Từ Hi Thái hậu giận dữ hạ lệnh dùng đao cùn xử trảm 6 người này vì dám khiến sự thống trị của bà bị lung lay

Thứ Ba, 07/02/2023 22:00 GMT+7

Google News

Ngày 28/9/1898, trước chợ rau bên ngoài cổng Tuyên Vũ của thành Bắc Kinh, hôm đó đông đúc hơn ngày thường, người dân kéo đến xem một hồi kịch “trảm đầu thị chúng”.

Ngày 21/9/1898, Từ Hi Thái hậu cùng tổng đốc Vinh Lộc phát động chính biến, giam cầm Quang Tự đế, đồng thời bắt giữ Lục quân tử Mậu Tuất - 6 người dẫn đầu biến pháp Mậu Tuất của Quang Tự. Hình bộ thượng thư Triệu Thư Kiều tấu: "Loạn thần tặc tử này, giết không tha, cần gì phải hỏi cung". 

Ngày 28/9, nhóm người Lục quân tử bị Từ Hi ra lệnh áp giải đến pháp trường chợ Bắc Kinh chém đầu mà không cần Bộ Hình thẩm vấn.

Từ Hi Thái hậu giận dữ hạ lệnh dùng đao cùn xử trảm 6 người này vì dám khiến sự thống trị của bà bị lung lay - Ảnh 1.

Khi Lục quân tử Mậu Tuất bị áp giải ra hành hình, vô số dân chúng vây lại chửi bới, thậm chí ném tiền cho những người chấp hành, ném bắp cải vào xe tù của Lục quân tử Mậu Tuất.

Cái chết của Đàm Tự Đồng và 5 người khác trong nhóm Lục quân tử Mậu Tuất, không chỉ giúp Từ Hi Thái hậu cùng phái bảo thủ vui vẻ không thôi, mà ngay cả dân chúng Thanh triều cũng đi theo chúc mừng.

Rất nhiều người sẽ có một câu hỏi: Từ Hi muốn Lục quân tử Mậu Tuất chết là rất bình thường, nhưng tại sao dân chúng cũng hưởng ứng như vậy?

Nghe nói, lúc hành hình, Từ Hi hạ lệnh dùng đao cùn chém đầu Lục quân tử Mậu Tuất, đặc biệt là dùng tướng quân đao cùn nhất chém Đàm Tự Đồng, vì Từ Hi thật sự rất hận những người này.

Dùng đao cùn chém đầu đương nhiên không thể một đao mất mạng, trước khi chết còn phải chịu rất nhiều giày vò, cảnh tượng đẫm máu không thể tả. Nhưng quần chúng lúc ấy nhìn thấy người hành hình lấy ra đao cùn, lại hoan hô không ngớt. Giống như Từ Hi, họ chỉ muốn dùng cách thức tàn nhẫn nhất để xử tội họ.

Năm 1895, Đại Thanh thảm bại trong chiến tranh Giáp Ngọ. Bản thân Từ Hi cảm thấy khiếp sợ sâu sắc vì cảm giác được sự thống trị của mình và Thanh triều có nguy cơ sụp đổ. Thế là Từ Hi đồng ý biến pháp, để Quang Tự thực hiện cải cách đất nước, mục đích cũng không phải vì nước vì dân, mà là duy trì sự thống trị liên tục của Thanh triều và của chính bà mà thôi.

Lúc ấy Từ Hi bề ngoài giao quyền lực cho Quang Tự, không can thiệp vào biến pháp của Quang Tự, nhưng sau lưng đã an bài xong hết thảy.

Song biến pháp cải cách của Quang Tự đã thất bại. Nhiều nghiên cứu đặt ra, nguyên nhân thất bại này chính là Quang Tự quá gấp gáp, không đi từng bước một. Nhưng trên thực tế, theo nhiều nhà sử học, cho dù Quang Tự cực kỳ kỹ lưỡng trong biến pháp cũng không thể xoay chuyển vận mệnh vì lúc ấy nhà Thanh đã quá sa sút.

Hơn nữa, Quang Tự còn bị Từ Hi chi phối, người chỉ biết lo lắng về quyền lực của mình. Bên cạnh đó, nếu không có sự giác ngộ trong tư tưởng, sự cởi mở của quần chúng, xác suất thành công của biến pháp Mậu Tuất chắc chắn bằng không.

Quay ngược trở lại, chúng ta cùng xem Lục quân tử Mậu Tuất bao gồm những ai?

Từ Hi Thái hậu giận dữ hạ lệnh dùng đao cùn xử trảm 6 người này vì dám khiến sự thống trị của bà bị lung lay - Ảnh 4.

Lục quân tử Mậu Tuất lúc bấy giờ lần lượt là Đàm Tự Đồng, Khang Quảng Nhân, Lâm Húc, Dương Thâm Tú, Dương Duệ, Lưu Quang Đệ, trong đó Đàm Tự Đồng là người đứng đầu.

Khang Quảng Nhân (1867-1898), người Nam Hải Quảng Đông, là em của Khang Hữu Vi - người khởi xướng biến pháp Mậu Tuất - Bách Nhật Duy Tân. Biến pháp thất bại, Khang Quảng Nhân bị bắt, ở trong tù nói: "Nếu chết mà Trung Quốc có thể mạnh lên, chết cũng là sao!", thời điểm bị giết chỉ mới 31 tuổi.

Dương Thâm Tú (1849-1898) ở Sơn Tây, bị giết ở tuổi 49.

Lâm Húc (1875-1898), người Phúc Kiến, là cử nhân. Đêm trước khi biến pháp Mậu Tuất thất bại, từng đem mật chiếu của Quang Tự đế mang đến cho Khang Hữu Vi, cùng bàn biện pháp cứu Quang Tự, lúc bị giết mới 24 tuổi.

Dương Duệ (1857-1898), người Miên Trúc Tứ Xuyên, là học trò của danh thần nhà Thanh Trương Chi Động. Khi biến pháp thất bại, Trương Chi Động giải cứu không kịp, Dương Duệ bị giết ở tuổi 41.

Lưu Quang Đệ (1859-1898), người Phú Thuận, Tứ Xuyên, trúng tiến sĩ năm 1883 (năm Quang Tự thứ 39), được giao cho Chủ sự Bộ Hình. Làm quan thanh liêm, không mị quyền quý.

Ngày 28/9/1898, Đàm Tự Đồng bị xử tử ở cổng Tuyên Vũ khi 33 tuổi. Vào thời điểm đó, dưới sự chỉ thị của Từ Hi: người hành hình sử dụng chiếc đao cùn đến mức gần như không được xem là lưỡi đao. Từ Hi hận nhất chính là Đàm Tự Đồng, chủ yếu vì: Đàm Tự Đồng có tiếng tăm nhất, thái độ kiên quyết nhất, lúc ấy người mang thư cho Viên Thế Khải giết Từ Hi cũng là ông.

Rất nhiều người không biết chính là: Kỳ thật Đàm Tự Đồng vốn có thể chạy thoát.

Theo sử liệu ghi lại: sau khi biến pháp thất bại, rất nhiều bạn bè Nhật Bản của Đàm Tự Đồng đều khuyên ông nên qua Nhật Bản để tránh sự truy bắt của chính quyền cuối thời nhà Thanh, nhưng Đàm Tự Đồng dứt khoát lựa chọn ở lại. Điều này trái ngược hoàn toàn với hành vi của Khang Hữu Vi.

Đàm Tự Đồng còn có một thân phận khác phỏng chừng rất nhiều người cũng không biết rõ, cha ông là Đàm Kế Tuân lúc ấy chính là tuần phủ Hồ Bắc. Đàm Tự Đồng có thể xem là con nhà quan lại, quý công tử không cần lo cơm ăn áo mặc.

Vì sao Đàm Tự Đồng lại nhất định phải lựa chọn đường tự tiêu diệt mình?

Kỳ thật đáp án đều ở trong câu nói nổi tiếng mà Đàm Tự Đồng nói ra sau đó. Đàm Tự Đồng trước khi bị bắt đã nói: "Biến pháp của các quốc gia đều thành công sau khi đổ máu, như vậy biến pháp của Mãn Thanh, xin hãy bắt đầu từ Đàm Tự Đồng tôi". Sau đó ông từ bỏ cơ hội sống, dứt khoát đi tới pháp trường kết thúc đời mình.

Tại sao Từ Hi sai người dùng dao cùn chém chết Lục quân tử Mậu Tuất? 

Trong thực tế, có hai lý do:

Một, Từ Hi thống hận những người này, một khi những người này thành công, quyền lực trong tay bà sẽ không còn.

Hai, Từ Hi sợ Lục quân tử Mậu Tuất, càng thêm sợ họ đánh thức Thanh triều, đánh thức quần chúng Thanh triều, cho nên Từ Hi muốn xử trảm họ với hình phạt tàn nhẫn nhất, muốn cho người nhà Thanh nhìn xem kết cục bi thảm khi đối nghịch với bà.

Nguồn: Sohu

Trung Hạ

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›