Diễn ra tối 5/8, đêm nhạc Nhạc sĩ Tôn Thất Lập - Vang mãi những bài ca có gần như đầy đủ các tác phẩm tiêu biểu của người nhạc sĩ này, và gợi không ít hoài niệm về thuở nhạc Việt giành lại khán giả trên sân nhà.
Màu sắc bức tranh âm nhạc Tôn Thất Lập được khắc họa khá đầy đủ, gọn gẽ trong gần 2 giờ đồng hồ của đêm nhạc tưởng nhớ ông (diễn ra tại Nhà hát TP.HCM). Và nó gây thích thú cho không ít khán giả trẻ thuộc lứa Gen Z trong khán phòng, khi họ được biết rằng: Bên cạnh ấn tượng từ những ca khúc thuốc dòng ca khúc đấu tranh trong những năm tháng chiến tranh, ca khúc chính trị - mà họ quen được nghe trong các chương trình truyền thống, sinh hoạt đoàn đội - nhạc sĩ Tôn Thất Lập còn có những bài ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, đôi lứa đã từng được công chúng đón nhận nồng nhiệt, từng có sáng tác lọt Top Ten Làn sóng xanh một thuở.
Người không thể thiếu của sự "phục hưng" nhạc Việt
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên từng tâm sự rằng, thập niên 1990, nhất là những năm 1990- 1991, nhạc hải ngoại lấn át đời sống âm nhạc nhiều nơi, trong đó có TP.HCM, "không có sân khấu nào hát nhạc của những người trong nước cả". Nhạc Việt hoàn toàn thua trên sân nhà, hầu như chỉ xuất hiện chủ yếu trên sóng phát thanh, truyền hình, những chương trình chính thống.
Nguyễn Văn Hiên kể: "Âm nhạc của nhóm Những người bạn chọn khuynh hướng mang chất gì đó của thời đại, trẻ trung, phù hợp với lớp trẻ và xem đây như là cách để lấy lại công chúng âm nhạc của mình ngay trên sân nhà".
Nhóm Những người bạn có lẽ là trường hợp thú vị của nhạc Việt, khi đây là nhóm bạn bè nhạc sĩ thân quen đầu tiên và duy nhất ở làng nhạc Việt Nam, quy tụ toàn những gương mặt nhạc sĩ tiêu biểu của âm nhạc TP.HCM. Những năm tháng ấy, Những người bạn có quán Nhạc sĩ ở số 7 Nguyễn Văn Chiêm, quận 1, là nơi để phổ biến các tác phẩm của mình.
Đây cũng là 1 trong những tụ điểm ca nhạc quen thuộc của TP.HCM thời gian ấy. Hầu như các ca sĩ đang, hứa hẹn sẽ nổi tiếng của giai đoạn ấy đều từng cộng tác nơi này, và dĩ nhiên, nhạc mục của họ luôn có các sáng tác của Những người bạn, có các tác phẩm của "anh Ba Lập", người anh hiền lành ít nói nhất của nhóm. Quán Nhạc sĩ cũng là tụ điểm ca nhạc duy nhất ở TP.HCM lúc bấy giờ kiên trì dành thời lượng nhiều nhất cho nhạc trẻ trong nước.
Những sáng tác của nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã góp phần vào bức tranh nhạc trẻ Việt những năm đầu thập niên 1990 thêm sôi động - và dĩ nhiên, góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi nhạc hải ngoại trên sân nhà.
Nhạc mục ở phần sau chương trình Nhạc sĩ Tôn Thất Lập - Vang mãi những bài ca, những bài hát Trò chơi, Mưa thì thầm, Tình yêu mãi mãi, Cô bé dễ thương...là một sự tái ngộ thú vị công chúng nghe nhạc của các thập niên trước, của thế hệ Gen Y.Thế hệ đã quá quen nghe những bài tình ca của nhóm Những người bạn.
Có thể kể một vài thí dụ minh họa như Trịnh Công Sơn với Hai mươi mùa nắng lạ, Sóng về đâu; Trần Long Ẩn với Mừng tuổi mẹ, Xin làm người hát rong; Thanh Tùng với Giọt nắng bên thềm, Hát với chú ve con; Từ Huy với Ngày em đến, Quê hương tuổi thơ tôi; Nguyễn Ngọc Thiện với Thôi em hãy về, Ngọn lửa trái tim; Nguyễn Văn Hiên với Một thời để nhớ, Ngày xưa còn bé, và anh Ba của nhóm,Tôn Thất Lập, có Mưa thì thầm, Tình yêu mãi mãi...
"Con đường âm nhạc của thế hệ chúng tôi, rõ ràng là được bước đi trên những viên gạch mà anh và thế hệ các anh đã lát nên: Thanh Tùng, Trần Tiến, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đức Trung...Và tôi luôn biết ơn vì điều đó" - nhạc sĩ Võ Thiện Thanh.
"Mưa thì thầm" là mưa (lan) rất xa
Các ca khúc ấy, nói theo ngôn ngữ bạn trẻ bây giờ, là những bài hit một thời của thập niên 1990. Những bài hát đã góp thêm hành trang cho sự nổi tiếng và ăn khách của khá nhiều ca sĩ nhạc trẻ ăn khách của TP.HCM lúc ấy, những Thu Hà, Phương Thảo, Hồng Hạnh, Thế Sơn, Thủy Tiên… Có thể, số lượng ra khúc nhạc trẻ được công bố của ông không nhiều, nhưng những bài được công chúng trẻ ưa chuộng lại có sức lan tỏa rất rộng.
Điều đáng nói là khi nhạc trẻ TP.HCM đang trên đường tìm lại khán giả của mình, đặc biệt khi các quán cà phê chỉ mở nhạc hải ngoại, thì việc bài hát Mưa thì thầm vươn xa, được khán giả hải ngoại đón nhận quả là một ấn tượng thú vị.
Cần nhớ rằng, trong bối cảnh những năm đầu thập niên 1990, công chúng hải ngoại vốn chỉ chuộng nghe nhạc cũ, nếu có đón nhận nhạc trẻ trong nước thì rất hiếm hoi, và luôn có "độ trễ thời sự âm nhạc" so với công chúng âm nhạc trong nước đến 5 -7 năm.
Khi ấy, việc Mưa thì thầm, một hit nhạc trẻ Sài Gòn qua tiếng hát Thu Hà, Phương Thảo, Hồng Hạnh… cùng một số ít bài hát thịnh hành khác ở TP.HCM chen chân vào thực đơn âm nhạc hải ngoại là chuyện đáng nói. (Càng đáng nói hơn là nhạc chủ yếu từ nhóm Những người bạn). Tới mức, các ngôi sao ca nhạc hải ngoại chỉ chuyên hát nhạc trẻ cũ như Duy Quang, Khánh Hà, Tuấn Ngọc… cũng đưa ngay bài hát này vào các album của mình. Trong đó phải kể đến Khánh Hà, với bản thu âm ấn tượng trong album Mưa 2 phát hành năm 1995, 1 trong những album bán chạy nhất trong sự nghiệp của nữ ca sĩ Khánh Hà.
"Mưa thì thầm là mưa (lan) rất xa", giống như câu hát của Tôn Thất Lập. Khi Hiền Thục hát lại ca khúc trong đêm nhạc tưởng nhớ Tôn Thất Lập, người ta nhớ rằng, nó đã được công chúng xa xứ đón nhận trên 1/4 thế kỷ.
Di sản để lại
Với ca sĩ Phương Thanh, khi xuất hiện trong đêm nhạc Nhạc sĩ Tôn Thất Lập-Vang mãi những bài ca, đây là lần trình bày mới nhất bài hit 30 năm của cô. Một bài hát hit đầu tiên, dài nhất trong sự nghiệp của Phương Thanh, bài hát mang âm hưởng rock duy nhất của chương trình: Trị An âm vang mùa Xuân.
Phương Thanh nói, cô luôn biết ơn khi các nhạc sĩ nhóm Những người bạn đã phát hiện ra giọng hát 2 quãng 8 ở một cô ca sĩ nhỏ xíu như mình. Khi tên tuổi chưa ai biết, cô được nhạc sĩ Tôn Thất Lập tin cậy giao phó cho một nửa số bài hát trong album của ôngTình ca mùa Xuân, hát cùng Hồng Nhung khi Hồng Nhung đã nổi tiếng.
Trong album này, ông còn tin tưởng giao cho Phương Thanh lần đầu hát Trị An âm vang mùa Xuân, vốn đã từng rất thành công với tiếng hát các đàn chị Ngọc Anh (ca sĩ nổi tiếng của TP.HCM những năm 1980, đã mất), Ngọc Ánh. Và phần sau câu chuyện bài hit này thì ai cũng biết.
Phương Thanh nói, đây là một bài hát có tính giao lưu truyền lửa, kết nối, luôn được cô chọn hát trong các chương trình dành cho sinh viên học sinh, cộng đồng. Nay côhát lại, mang theo cảm xúc của sự mất mát và có cả sự thắp lửa cho thế hệ mới, với bản phối ấn tượng mang hơi thở thời đại của chính nhạc sĩ hòa âm của thế hệ Gen Z.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh bày tỏ: "Tôi không thuộc thế hệ đủ trải nghiệm để nói về "Hát cho dân tôi nghe". Tôi chỉ biết và yêu Tình ca mùa Xuân của anh thôi! Mới đây, khi trò chuyện với một đồng nghiệp trẻ, bạn ấy khẳng định rằng, trong sáng tạo luôn luôn có sự kế thừa! Tôi hoàn toàn đồng ý. Vì con đường âm nhạc của thế hệ chúng tôi, rõ ràng là được bước đi trên những viên gạch mà anh và thế hệ các anh đã lát nên: Thanh Tùng, Trần Tiến, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đức Trung...Và tôi luôn biết ơn vì điều đó".
Nhạc sĩ nói thêm: "Tôi học ở anh Tôn Thất Lập sự nhẹ nhàng và bình thản, như Tình ca mùa Xuân nhẹ nhàng đến rồi đi trong đêm 30, nhưng dư vị thì còn mãi trong trong tâm hồn ta. Tôi học ở thế hệ các anh sự lạc quan. Vì so với thời bao cấp, cái khổ hiện nay có đáng gì để ta buông lời than vãn chứ!".
Nhóm Những người bạn gồm những nhạc sĩ chơi thân với nhau lâu năm, được lập ra vào năm 1992. Họ theo độ tuổi mà xếp hàng gọi theo thứ tự như trong gia đình người miền Nam, lần lượt anh Hai là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh Ba-Tôn Thất Lập, anh Tư-Trần Long Ẩn, Thanh Tùng là anh Năm, Từ Huy là anh Sáu, Nguyễn Ngọc Thiện là anh Bảy và Út là Nguyễn Văn Hiên.
Tags