(Thethaovanhoa.vn) - Tuần trước, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đã đề xuất thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà, tuần chỉ đến công sở 1 đến 2 lần. Đây là mô hình làm việc ở nhiều nước tiên tiến.
- Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn của công chức Hà Nội: Chạm đến vấn đề khó
- Cán bộ công chức Hà Nội phải hạn chế dùng phương ngữ: Đặt vào thế khó
Những nhà quản lý, sợ nhất vẫn là tình trạng nhân viên ăn gian… thời gian. Làm việc kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về, có cũng được, không có cũng xong”. Xảy ra tình trạng đó, hiệu quả công việc thấp đã đành, còn sản sinh ra nguồn năng lượng xấu, làm lây lan cả một tổ chức.
Không khó bắt mạch nguyên ủy “căn bệnh” tai quái này, trong đó lý do dễ chấp nhận hơn cả vẫn là ảnh hưởng từ nền hành chính còn nặng tư duy quan liêu, bao cấp.
Đấy là nghịch lý, khi người Việt được coi là cần cù, chịu thương chịu khó, đất nước lại đang đầy khó khăn. Nhiều bạn nước ngoài, kể cả Việt kiều về, đa số đều có nhận định: dân ta thời gian “rảnh rỗi” nhiều quá. Có đủ lý do để “ăn gian” thời gian của cơ quan.
Cá nhân tôi cho rằng, đề xuất của ông Hiểu là đáng hoan nghênh. Ở chỗ, nếu lên cơ quan thời gian vẫn lãng phí, trong khi phần việc ở nhà vẫn giải quyết đơn giản, thậm chí hiệu quả hơn, thì tuần có mặt 2 lần là hợp lý. Như thế sẽ tiết kiệm được bao nhiêu khoản chi phí cho cá nhân lẫn xã hội, có điều kiện giúp đỡ gia đình. Các công cụ, phương tiện, công nghệ để làm việc từ xa hiện nay rất đa dạng và tiện lợi.
Nhưng, ở góc độ khác, thì đề xuất của ông Hiểu là quá khó thực hiện, thậm chí không tưởng, nhất là với các đơn vị nhà nước. Ở đó, đánh giá công năng cán bộ, bình bầu thi đua, cất nhắc vị trí…, không đơn giản ở hiệu quả công việc, mà biết bao tiêu chí khác, trong đó có thái độ cần cù. Cho nên, cải cách hành chính trong khối các doanh nghiệp nhà nước vẫn rất nan giải.
Không cần so sánh Nhật Bản, nơi đã áp dụng chính sách làm việc từ xa. Chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rất rõ ở môi trường khối doanh nghiệp tư nhân, hoặc liên doanh nước ngoài. Người lao động buộc phải chuyên nghiệp, nếu như không muốn bị mất việc, cắt giảm lương, thưởng.
Đến đây, có lẽ chúng ta đã tiệm cận quan điểm chung: chắc chắn, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công- viên chức sẽ được cải thiện, một khi họ được nhận xứng đáng với mức độ cống hiến; khi sự công bằng không bị…cào bằng; khi tương lai được đảm bảo. Nếu các công sở không tạo được môi trường làm việc rất cơ bản đó, thì hệ thống giám sát hà khắc đến mấy cũng khó tiễu trừ vấn nạn thời gian bị đánh cắp, nhân viên tranh thủ thời gian để giải trí, làm thêm đủ thứ để tăng thu nhập, thậ chí sẵn sàng tiêu cực.
***
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu muốn TP.HCM đi đầu áp dụng ý tưởng trên để tạo bản mẫu, sau đó các địa phương noi theo. Đúng vậy, TP.HCM đã có cơ chế đặc thù, được trao cơ hội phát triển thành một thành phố đầu tàu của đất nước.
Nhưng, như một ví dụ hóm hỉnh, nếu đầu tàu đó vẫn chạy bằng… hơi nước, chưa đột phá tư duy, hành động thì cũng khó thành công. Chuyện nhỏ thôi: họp hành.
Mới đây, trước thực trạng họp tràn lan, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã phải quyết định lập Ban biên soạn đề án “Chế độ hội họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước” gồm 19 thành viên.
Con số mà Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, ông Sử Ngọc Anh, phản ánh làm cả nước “choáng váng”. Trong 7 tháng đầu năm, lãnh đạo Sở này phải dự hơn 2.000 cuộc họp. Bình quân mỗi người họp 3-4 lần một ngày; chưa kể họp đột xuất, phát sinh.
Còn “á quân” thuộc về Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Giám đốc Nguyễn Thanh Nhã than thở, ông cùng 3 phó giám đốc, lãnh đạo phòng ban, cán bộ chủ chốt phải dự hơn 1.500 cuộc họp, tính từ đầu năm.
Họp nhiều quá mà tính hiệu quả thấp cũng là một hình thức lãng phí thời gian, đáng phê phán! Đáng lo, đấy cũng là chuyện không riêng của TP.HCM.
Hữu Quý
Tags