(Thethaovanhoa.vn) - Lên Sa Pa bây giờ, bạn có thể bị đeo bám bởi một số người bán hàng rong, mà đa phần là trẻ em và người già.
Và bạn đã sàn sàng mở hầu bao…
Nhưng bạn biết không, đó lại là những cái bẫy hết sức “ngọt ngào” mang tên “người nghèo, mưu sinh”…
… Vâng, hệ thống loa đài của thị trấn Sa Pa đã liên tục nhắc nhở bạn rằng, bạn không nên mua đồ của những người bán hàng rong bởi bạn càng làm thế, thì các em bé ấy càng không còn cơ hội để đến trường. Các em sẽ càng lấn sâu vào cái vòng lẩn quẩn của việc kiếm sống trên vỉa hè, hết năm này qua năm khác.
Chị Thào Thị Mỷ mang theo con nhỏ đi bán hàng rong ở Sa Pa. Ảnh: Cao Nguyên/báo Văn hóa
Đấy là triết lý của những người quản lý Sa Pa. Triết lý đó đúng đến đâu còn phụ thuộc vào việc họ đã chăm lo cho những người dân nghèo, phải sống bám vào du lịch ấy như thế nào, để khi rời hàng rong, họ có thể được đến trường hoặc có thể kiếm được cả những đồng tiền trước mắt và những đồng tiền lâu dài.
Còn với tư cách là du khách. Quý vị vẫn có thể tiếp tục mua hàng rong, vì sự tiện lợi, vì sự hào phóng nhất thời, hay đơn thuần chỉ là quăng cho đám đeo bám vài đồng lẻ để mình được yên… Nhưng cũng xin quý vị đừng nghĩ mình là cứu tinh cho đời sống của các cháu. Quý vị chỉ đang gián tiếp làm cho con đường đến trường của các cháu ngày càng xa vời…
Trong cuộc sống, ai cũng phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nhưng những người lờ đi hoặc tiếp tay cho những người làm sai cũng nên tự cật vấn lương tâm.
Có vô vàn những câu chuyện như thế. Không chỉ ở Sa Pa, mà hàng rong, chợ cóc tồn tại ở hầu khắp các đô thị trên cả nước, thậm chí cả ven đường cao tốc, trở thành nỗi nhức nhối… Nếu những người đi đường đều có ý thức giao thông, thì hàng rong, chợ cóc có tồn tại được không?
Cái bẫy “người nghèo, mưu sinh” là cái bẫy hết sức “ngọt ngào” dễ làm chệch hướng dư luận xã hội trên hành trình đi tới xã hội văn minh.
***
Một chiếc xích lô chở những tấm tôn cồng kềnh, sắc lẹm trên đường phố, được ví như “cỗ máy chém”, đã làm đứt cổ một em bé khi em sơ ý đạp xe lao vào. Tai nạn xảy ra ở phố Tân Mai, Hà Nội.
Những cỗ “máy chém” ấy, không phải bây giờ mới xuất hiện. Chúng xuất hiện nhan nhản trên đường phố. Có thể dẫn tới một quy nạp như sau: việc vận chuyển các hàng hóa cồng kềnh, nhất là vật liệu xây dựng, thời gian qua đa số sử dụng xe ba bánh, tự chế. Đa số là vi phạm pháp luật.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc cháu bé bị tôn cứa vào cổ tử vong. Ảnh: FB BEATVN
Một bộ phận dư luận bắt đầu cảm thông cho số phận người lái xích lô chở tôn. Những thông tin “đắng lòng” về ông, dù chưa được kiểm chứng, nhưng cũng là dễ đoán, bởi đa số những người làm công việc nặng nhọc ấy đều rất nghèo, và sở dĩ họ có thể tồn tại và qua mặt được với lực lượng trật tự đô thị dày đặc này là vì họ chẳng có gì để… mất!
Vì sao xe ba bánh, xe tự chế chở hàng hóa nguy hiểm, cồng kềnh ngang nhiên tồn tại? Sẽ có nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng tôi thấy có một thực tế là rất nhiều ông chủ, bà chủ đã và đang được hưởng lợi trên những chiếc xe ba bánh, xe tự chế như thế.
Họ trả cho các bác tài “không có gì để… phạt” ấy một cái giá phải nói là quá rẻ mạt so với việc vận chuyển bằng xe tải. Họ phó mặc cho hàng hóa của họ có thể trở thành những cỗ máy chém trên đường phố và hoàn toàn vô can khi tai nạn xảy ra. Và sự lẩn quẩn đã xuất hiện: khi xe ba bánh, xe tự chế lộng hành thì việc vận chuyển bằng xe tải nhỏ bị cạnh tranh khốc liệt, thậm chí bị đè bẹp.
Chúng ta có thể xót xa cho số phận của những “người nghèo, mưu sinh”, nhưng việc thỏa hiệp hoặc nương nhẹ xử lý khi họ sử dụng những công cụ, phương thức kiếm sống kém văn minh có thể kéo lùi cả xã hội. Vấn đề lớn đó có thể hiểu đơn giản qua việc không mua hàng rong của các em bé, và giúp đỡ căn cơ để các em được đến trường và đón nhận muôn vàn những cơ hội nghề nghiệp khác đáng giá hơn.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa
Tags