Sophia thân mến! Sách giả không phải là câu chuyện mới, đã không mới mà lại còn rất cũ, dường như năm nào cũng phải nói.
Mới đây, đại diện một đơn vị làm sách vừa lên tiếng "kêu cứu" vì nghi ngờ một tác phẩm của mình bị làm giả, bày bán công khai mà không biết cách nào xử lý triệt để, đòi lại quyền lợi cho mình.
Sophia biết đó, từ trước đến nay, để hạn chế nạn sách giả, người làm xuất bản đã nghĩ ra nhiều phương cách phân biệt thật - giả, từ nâng cao chất lượng in ấn đến các loại tem chống hàng giả.
Nhưng "Phật cao một thước, ma cao một trượng", công nghệ in ấn sách giả hiện nay đã đuổi kịp những nhà in tiên tiến. Chưa kể những sáng kiến chống làm giả cũng góp thêm gánh nặng lên chi phí sản xuất của một cuốn sách, ảnh hưởng đến giá thành xuất bản phẩm. Kẻ làm sách giả đánh vào tâm lý chuộng rẻ của người tiêu dùng để "cạnh tranh" với sách thật. Cũng có nhiều độc giả bị lừa, mua phải sách giả, dù số tiền bỏ ra tương đương với sách thật.
Trước đây, trên một số diễn đàn có ý kiến rằng những người làm sách chính danh phải nghĩ thế nào để giá thành, chất lượng cạnh tranh với sách giả. Đó là kiểu đặt vấn đề ngược. Vì một cuốn sách không chỉ là một xấp giấy, trong đó còn có chất xám của tác giả. Độc giả mua một cuốn sách không phải mua giấy mà mua tác quyền của tác giả, trả cho cả công sức đội ngũ biên tập, thiết kế, in ấn…
Sophia biết đó, cũng giống như nhiều ngành khác thời điểm hiện tại, ngành sách cũng đang gặp phải nhiều khó khăn do sức mua giảm. Trong 6 tháng đầu năm, ngành xuất bản ở Việt Nam in hơn 176 triệu bản sách, giảm 53,9% bản in so với hai quý đầu năm ngoái.
Việc sách giả tràn lan ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành. Trong tình cảnh khó khăn, để kích cầu sức mua, nhiều công ty sách, nhà xuất bản đã tung ra nhiều khuyến mãi ở hội sách, cửa hàng, và cả trên các nền tảng mua sắm trực tuyến. Việc người đọc có thể mua sách thật, chất lượng tốt với giá rẻ là chuyện bình thường, nhất là trong những "ngày vàng", "giờ vàng" khuyến mãi.
Kể ra với Sophia không phải than vãn mà để thấy rằng còn nhiều kiểu tư duy "kỳ lạ" về thật - giả, về giá trị của một sản phẩm. Suy cho cùng, tuyên truyền, giáo dục vô cùng quan trọng trong việc dẹp bỏ cái lối suy nghĩ thật - giả sao cũng được, chất lượng sách tệ cũng được, miễn sao giữ nguyên nội dung và nhất là rẻ là được.
Khi mỗi người mua sách có ý thức về bản quyền, tôn trọng thành quả của những người làm việc chân chính, tinh ý trong chọn lựa mua sắm, kết hợp với những biện pháp chế tài, xử lý của các cơ quan chức năng, lúc ấy, sách giả sẽ hết đường sống.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!
Tags