với giải vô địch quốc gia. Điều này giúp cầu thủ trẻ vẫn không chịu nhiều áp lực phải cạnh tranh suất đá chính cùng những cựu binh, nhưng đồng thời họ vẫn có mục tiêu phấn đấu với sự trải nghiệm tương đương giải chính thức. Khi đó, họ không còn là một cầu thủ trẻ (tuổi U) nữa mà là những người sẵn sàng để bước chân vào đội 1.

Việt Nam chưa có hệ thống hạng B này, nên hoặc là họ sẽ mãi chỉ là U, hoặc chẳng còn cách nào khác là đưa thẳng lên đội 1. Nên chăng, chúng ta mở rộng giải hạng Nhất, các đội dự bị này sẽ tham gia chung với điều kiện họ không thể thăng hạng. 


Long Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›