Từ chuyện khó tin: Thù lao diễn viên 10.000 đồng/giờ

Thứ Năm, 02/07/2015 14:25 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Diễn viên kịch vẫn tập với thù lao 10.000 đồng/giờ, lương tháng của NSND Hoàng Dũng - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chỉ 5 triệu đồng/tháng... Đó là những chuyện buồn mà PV Thể thao & Văn hóa ghi nhận bên lề cuộc thi Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp (đang diễn ra ở Thanh Hóa, kéo dài tới ngày 6/7).

Cuộc thi Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp có số lượng vở diễn lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây: 29 vở diễn của 19 đơn vị nghệ thuật (trong đó có 8 đoàn xã hội hóa). Nhưng bên cạnh sự đông vui hiếm hoi của sân khấu kịch, lòng người lại nặng trĩu nỗi buồn, xót xa vì “sân khấu ngày nay không còn nhiều hấp dẫn công chúng như trước”, như lời phát biểu của Thứ trưởng Vương Duy Biên tại đêm khai mạc.

Diễn viên không lương...

NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội phát biểu trong cuộc họp với BTC đại ý rằng: Lương giám đốc như ông mà chỉ được 5 triệu đồng/ tháng, còn diễn viên thì 2 - 3 triệu/ tháng sao sống nổi bằng nghề. Một đêm tập vở, diễn viên phụ được 10.000 đồng/ giờ; diễn viên chính thì có thể là 20.000 đồng hoặc hơn. Thông tư mới về thù lao cho nghệ sĩ đã có hiệu lực thi hành nhưng theo lời ông thì chưa được áp dụng. Trong khi chính người viết bài từng phải thuê người giúp việc theo giờ với giá 35.000 đồng/ giờ. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng không khỏi khiến ta băn khoăn...

Do vậy, theo NSND Hoàng Dũng, 60 - 70% diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội phải bủa đi làm phim truyền hình để kiếm sống. Nhưng chỉ diễn viên ở Hà Nội, hay TP. HCM mới có việc, chứ các tỉnh lấy đâu ra? Diễn viên ở Hà Nội còn thế, các đoàn tỉnh lẻ ở đoàn địa phương thì làm sao sống được bằng nghề?


Cảnh trong vở “Công lý không gục ngã” của Nhà hát Tuổi trẻ

Còn nhà viết kịch Chu Thơm thì chua xót: “Một số khu công nghiệp phía Nam, 60% công nhân thu nhập bình quân dưới 2 triệu đồng/tháng, họ sống “4 không”: Không gia đình, không nhà, không văn hóa, không ti vi, họ ăn rau cháo ở những nhà lụp xụp. Đời sống diễn viên tỉnh lẻ giờ dường như cũng thế...”.

Ông Nguyễn Minh Đức, Trung tâm Nghệ thuật và tổ chức biểu diễn Hải Dương, cho hay: “Đoàn chúng tôi chủ yếu đi diễn ca múa nhạc, lấy ngắn nuôi dài, diễn viên chủ yếu sống bằng hài kịch, ca nhạc”.

Năm nay đoàn Hải Dương được tỉnh cấp kinh phí để tham gia liên hoan trong hoàn cảnh gấp gáp. Trước liên hoan gần 1 tháng, đoàn mới được duyệt vở kịch Gió từ những cánh đồng của tác giả Chu Thơm, do NSƯT Anh Tú đạo diễn. Do vậy, để kịp liên hoan “đoàn phải tập liên tiếp trong 1 tháng giữa mùa hè nóng bức tại nhà hát đã xây từ 50 năm trước, ghế ngồi đã han rỉ, không có điều hòa”, ông Minh Đức kể.

Trong khi đó, theo chia sẻ của NSƯT Diệu Hương, Trưởng Đoàn kịch nói Quảng Ninh: “Đoàn chúng tôi bị cắt giảm ngay 50% ngân sách từ đầu năm nay, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm dựng vở Lính trận của nhà văn Chu Lai để dự thi. Ngày 4/7 tới, đoàn mới diễn, nhưng đến thời điểm này diễn viên không ai còn lương cả. Thi thì vẫn cố gắng thôi, nhưng đi về không biết lấy lương ở đâu để nghệ sĩ sống mà bám trụ với nghề...”.

Kịch tỉnh lẻ trước nguy cơ... “xóa sổ”

Được biết, năm nay BTC cuộc thi hỗ trợ 50 triệu đồng cho các đoàn xã hội hóa dự thi, còn các đoàn công lập phải hoàn toàn tự túc về kinh phí. Những đoàn kịch ở Trung ương như: Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội... diễn viên giỏi có khi “ẵm” hết huy chương, giải thưởng. Nhưng các đoàn tỉnh lẻ đã đi thì phải chấp nhận sân chơi chung, ngoài ra còn để học hỏi, cống hiến hết mình vì cái nghiệp...

Tuy vậy, nhiều đoàn tỉnh lẻ rất lo lắng bởi nếu không được giải gì có khi về đoàn bị giải thể. Từng có nhiều đoàn kịch mạnh như Thái Nguyên, Thái Bình bị sát nhập và đến nay không còn. Đoàn kịch nói Nam Định rất mạnh, nhưng năm nay không dự thi. Đoàn kịch nói Phú Thọ những năm trước đi thi luôn đứng “đội sổ”, năm nay đi thi dựng lại vở Đường đua trong bóng tối (tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn NSND Lê Hùng) từng được Đoàn kịch nói Công an Nhân dân dựng và cũng dự thi tại sân chơi này. Cho dù lãnh đạo Đoàn kịch Phú Thọ nói rằng “chúng tôi rất tự tin với vở kịch này”, nhưng khả năng đạt giải thưởng thì... quá khó!

Hơn nữa, BTC cho biết sẽ chỉ trao giải cho các vở diễn và cá nhân thực sự xuất sắc, không để tình trạng “mưa giải thưởng”. Số lượng giải thưởng cho vở diễn và diễn viên không vượt quá 35% tổng số vở diễn và diễn viên. NSƯT Diệu Dương, Trưởng đoàn kịch Quảng Ninh chua xót: “Hành trình từ vai diễn đến vở diễn của nghệ sĩ sân khấu khá là mệt mỏi bởi cơm áo gạo tiền, cho dù sức hấp dẫn của liên hoan vẫn còn, vẫn muốn đi thi để biết mình đang ở đâu, nhưng có khi thi về không biết... đi đâu”. Kết thúc cuộc thi, Đoàn kịch Quảng Ninh “khó sống” trước áp lực giải thể...

An Như
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›