- Khởi nghiệp với 130 triệu đồng, vợ chồng trẻ mua được nhà khủng sau 7 năm nhờ tiết kiệm và đầu tư BĐS: Tổng chi phí sau cải tạo gần 9 tỷ, đẹp mỹ mãn với gia chủ 9X
- Chiêu mộ cả vạn nhân viên trong suốt 20 năm khởi nghiệp, Shark Bình chia sẻ kinh nghiệm xương máu: Nên 'cảnh giác' với 1 kiểu nhân viên, dù tài giỏi cũng khó mà thành công
- Thuật quản trị của người thợ mộc vay 100 USD khởi nghiệp dựng nên đế chế 13 tỷ USD: Tặng sách, thuê bảo mẫu cho gia đình nhân viên
Tai nạn năm 18 tuổi đã cướp đi đôi chân của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Chung, anh từng cảm thấy tuyệt vọng và muốn kết thúc ở cái tuổi đẹp nhất của đời người. Tuy nhiên, nguồn động lực duy nhất lúc đó là mẹ đã giúp anh vực dậy, nỗ lực hết mình và tạo nên những kỳ tích.
Nguyễn Văn Chung sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo gồm có 6 anh chị em ở huyện Thường Tín, Hà Nội. Bố mất sớm khiến gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai người mẹ tần tảo. Thương mẹ nên từ khi còn nhỏ, anh Chung đã tự kiếm tiền để trang trải cuộc sống và theo đuổi con đường tri thức với niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng.
Giông tố ập đến dập tắt mọi hy vọng của chàng trai trẻ
18 tuổi, cái tuổi tươi đẹp nhất, chất chứa nhiều hoài bão, ước mơ nhất của đời người. Nhưng đối với anh Chung, đó như là một cơn ác mộng khi tai nạn ập đến đã cướp đi đôi chân, cướp đi cả niềm hy vọng, ước mơ và hoài bão của chàng thanh niên lúc bấy giờ. Suy sụp, tuyệt vọng, bế tắc là những từ ngữ đúng nhất để miêu tả về tâm trạng của anh lúc đó. Thậm chí, anh từng có suy nghĩ muốn kết thúc cuộc đời mình.
Đôi chân của anh Chung phải cắt cụt gần đến bẹn. Khoảng thời gian nửa năm trời nằm trên giường bệnh để điều trị đối với anh như “địa ngục”. Anh phải đối mặt với những ánh nhìn ái ngại, thương cảm của những người xung quanh. Nhìn thấy người mẹ già vất vả vừa chăm con, vừa lo kiếm tiền chạy chữa không khỏi khiến anh chạnh lòng.
30 tuổi, khởi nghiệp thất bại 2 lần, ‘đốt’ hơn 500 triệu tiền tiết kiệm, tôi nhận ra: "Bố mẹ mới là bến cảng an toàn và quý giá nhất”Anh Chung trải lòng: “Đang đúng độ tuổi đẹp nhất của đời người, tôi không biết sẽ phải tiếp tục cuộc sống và công việc như thế nào. Thời gian nằm trên giường bệnh có lẽ là kinh khủng nhất cuộc đời tôi. Chỉ nghĩ đến việc không thể đi lại như bình thường, trong đầu tôi luôn nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời mình. Thế nhưng nhìn những giọt nước mắt của mẹ, sự cố gắng của bà để cứu sống tôi sau tai nạn lại thấy mủi lòng”.
Chính vì điều đó, sau sáu tháng điều trị, anh vực lại tinh thần và quyết tâm tập đi bằng chân giả, dù cho mỗi lần tập đôi chân anh đều rỉ máu và vô cùng đau đớn. Nhưng vì thương mẹ, anh dặn lòng dù khó khăn đến mấy cũng không được bỏ cuộc. “Tôi chợt nghĩ nỗi đau của tôi chưa là gì so với gánh nặng mẹ phải gánh trên vai. Nếu tôi chết đi, mẹ tôi sẽ ra sao?”, anh Chung chia sẻ. Đó là câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí anh, là nguồn động lực vô cùng lớn giúp anh vượt qua mọi khó khăn trong lần tập đi thứ 2 của đời mình.
Niềm hy vọng mới mở ra với bơi lội
Sau tai nạn đó, anh Chung được bạn giới thiệu đến với CLB thể thao người khuyết tật TP Hà Nội. Trong một lần tham dự lễ kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật ở Công viên nước Hồ Tây, đứng trước bề bơi, Chung bị choáng ngợp. Trong đầu anh hiện lên một câu hỏi: “Không biết mình còn bơi được nữa không?”. Do dự một lúc, anh quyết định nhảy ùm xuống nước nhưng bị chìm nghỉm. Trấn an lại tinh thần, anh dùng 2 cánh tay quờ thật mạnh thay cho đôi chân, cứ thế rồi cũng vào được đến bờ. Lúc này anh cảm thấy vui mừng khôn siết vì mình vẫn còn biết bơi.
Ban đầu khi mới gia nhập CLB thể thao người khuyết tật TP. Hà Nội, anh tham gia bộ môn ném lao - đẩy tạ. Sau đó, vì sự yêu thích với bộ môn bơi lội, anh xin lãnh đạo CLB cho tham gia thêm nội dung bơi. Ở giải đấu tiền Para Games 2003, anh Chung đã đạt thành tích cao ở cả hai bộ môn. Nhưng một phần vì yêu thích, một phần vì bơi chính là lý do khiến mình mất đi đôi chân nên anh đã quyết định khẳng định lại bản thân ở chính bộ môn này.
Đó là cơ duyên đưa anh Nguyễn Văn Chung đến với sự nghiệp bơi lội. Tiếp đó, bằng sự nỗ lực của mình, anh Chung được ghi tên vào danh sách chính thức của đoàn thể thao Việt Nam tham gia thi đấu tại Para Games 2003. Cũng chính trong giải đấu này, anh đã xuất sắc mang về 2 huy chương bạc cho đội tuyển nước nhà.
“Nhớ nhất là hai huy chương bạc ở Para Games 2003. Các anh chị ở nhà kể lại, ngày tivi chiếu hình tôi bơi lội, mẹ sợ thốt lên: “Trời ơi không có chân nhỡ chết đuối thì sao? Mỗi lần nghĩ đến mẹ, nghĩ đến những hy sinh của mẹ, tôi lại tự nhủ mình phải cố gắng gấp bội”. anh Chung kể lại.
Sau lần đó, số tiền 30 triệu đồng từ giải thưởng anh Chung dành để sửa sang lại căn nhà cũ kỹ cho mẹ. Từ đó, anh không còn nghĩ rằng mình là người khuyết tật và tự thấy bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa. Với tinh thần đó, tại các kỳ Para Games tiếp theo năm 2005, 2008 và 2011, anh Chung liên tục giành các huy chương vàng, bạc, đồng, trở thành niềm tự hào của mẹ nhờ sự nỗ lực vượt lên nghịch cảnh.
"Dấn thân" vào khởi nghiệp
10 năm theo đuổi sự nghiệp thể thao đã mang lại cho anh Chung những thành tựu đáng nể, nhưng anh nhận thức rằng dù có xuất sắc đến mấy thì cuộc đời vận động viên rất ngắn ngủi, anh cần phải tìm một hướng đi khác lâu dài hơn để đảm bảo cho cuộc sống.
Thời điểm đó, anh tình cờ quen được một người bạn đang là sinh viên hóa dược của trường Đại học Bách Khoa và được bạn tặng cho một vài bánh xà bông thảo dược. Sau khi dùng và thấy được những ưu điểm của chúng, anh cảm thấy vô cùng hứng thú với sản phẩm này và đã bỏ công tìm hiểu rất kỹ. Thấy vậy, bạn của Chung đã chia sẻ cho anh công thức để làm ra sản phẩm này. Kết quả là đến năm 2013, từ số tiền 30 triệu đồng tích góp được nhờ bơi lội, Chung bắt tay vào sản xuất những sản phẩm xà bông thảo dược đầu tiên với tên gọi “xà bông Sam - Sôn”.
Anh Chung chia sẻ, cái tên Sam - Sôn bắt nguồn từ hình tượng một nhân vật trong kinh thánh, người khiến anh liên tưởng đến cuộc đời mình với rất nhiều những khó khăn, thử thách mà cuộc sống “ban tặng”.
Câu chuyện khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng ngay cả những người lành lặn, với một người có khiếm khuyết như anh Chung, điều đó lại càng khó khăn hơn gấp bội. Mỗi ngày anh phải vượt hàng chục cây số để học hỏi công thức chế biến xà bông thảo dược.
“Khi bắt tay vào làm, khó khăn cũng bắt đầu ập đến khi tôi nấu hoàn toàn bằng thủ công với những dụng cụ nấu ăn đơn giản thường ngày tại phòng trọ. Việc căn giờ, lượng nhiệt là vô cùng khó, có khi mất đến cả chục lần mới ghi chép lại được công thức cụ thể. Phải gần một năm tôi mới thành thạo được công thức này”, anh Chung chia sẻ. Không chỉ thế, những khó khăn mà anh Chung gặp phải nhiều vô kể mà tất cả đều được ghi lại tỉ mỉ từng chi tiết trong cuốn sách “Khởi nghiệp - Lựa chọn hay bản năng”.
Rồi để tìm kiếm được các nguyên liệu thảo dược phù hợp cho việc sản xuất xà bông, anh Chung theo bạn về tận Ninh Bình để tìm hiểu, đồng thời chau dồi thêm kiến thức về các loại thảo dược để tự tin phát triển nghề. Cũng từ những chuyến đi này mà anh có thêm những ý tưởng để tạo ra những sản phẩm chất lượng, sáng tạo và phù hợp với mọi lứa tuổi.
Sau hơn 6 năm khởi nghiệp, đến nay anh Chung đã đưa ra thị trường 8 loại xà bông được làm từ đa dạng các nguyên liệu, thành lập xưởng sản xuất đặt tại hai hợp tác xã Nho Quan và Ninh Bình, tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 xã viên với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng.
Anh Chung cho biết thêm, trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu để cho ra đời nhiều dòng sản phẩm thân thiện với sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng đại lý phân phối ra khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước. Ngoài ra, xuất khẩu xà bông của mình sang thị trường Châu Âu cũng là một trong những đích mà anh đang hướng đến.
Những tưởng cuộc đời đã kết thúc ở cái tuổi 18 thì bằng ý chí, nghị lực và nguồn động lực to lớn từ mẹ, anh Chung đã vượt lên số phận để tạo nên những kỳ tích cho cuộc đời mình. Giờ đây, thay vì oán trách, anh thầm cảm ơn cuộc đời đã luôn công bằng với mình. Anh nói: “Sống hãy cứ cho đi và mỉm cười…Ông trời rất công bằng và không lấy hết của ai thứ gì, nên hãy tự mình vượt qua mọi khó khăn, bạn sẽ tìm được cuộc sống đúng nghĩa”.
Tags