(Thethaovanhoa.vn) - Hồi mùa Hè 2006, trước trận bán kết Champions League giữa Arsenal với Villareal, khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông Wenger đã phát biểu: “Tôi không quá lo ngại khi gặp Villareal. Họ chơi bóng với nguyên lý bóng luôn được trung chuyển qua chân số 10 Riquelme để phát động tấn công. Điều đó khiến việc triển khai tấn công luôn chậm lại ít nhất một nhịp, và thiếu đa dạng, dù Riquelme là một tài năng”.
Câu chuyện này ít ai nhớ, vì nó không ấn tượng gì quá nhiều. Và bản thân Riquelme cũng không phải cầu thủ thuộc diện siêu sao bất chấp người đời từng ví anh như truyền nhân của Maradona. Anh là một dạng số 10 điển hình, và có thể nói, là số 10 điển hình cuối cùng của bóng đá hiện đại.
Cầu thủ phải thích nghi với mọi hoàn cảnh
Ở World Cup 2014, người hâm mộ cũng ca ngợi James Rodriguez như một số 10 mới của bóng đá thế giới. Nhưng thực tế, Rodriguez không chơi hoàn toàn như một số 10, tức vị trí trequartista, vị trí được mặc định chỉ hoạt động ở 1/4 sân về phía sân đối phương theo quan niệm sơ khởi và cổ điển của bóng đá. Anh hoạt động đa năng hơn, tham gia cả vào các tình huống phòng ngự và nổi bật hoàn toàn ở tấn công cũng như phát động tấn công.
Câu chuyện của một Riquelme bị lãng quên và một Rodriguez đang lên như diều gặp gió nhắc chúng ta nhớ điều gì? Đó là trong bóng đá hiện đại, một cầu thủ yêu cầu phải chơi thực sự đa năng, phải có ý thức tham gia phòng ngự khi cần bất chấp vị trí mặc định của anh ta là cầu thủ tấn công. Yêu cầu ấy càng mạnh mẽ hơn khi triết lý bóng đá pressing ngày càng chiếm ưu thế. Điển hình như trường hợp của Cabaye. Anh là một cầu thủ thích dâng cao, thích sút xa, thích tham gia tấn công bằng cách thâm nhập khu vực 16m50 của đối thủ. Nhưng khi về PSG hay đặc biệt ở đội tuyển Pháp, HLV Deschamps yêu cầu anh phải chơi lùi lại phía sau Matuidi và Pogba, anh vẫn vui vẻ chấp hành và thực hiện công việc của mình một cách chính xác, hiệu quả nhất.
Cabaye là cầu thủ thích dâng cao, thích sút xa, thích tham gia tấn công bằng cách thâm nhập khu vực 16m50
Bóng đá thế giới là như thế và bóng đá Việt nam cũng không lạc hậu đến mức độ không nắm bắt được xu thế mới đó. Ở Việt nam, các cầu thủ cũng đã phải tập quen ý thức tham gia đa dạng vào các tình huống bóng từ lâu rồi chứ không có chuyện chỉ chơi đặc biệt ở một vị trí nào đấy. Và đây chính là cánh cửa mở ra một cách minh bạch nhất vấn đề của Thái Sung, cầu thủ trẻ bỗng dưng gây ồn ào thời gian qua.
Theo cách diễn dịch của một vài bài báo, vẻ như Thái Sung đang bị ông Phan Công Thìn “đì” khi không sử dụng anh. Thực tế, bóng đá có cái khác với những khía cạnh khác trong xã hội khi kết quả nó lồ lộ ra đấy chứ không thể lấp liếm được. Và điều đó đồng nghĩa với việc một HLV chẳng dại gì ém một tài năng trên ghế dự bị để rồi không nhận được kết quả tốt nhất. Vấn đề của Thái Sung nằm ở chính Thái Sung chứ không phải ở ai khác.
Thực tế, Thái Sung là một cầu thủ có tài, có tư duy tốt, có kỹ năng tốt nhưng anh chỉ biết chơi tấn công chứ không hề biết tham gia phòng ngự hoặc tham gia chống phản công khi cần. Sung chơi như một số 10 cổ điển, một số 10 chỉ chăm chăm với lãnh địa ¼ phần sân đối phương khi mà một đội bóng cần cả 11 con người cùng hoạt động với nhau vì một mục tiêu chung.
Thái Sung (trái) từng nhận được rất nhiều kỳ vọng của người hâm mộ sau khi trở về từ Học viện Aspire. Ảnh: Quang Nhựt
Hơn nữa, ở tấn công, Thái Sung cũng chưa vượt trội so với các đồng đội khác. Đó là một sự thật khó có thể phủ nhận. Từ Aspire trở về, anh lên đội 1 SHB Đà nẵng thử việc 1 tuần và bị HLV Lê Huỳnh Đức trả về vì không đáp ứng được chuyên môn. Anh chơi cho Kontum ở giải hạng nhì cũng không tạo được dấu ấn khác biệt nào rõ rệt và điều đó đủ minh chứng rằng việc anh không có suất chính thức ở U19 hay U21 suốt thời gian qua cũng có lý do của nó.
Cầu thủ 'sớm nở chóng tàn' là chuyện rất bình thường
Hãy nghĩ về tính chuyên nghiệp khi nói về bóng đá chuyên nghiệp, ta sẽ càng rõ hơn câu chuyện của Thái Sung. Khi một cầu thủ được HLV yêu cầu phải chơi như thế nào, anh ta cần phải nỗ lực hết sức để đáp ứng được yêu cầu ấy. Như vậy mới là chuyên nghiệp đúng nghĩa. Cầu thủ là để phục vụ đội bóng chứ không phải đội bóng được xây dựng để phục vụ một cầu thủ, nhất là khi cầu thủ ấy chưa phải là một siêu sao tầm vóc có thể thay đổi được cục diện cuộc chơi khi cần thiết.
Ngay cả những ngôi sao bóng đá Việt nam hiện nay như Công Vinh, Anh Đức… cũng đều phải tích cực lui về áp sát đối phương tranh cướp bóng khi HLV Miura yêu cầu chứ không phải họ yêu cầu HLV phải đặt họ vào vị trí thuận tiện, phù hợp với sở thích của mình nhất. Một người vì mọi người là như vậy và đó chính là việc thể hiện ý thức, tinh thần của một người chuyên nghiệp.
Thêm nữa, một cầu thủ trẻ đạt nhiều thành tích với một đội trẻ (như chuyện Thái Sung với thành tích đã có cùng học viện Aspire) không đủ để làm bảo chứng cho việc anh ta sẽ trở thành siêu sao trong tương lai. Đơn cử như HLV Deschamps đã từng chia sẻ: “Chúng tôi đã có một lứa U17 vô địch thế giới năm 2001 nhưng cả lứa ấy không một ai đủ đẳng cấp vào đội tuyển quốc gia Pháp sau này”. Sau đó, lứa U17 Pháp vô địch châu Âu năm 2004 hiện nay cũng chỉ còn đúng Benzema là chắc suất đội tuyển và một thủ thành Costil lúc được gọi lúc bị bỏ lại tùy theo tình hình và phong độ.
Nói đến đây có lẽ cũng đủ để khép lại câu chuyện của Thái Sung. Có thể anh tài năng khi anh 15-17 tuổi nhưng giờ anh đã là người chuyên nghiệp, anh phải chứng minh được bằng ý thức và năng lực của một người chuyên nghiệp thực sự. Và ý thức ấy là gì? Là lao động, lao động và lao động để cải thiện chính mình nhằm đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu của người HLV, kể cả là khi một ngày dở hơi nào đó ông HLV bỗng dưng yêu cầu anh phải lui về đá hậu vệ biên nếu như ông HLV ấy có những lý do chính đáng của riêng mình.
Còn nếu cứ ngồi há miệng chờ sung như thế này, chẳng biết bao giờ vận may nó mới rơi vào đúng chỗ mình ngồi chờ thời…
Cố lên nhé Sung, đời còn dài nên ‘đài vẫn còn có thể dời’ mà…
Hà Quang Minh
Tags