(Thethaovanhoa.vn) - Đám tang nghệ sĩ Anh Vũ ở Việt Nam bắt đầu từ hôm 9/4 và lễ an táng sẽ diễn ra sáng sớm 12/4 tại Phúc An Viên (Q.9 - TP.HCM). Thế nhưng, trong khi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… đang đau buồn vô hạn trước sự ra đi đột ngột của Anh Vũ, thì có quá nhiều kẻ lợi dụng chuyện buồn này để trục lợi.
Không chỉ vây lấy nghệ sĩ đến viếng để chụp hình, nhiều youtuber còn đến đây để livestream, bình luận trực tiếp, nhằm tung lên mạng xã hội câu view kiếm lợi.
Khi họ coi đám tang chỉ là cơ hội để tạo ra các video thu hút người xem trên mạng internet, thì họ đâu có quan tâm gì đến mọi thứ xung quanh, dù là những quy tắc đạo đức tối thiểu của con người. Chứng cớ là họ còn cười đùa rất phản cảm.
Gia đình đã phải nhờ đến sự can thiệp của lực lượng bảo vệ, nhưng cũng không giải quyết được triệt để khi họ bất chấp tất cả nhằm đạt được lợi ích của mình.
Một loạt các nghệ sĩ như: Ái Châu, Lan Ngọc, Tiến Luật, Pha Lê, Ngọc Trai... đều thẳng thắn cho rằng đây là hành động tàn nhẫn, vô văn hóa và không có sự tôn trọng dành cho người đã mất.
Giữa đám đông nhốn nháo, nhiều nhà báo cũng bị “vạ lây” vì không thể phân biệt được đâu là nhà báo đến thăm viếng, chia sẻ, đưa tin, đâu là những kẻ lợi dụng sức mạnh của 4.0 để ngang nhiên gây náo loạn nơi tang lễ.
Đây cũng không phải lần đầu tiên sự việc như vậy xảy ra. Ở đám tang ca sĩ Minh Thuận hay Wanbi Tuấn Anh trước đây, giữa nỗi mất mát và đau xót tột cùng ấy, giữa cảnh nhiều nghệ sĩ đến viếng với đôi mắt sưng mọng vì khóc thương cho đồng nghiệp, có người còn tiều tụy cả thân mình sau nhiều ngày túc trực bên giường bệnh hay bên linh cữu. Vậy mà những kẻ thiếu ý thức vẫn thản nhiên “bu” lấy các nghệ sĩ để thể hiện sự hâm mộ của họ, vô tư giằng níu để chụp hình hoặc xin chữ ký các nghệ sĩ. Một số thì đến xem đám tang và bình phẩm về những nghệ sĩ đang đưa tiễn.
“Đội quân” YouTuber này ở đâu ra? Tất nhiên là từ nhu cầu của cộng đồng mạng xã hội. Đó là hệ quả tất yếu của tình trạng “người người làm video” trên mạng như một cách khởi nghiệp kiếm tiền. Khi mà, ngay cả ở đám tang, họ cũng lao vào quay video, livestream thì trách gì những kẻ giang hồ mạng Khá “Bảnh” hay Dương Minh Tuyền cũng bất chấp tất cả để tung ra các video phản văn hóa câu view, kiếm tiền. Từ “giang hồ mạng” tất yếu dẫn tới “kền kền” ở đám tang, và chưa biết chừng, sẽ còn vô vàn những chuyện “vô đạo” khác vì lượt xem, lượng like trên mạng xã hội.
Nhìn rộng hơn, hệ quả của điều này còn đến từ lối sống, văn hóa ứng xử. Thử làm một khảo sát những người trong độ tuổi U20, U30 xem phải ứng xử thế nào cho đúng mực tại một đám tang, chắc sẽ rất bất ngờ vì không ít người sẽ không biết trả lời thế nào. Không phải họ dở, họ vô tâm, mà đơn giản, đa số không được hướng dẫn, nhắc nhở về điều này đủ nhiều để thành một thói quen ứng xử. Gặp đám tang phải bỏ mũ, cúi đầu, đi chậm… dù đã có học, nhưng thoáng qua, nên ít còn được thực hiện. Nhiều vụ đánh nhau đến bị thương, chết người vì sự bất bình trước hành động vô lễ với đám tang đã diễn ra ở một số nơi, đặc biệt ở các thành phố lớn. Không ngạc nhiên khi cụm từ “ứng xử tại đám tang” có hơn gần 55 triệu kết quả trên Google, cao một cách nhức nhối.
Vô Ưu
Tags