Từ Espana 82 tới Mexico 86
Từ tờ Tin mới nhất Espana 82 đã mở đường cho sự ra đời của các tờ tuần báo đầu tiên của TTXVN trong đó có Văn hóa, Thể thao Quốc tế (sau đổi là Thể thao & Văn hóa). Một lối làm báo hoàn toàn khác ngày ấy: Mua giấy theo giá tự do, in theo giá thỏa thuận, bán theo giá có lãi…
Giai đoạn đó (năm 1979 - 1982), bối cảnh đất nước ta cực kỳ khó khăn. Ngoài nghèo khó vật chất bủa vây, người dân còn “đói” thông tin. Thông tin không chỉ chậm, hạn hẹp mà còn công thức, rập khuôn, nhàm chán. Tình trạng đó kéo dài tạo nên một thói quen gần như luật lệ đối với cả báo chí (cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin) và người dân (đối tượng tiếp nhận thông tin). Thông tấn xã Việt Nam mặc định được xem là ngân hàng cung cấp thông tin cho các báo. Tin bài ảnh của phóng viên TTXVN sản xuất ra phải được các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình lựa chọn đăng tải thì mới tới được công chúng. TTXVN không có bất cứ một phương tiện gì (báo, tạp chí) để trực tiếp đưa thông tin tới bạn đọc. Đó là một hạn chế, thiệt thòi rất lớn đối với các phóng viên Thông tấn, và cũng là thiệt thòi đối với công chúng tiếp nhận thông tin.
Trước một sự kiện thể thao hấp dẫn, ví dụ trận chung kết giải bóng đá thế giới, trong lúc cả trăm triệu người nhiều nước cùng lúc được theo dõi trực tiếp trên truyền hình, thì công chúng ở Việt Nam chỉ nhận được thông tin rất chậm sau đó về tóm lược diễn biến và kết quả trận đấu qua bản tin ngắn của TTXVN dịch từ các hãng tin nước ngoài được các báo, đài trong nước đăng lại.
Toàn soạn Thông tin Mexico 86 tại TP.HCM, từ trái sang : Trần Mai Hạnh, Xuân Việt (phóng viên Tổng xã tăng cường), Đỗ Chuyên, Thư ký tòa soạn TT&VH tại TP.HCM. Ảnh tác giả cung cấp
Thế rồi Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 12 được tổ chức tại Tây Ban Nha từ 13/6 đến 11/7/1982 (Espana 82) tới gần. Tổng giám đốc TTXVN Đào Tùng và lãnh đạo cơ quan đã quyết một việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ra đời và phát triển của TTXVN. Đó là biên soạn xuất bản tờ thông tin về Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 12 với tên Tin mới nhất Espana 82, bán trực tiếp tới bạn đọc.
Cái khó trước hết là phải phá rào tự in vì không ai dám cấp giấy phép. Cái khó nữa là lấy đâu ra giấy để in, giấy bán theo chỉ tiêu có hạn và có kiếm được giấy giá cao thì tiền đâu mà bù lỗ? Hàng loạt vấn đề đặt ra cần phải có những quyết đáp tức thời. Đón nhu cầu mê bóng đá của dân, TTXVN liều thử một lần bán giá không bù lỗ và có lãi. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Phó tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng, tòa soạn Tin mới nhất Espana 82 đặt tại Ban biên tập Tin Thế giới. Tôi được Bộ biên tập biệt phái làm Thư ký toà soạn tờ tin này. Nội dung diễn biến 52 trận đấu, những câu chuyện trong và ngoài sân cỏ, bình luận của các cây bút thể thao nổi tiếng thế giới có mặt tại Tây Ban Nha được Ban biên tập Tin Thế giới và phân xã TTXVN tại các nước dịch rất đầy đủ, tôi có trách nhiệm tập hợp bài vở, lên trang từng số chuyển xưởng in cơ quan. Ngày đó, TTXVN chưa có nhà in, mới có xưởng in ti-pô để in bản tin đặt ngay tại trụ sở 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Việc bán báo do Phòng phát hành đảm nhiệm. Tin mới nhất Espana 82 ra 4 trang (dưới hình thức tin nhanh) vào buổi trưa hàng ngày và 16 trang ngày Chủ nhật (như một tờ tuần báo) đồng thời tại Hà Nội và TTXVN tại TP.HCM.
Thông báo về sự ra đời của tờ báo về “văn hóa, thể dục thể thao” trên số cuối cùng của bản Tin mới nhất Espana 82
Trước cửa cơ quan TTXVN tại TP.HCM và trụ sở chính tại Hà Nội, vào giờ phát hành đã gây ùn tắc giao thông đến mức phải nhờ cảnh sát giao thông chi viện. Hàng trăm ngàn bản tin mỗi ngày vẫn không đủ bán. Một kênh thông tin mở ra được đông đảo quần chúng đón đợi, tạo nên một sự hồ hởi, một không khí sôi động và lành mạnh trong dư luận xã hội, thu hút mọi tầng lớp, trước hết là lớp trẻ. Số cuối cùng tôi được Phó tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng giao viết lời tạm biệt bạn đọc với nội dung theo sự chỉ đạo của ông. Ông duyệt kỹ rồi cho in ở cuối trang số Espana 82 cuối cùng, đặc biệt trong đó là lời hẹn sẽ xuất bản tiếp bản tin hàng tuần như sau: “Cùng bạn đọc Số cuối cùng của bản Tin mới nhất Espana 82 phát hành hôm nay cùng ngày Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 12 kết thúc. Chúng tôi đã cố gắng phục vụ các bạn, nhưng do trình độ hạn chế, khối lượng tin tức quá dồn dập, mặt khác muốn đáp ứng kịp thời yêu cầu của các bạn nên bản tin để không ít sai sót. Hẹn tái ngộ và phục vụ các bạn tốt hơn nữa trong dịp giải vô địch tới.
Dòng người tắc nghẽn ngoài đường chen lấn mua Thông tin Mexico 86 tại Trụ sở TTXVN tại TP.HCM. Ảnh tác giả cung cấp
Để tiếp tục phục vụ bạn đọc, sau bản tin về Espana 82, TTXVN sẽ phát hành bản tin hàng tuần về “văn hóa, thể dục thể thao” với số trang nhiều hơn, giúp các bạn theo dõi, tìm hiểu về và văn hóa và thể thao thế giới và về “đất nước và con người” ở những vùng đất khác nhau trên hành tinh chúng ta”.
***
Tin mới nhất Espana 82 đã làm dịu đi nỗi lo âu, bươn chải trong cuộc sống vật chất đang rất gay gắt những ngày ấy. TTXVN vừa được tiếng (lần đầu tiên có tờ thông tin như một tờ báo bán trực tiếp tới bạn đọc) vừa được tiền (lãi lớn). Xuất bản tờ Tin mới nhất Espana 82, TTXVN chỉ mong tập dượt việc mở rộng diện thông tin (mà nay được gọi là đa dạng hóa), và tăng lượng thông tin đem đến những hiểu biết mới vào đất nước vốn lạc hậu về thông tin và phương tiện truyền tải thông tin. Vậy mà đã gặp không ít lực cản và sự phản đối gay gắt.
Ngay trong thời gian Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 12 diễn ra, một số phản ứng bùng lên chĩa thẳng vào những người chủ trương ra tờ Tin mới nhất Espana 82. Những ý kiến phản đối viện dẫn nhận thức, thói quen, luật lệ cũ quy định TTXVN chỉ có chức năng cung cấp thông tin cho báo đài, không được trực tiếp ra sản phẩm báo chí phát hành tới công chúng.
Mấy tháng liền, TTXVN phải làm tới ba bản cáo cáo giải trình: Một về quan điểm thông tin (bị lên án là khuynh hướng tự do), một về tài chính (vì khuynh hướng thương mại trong thông tin) và báo cáo thứ ba là sự xuất bản không có giấy phép. Mặc dầu phải thực hiện các báo cáo không bình thường đó, nhưng chỉ một tháng sau khi Espana 82 kết thúc, ngày 21/8/1982, Tuần tin Văn hóa, Thể thao Quốc tế (nay là báo Thể thao và Văn hóa) do Phó tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng làm Tổng biên tập được Ban lãnh đạo TTXVN quyết định cho xuất bản đồng thời tại Hà Nội và TP.HCM.
Đây chính là tờ tuần báo đầu tiên của TTXVN. Tôi ngoài nhiệm vụ phụ trách Tiểu ban Văn xã, Ban Tin Trong nước được cử kiêm nhiệm Thư ký tòa soạn tờ tuần báo Văn hóa, Thể thao Quốc tế. Tin bài do Ban tin Thế giới tổ chức dịch, biên tập, ảnh tê-lê phô-tô nhận của các hãng thông tấn nước ngoài, tôi làm nhiệm vụ sắp xếp bài vở lên trang (16 trang) từng số báo, xưởng in cơ quan chịu trách nhiệm in ấn. Vì không có giấy phép nên không thể in ở các nhà in bên ngoài, do đó tờ tuần tin in ti-pô hình thức rất khiêm tốn. Thế nhưng, thật bất ngờ, có lẽ do thành công của tờ Tin mới nhất Espana 82 nên tuần tin Văn hóa, Thể thao Quốc tế vừa ra mắt đã được bạn đọc cả nước đón nhận.
“Quầy bán báo Thông tin Mexico 86 đặt bên trong hàng rào sắt bảo vệ cơ quan, vì nếu đặt ngoài hè đường thì sẽ chết bẹp vì không chỉ hàng trăm mà có tới cả ngàn người chen lấn mua báo” (Nhà báo Trần Mai Hạnh). |
TTXVN tiến thêm một bước, chỉ 9 tháng sau, ngày 14/5/1983 tờ Tuần Tin tức (thông tin chính trị, xã hội) do Tổng giám đốc TTXVN Đào Tùng làm Tổng biên tập và tuần tin Khoa học - Kỹ thuật - Kinh tế thế giới do Phó tổng giám đốc TTXVN Trần Thanh Xuân làm Tổng biên tập ra mắt bạn đọc. Tôi được điều động sang làm Thư ký Tòa soạn, và sau đó được bổ nhiệm làm Phó tổng biên tập thường trực Tuần Tin tức. Thời đó báo chí nước ta còn thưa thớt, ba tờ tuần tin của TTXVN với thông tin nhanh, ngắn và phong phú chiếm vị trí ưu đãi trong lòng bạn đọc, trở thành những tờ thông tin có uy tín.
Lại liên tiếp một năm rưỡi sau đó TTXVN phải đi “hầu kiện” khá nhiều lần, nhiều người kiến nghị đình bản, người ta phê phán khuynh hướng tự do và thương mại hóa thông tin. Điều may mắn là cả ba tờ được cán bộ, nhân dân ủng hộ và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao thấy là có ích. Cho đến một ngày đầu năm 1985 (đúng vào ngày 30 Tết âm lịch), một phiên họp giữa TTXVN và những người có quyền hạn và trách nhiệm do cấp trên triệu tập tại trụ sở TTXVN mới đi đến quyết định cấp giấy phép tạm thời cho ba tờ thông tin này.
***
Tuy vậy, sự phản đối cùng những rắc rối vẫn dai dẳng trong dư luận. Tới Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 13 tại Mexico năm 1986, sự phản đối lại bùng lên gay gắt khiến TTXVN quyết định đành phụ lòng bạn đọc, không ra tờ Thông tin Mexico 86 hàng ngày và cũng không có phụ trương tuần để tránh những sự phiền hà không đáng có.
Thế rồi, một đồng chí lãnh đạo cấp cao gọi tới nhắc TTXVN làm sao phải đáp ứng nhanh nhất, đầy đủ nhất yêu cầu của nhân dân về Giải vô địch bóng đá thế giới Mexico 86. Chỉ còn một ngày rưỡi để đáp ứng yêu cầu đó. May mắn sao, mọi thủ tục và cùng với nó, mọi sự phiền hà hầu như không có, tất cả đều suôn sẻ.
Sáng sớm ngày 1/6/1986 ở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội và 120 Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP.HCM, tờ Thông tin Mexico 86 số 1 kịp ra mắt bạn đọc với giấy phép xuất bản đàng hoàng. Cùng ngày, một đặc phái viên TTXVN (anh Nguyễn Duy Cương, sau này là Phó tổng giám đốc TTXVN) được cử tới Mexico, trung tâm diễn biến của sự kiện. Tôi được cử bay gấp vào TP.HCM để cùng các anh trong tòa soạn Thể thao và Văn hóa tại TP.HCM tổ chức xuất bản tờ Thông tin Mexico 86 đồng thời với Tổng xã ở Hà Nội. Trọn 31 số Thông tin Mexico 86 hàng ngày cùng với ba phụ trương được xuất bản với số lượng nhiều trăm ngàn bản/số đáp ứng đòi hỏi và niềm tin của bạn đọc.
Phóng viên Trần Mai Hạnh tại quầy bán Thông tin Mexico 86 tại Trụ sở TTXVN tại TP.HCM. Ảnh tác giả cung cấp
Ở trụ sở TTXVN tại TP.HCM, ngoài hệ thống phát hành và các đại lý tư nhân, cơ quan còn có quầy bán trực tiếp tờ Thông tin Mexico 86 ngay khi báo vừa in xong.
Bức ảnh chụp tôi tại quầy bán Thông tin Mexico 86 và dòng người chen lấn mua báo tắc nghẽn giao thông của phóng viên nhiếp ảnh Tòa soạn báo Thể thao và Văn hóa tại TP.HCM gợi lại phần nào không khí bóng đá cực kỳ sôi động ngày ấy...
Ngay sau Mexico 86, cả ba tờ tuần tin của TTXVN được cấp giấy phép xuất bản chính thức. Từ tờ Tin mới nhất Espana 82 đã mở đường cho sự ra đời của các tờ tuần báo đầu tiên của TTXVN: Văn hóa, Thể thao Quốc tế (sau đổi là Thể thao & Văn hóa), Khoa học- Kỹ thuật và Kinh tế thế giới, Tuần Tin tức và tiếp nối là tờ Thông tin Mexico 86. Một lối làm báo hoàn toàn khác ngày ấy: Mua giấy theo giá tự do, in theo giá thỏa thuận, bán theo giá có lãi. Nhu cầu thông tin bức thiết, chính đáng của đông đảo nhân dân được đáp ứng bằng một phương thức mới, người nhận thông tin phải trả tiền cho thứ hàng hóa đặc biệt này, không chờ Nhà nước cho không.
TTXVN chính là người tiên phong mở ra lối làm báo mới mới, phương thức làm báo mới này. Sự bùng nổ thông tin đa dạng đa chiều, xu thế đổi mới nội dung, hình thức và kỹ thuật thông tin, vấn đề nóng bỏng ấy của thời đại, tuy có chậm một chút nhưng đã đến với nước ta, mở ra thời kỳ phát triển mới đầy hứa hẹn cho đội ngũ những người làm công tác báo chí, truyền thông.
Những mốc son 40 năm “Thể thao và Văn hóa” Ngày 21/8/1982: TT&VH đã chính thức được khai sinh trên cơ sở tờ Tin mới nhất Espana 82 - tờ Tin nhanh World Cup đầu tiên của Việt Nam do TTXVN phát hành. Tên gọi đầu tiên là Văn hóa, Thể thao Quốc tế (16 trang, phát hành thứ Bảy hằng tuần). Ngày 4/8/1984: Tờ báo chính thức mang tên Thể thao & Văn hóa Ngày 1/10/1996: Tuần báo TT&VH tăng lên 2 kỳ/tuần phát hành vào thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần Ngày 2/4/2005: TT&VH tăng lên 3 kỳ/tuần phát hành vào thứ Ba, thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần. Ngày 3/8 và 6/8/2007: TT&VH phát hành bộ mới, ra liên tục các ngày trong tuần và TT&VH Cuối tuần (ra thứ Sáu hằng tuần). Ngày 8/7/2008: TT&VH ra mắt Trang thông tin điện tử thethaovanhoa.vn. Ngày 25/8/2010: Sau thời gian phát thử nghiệm từ 21/6/2010, các bản tin Hành tinh thể thao, Văn hóa toàn cảnh và talkshow Radar Văn hóa chính thức lên sóng Truyền hình thông tấn V-News của TTXVN. Ngày 15/6/2016, Trang thông tin điện tử của báo TT&VH được nâng cấp thành báo điện tử thethaovanhoa.vn. TT&VH |
Trần Mai Hạnh