Tại sao nhiều tác giả - cũng như độc giả trẻ - hướng sự quan tâm tới thể loại truyện kinh dị trong thời gian qua? Và về bản chất, việc đọc – viết truyện kinh dị thật sự mang lại những giá trị gì?
Đó là nội dung chính của tọa đàm Viết và đọc kinh dị ở Việt Nam diễn ra vào tuần qua tại Hà Nội, do Linh Lan Books và Read Station tổ chức. Chương trình thu hút một số tác giả trẻ từng có tác phẩm được xuất bản quanh thể loại này.
Thực tế, vài năm qua, nhiều tác phẩm văn học kinh dị của các tác giả thế hệ mới đã ra đời như Đại Nam dị truyện (Phan Cuồng- NXB Hội nhà văn), Khế ước bán dâu (Thục Linh - NXB Thanh niên) , Những đồ vật có linh hồn (Tống Ngọc - NXB Dân trí), Tết ở Làng Địa Ngục (Thảo Trang - NXB Thanh niên) ... Thậm chí một số tác phẩm dã sử được xuất bản cũng có pha trộn yếu tố huyền bí, linh dị như Săn mộ (Hoàng Yến- NXB Văn học), Tước gấm giấu đây (Linh An - NXB Phụ nữ).
Sự xuất hiện này khiến nhiều người nhắc tới giai đoạn hoàng kim của văn học truyền kì, kinh dị Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, khi nhiều tác phẩm nổi tiếng ra đời và gắn với những cái tên Tchya Đái Đức Tuấn, Lan Khai hay Thế Lữ. Dù vậy, một số ý kiến cũng cho thấy sự dè dặt, thận trọng khi đánh giá thể loại này.
Lý giải về việc tác phẩm văn học kinh dị xuất hiện nhiều trong thời gian qua, tác giả Đức Anh cho biết: "Trước hết, điều này đến từ việc chúng ta đã có một thời gian dài trống vắng các đầu truyện tâm linh, kinh dị. Quan trọng hơn, thực ra các yếu tố huyền bí ấy rất phù hợp với tư duy người phương Đông nên tạo sức hút. Thực tế, văn học kinh dị Việt Nam đương đại cũng có nhiều nét giống với các tác phẩm kinh dị cũ từng ra đời đầu thế kỷ XX với sự hòa trộn giữa lối viết ma mị, truyền kỳ trong dân gian kết hợp cùng những gì học được từ phim ảnh, truyện kinh dị phương Tây.
Dù vậy, cũng theo một số tác giả, các yếu tố kinh dị của Việt Nam và phương Tây cónhiều nét khác biệt. Thục Linh - một trong những nhà văn 9x có lượng tác phẩm khá lớn về thể loại này - lý giải: "Ở Việt Nam, tín ngưỡng rất đa dạng, với nhiều vùng miền, làng quê khác nhau. Nếu như phương Tây, kinh dị, ma quỷ thuần tuý là các yếu tố về đức tin tôn giáo, thì ở Việt Nam những niềm tin dân gian về ma quỷ gần gũi với đời sống hơn rất nhiều. Và các câu chuyện truyền kỳ ở Việt Nam - cũng như những thần thoại và cổ tích - đều có tính khuyên can, răn dạy con người tin vào lẽ phải, tin vào nhân quả để sống đúng hơn".
Thục Linh cũng nhắc tới việc nên có cái nhìn chính xác và bao dung hơn với thể loại văn học này. "Văn học kinh dị từng bị nghi kị là dễ dãi, chỉ có tính giải trí, thậm chí còn xui con người tin vào mê tín dị đoan" - cô nói - "Nhưng thực tế, đó là một thể loại văn học không dễ viết, và những tác phẩm thành công đều cần mang nhiều giá trị về văn hoá, thông điệp nhân văn.
Cô giải thích thêm: "Trước hết, truyện kinh dị phải là một tác phẩm văn học thật sự. Và nó cần để lại những giá trị đích thực để người đọc thêm yêu cuộc sống, trân trọng và khiêm tốn hơn trước thiên nhiên, trước tôn giáo tín ngưỡng hay những giá trị văn hoá lớn. Muốn vậy, các tác giả vẫn phải bước ra ngoài cuộc sống, đầu tư đọc, tìm tòi, nghiên cứu để viết một cách nghiêm túc".
Trước câu hỏi về những mặt phải và trái của văn học kinh dị, Thục Linh đưa ra quan điểm khá rõ ràng: "Nỗi sợ hãi là một trong những phương cách tốt nhất để giáo dục, uốn nắn con người nếu như ta biết sử dụng nó đúng chỗ. Ngược lại, những tác phẩm kinh dị không đủ tầm sẽ khiến người ta sợ một cách vô lý và tin vào những điều vô lý, từ đó mang lại những định kiến về thể loại này".
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, anh Nam Đỗ - người sáng lập Hội Thích Truyện Trinh thám với khá đông thành viên - cho biết: "Trong những năm qua lần lượt các tác giả trẻ giới thiệu mình trong các dòng truyện có yếu tố bí ẩn, li kì và đã thu hút một số độc giả thế hệ mới. Trong tương lai có lẽ xu hướng của thể loại này sẽ là sự tích hợp giữa trinh thám và kinh dị. Chưa biết yếu tố nào sẽ là chủ đạo, nhưng đây cũng là thử thách lớn cho những người sáng tác".
Tags