(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 17/8, tại Hà Nội, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã báo cáo tổng kết 20 năm công tác bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội, đồng thời thông báo về kế hoạch lát đá 11 tuyến phố trong thời gian tới.
Theo ông Phạm Tuấn Long, Trưởng ban Quản lý Di tích Phố cổ Hà Nội, phố Tạ Hiện được cải tạo, lát đá 52m và đưa vào sử dụng từ ngày 11/11/2011 đến nay đã tạo ra một “khu phố điển hình”, nơi tập trung đông nhất các nhà hàng và lượng khách du lịch lưu trú. Cụ thể, năm 2014, riêng phường Hàng Buồm có đến 23.000 lượt khách du lịch là người nước ngoài lưu trú lại.
Ngoài ra, việc thu ngân sách trên địa bàn quận Hoàn Kiếm liên tục tăng trong những năm gần đây, dẫn đầu cả TP Hà Nội, dù diện tích rất nhỏ, chỉ 500 ha. Hàng năm đóng góp cho ngân sách nhà nươc trên 3.000 tỷ, và năm sau luôn cao hơn năm trước, góp phần ổn định, an sinh xã hội, đặc biệt là trên địa bàn phường Hàng Buồm, nơi trước tỷ lệ người không có việc làm tương đối lớn.
Khi mở phố đi bộ, những người còn dư thời gian lao động cũng đã tham gia vào các dịch vụ du lịch.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Long, ban đầu khi mở phố đi bộ ở khu phố cổ Hà Nội cũng có phố đi bộ cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau, nhưng hiện tại đã chứng minh, nó mang đến cuộc sống tốt hơn cho người dân.
Ông Long nhấn mạnh, riêng với khu phố cổ, từ khi được xếp hạng là Khu di tích quốc gia (2004), các công trình (chưa nói đến các công trình công cộng) khi cải tạo đều có sự tham gia góp ý của người người dân.
Tạ Hiện, tuyến phố đầu tiên của phố cổ Hà Nội được lát đá xanh
Về giải pháp kỹ thuật liên quan đến việc lát đá “khu phố điển hình” Tạ Hiện, theo ông Long, đó là “đề xuất của các chuyên gia thành phố Toulouse (Pháp). Các chuyên gia này đã phát hiện rằng, chúng ta quên mất phần không gian mặt đường, bởi đó là phần không gian công cộng mà mọi người cảm nhận khi tích hợp vào mục đích phục vụ du lịch”.
“Khi mặt đường phố Tạ Hiện được lát đá, nhiều đôi bạn trẻ đã đến đây chụp ảnh cưới. Trước đây chưa lát đá không ai đến đó chụp ảnh cả” – ông Long nhấn mạnh.
Trước thắc mắc “lát đá phố Tạ Hiện khiến mặt đường trơn dễ trượt ngã, nếu trời mưa”, ông Long trần tình: “Phố Tạ Hiện hiện có tỷ lệ hàng ăn rất cao, dầu mỡ dễ bám vào mặt đá, ảnh hưởng đến việc đi lại. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền các hộ dân có ý mức vệ sinh môi trường và cấm hoàn toàn ô tô vào khu phố này”.
Ông Long cho biết: Đề xuất lát đá 11 tuyến phố cổ ở Hà Nội được tiến hành trong nghiên cứu về thiết kế đô thị như cải hạ tầng kỹ thuật, thải loại sắp xếp đường dây... Việc lát đá sẽ được thực hiện ngay sau khi xin ý kiến chuyên gia và người dân.
Tại buổi báo cáo, GS Hoàng Đạo Kính – Thành viên Hội đồng Di sản quốc gia - cho rằng: “Phố cổ Hà Nội là di sản đô thị chứ không phải là di tích. Trong di sản đô thị ấy có di tích, nhưng đây là di sản “mềm” chứ không phải là di sản “cứng”. Trong trường hợp như thế, nếu có di tích như chùa Tây Phương, chùa Thầy thì phải bảo tồn bằng trùng tu khoa học, phải giữ cho được yếu tố cơ bản mà lịch sử để lại. Còn phố cổ Hà Nội là một cấu trúc đô thị, dân cư vừa sống, vừa sản xuất, bán hàng... có cả yếu tố bảo tồn, nhưng phải có yếu tố phát triển, phải cải tạo...
Do vậy, ông Kính cho rằng, việc cải tạo, nâng cấp, lát đá phố cổ là việc bình thường, nhưng phải làm thế nào để không tạo ra sự tương phản mà phải hòa nhập. Đồng thời phải chọn thời điểm. Thời điểm này làm chưa phù hợp, nên cân nhắc. Phố cổ có nhiều cái khác cần ưu tiên làm trước...”
GS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh: “Phố cổ Hà Nội là hiện thân của cộng sinh dân cư, cộng sinh kiến trúc, cộng sinh văn hóa, cộng sinh các thời kỳ lịch sử. 4 cái cộng sinh ấy tạo ra nếp sống người Hà Nội. Do vậy, 1.000 năm Thăng Long, lát vỉa hè Hồ Gươm bằng đá Thanh Hóa hết sức vội vã khiến người dân phản ứng mạnh mẽ...”.
An Như
Tags