(Thethaovanhoa.vn) - Đó là khẳng định của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh về thành tích thi đấu của đua thuyền Việt Nam tại kỳ SEA Games 28 năm 2015 diễn ra ở Singapore.
Đua thuyền hiện đại bao gồm canoeing và rowing là hai môn thuyền được đưa vào chương trình huấn luyện Olympic hiện đại và phát triển mạnh mẽ ở châu Âu trước khi chuyển sang các châu lục khác như châu Australia, Bắc Mỹ rồi mới đến châu Á.
Đua thuyền hiện đại du nhập vào Việt Nam đầu tiên ở Hà Nội từ những năm 80 của thế kỉ trước. Nhờ sự giúp đỡ của Hà Nội, phong trào phát triển thêm ra Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thái Nguyên... Dù là môn thể thao đòi hỏi sự phát triển về thể hình và thể lực lớn nhưng qua thực tế 20 năm, đua thuyền đã chứng minh sự thích ứng với VĐV Việt Nam.
Để chuẩn bị cho SEA Games 2003, Ban Thể dục Thể thao thời bấy giờ kết hợp với Sở Thể dục Thể Thao Hà Nội và Sở Thể dục Thể Thao Hà Tây (cũ) đã thành lập trung tâm đua thuyền ở Hồ Tây, bây giờ tức là CLB Trung tâm đua thuyền ở Hồ Tây nhằm tập trung đội tuyển Quốc gia, chuyên gia huấn luyện để chuẩn bị cho SEA Games. Địa điểm ăn nghỉ và tập luyện ở chính Hồ Tây.
Năm 2012, Liên đoàn đua thuyền Việt Nam ra đời, đánh dấu sự phát triển trong tổ chức xã hội để quản lý và hướng dẫn môn đua thuyền. Hàng năm, giải vô địch quốc gia đều được tổ chức và là một nội dung thi chính tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc. Quá trình phát triển như thế thì hình thành một số vận động viên rất xuất sắc của Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Nguyên.
Trong những năm gần đây, ở một số các hạng nhẹ, ở cự ly 1000m, 2000m, đua thuyền Việt Nam đã có một số VĐV đạt trình độ châu Âu. Ở Đông Nam Á, đua thuyền Việt Nam nhất là thuyền rowing thì đang do chuyên gia Australia huấn luyện nên trình độ phát triển tương đối nhanh và có một số vận động viên đạt trình độ châu lục. Chúng ta đã có những VĐV tham dự ASIAD và Olympic (cụ thể là Athens 2004).
Tại SEA Games 28 này, chỉ tiêu của đua thuyền là giành 4 -5 HCV. Trên thực tế, đua thuyền đã hoàn thành chỉ tiêu và vượt chỉ tiêu đó. Ở giải vô địch Đông Nam Á 2015, các VĐV Việt Nam cũng hoàn toàn chiếm ưu thế dẫn đầu.
Đua thuyền Việt Nam hiện đang gặp một vài khó khăn. Thứ nhất, cơ sở vật chất từ sau SEA Games 200 đã xuống cấp, việc chăm sóc VĐV không còn được đảm bảo. Thứ hai, hồ Tây có mặt nước rộng, có mùa đông giá rét, nước lạnh làm hạn chế sự phát triển của VĐV.
Thứ ba, các địa điểm thi đấu hoặc là ở hồ, hoặc là ở sông đã được cải tạo nhưng vẫn không phải là những kênh chuyên dựng cho đua thuyền. Các địa điểm này còn phụ thuộc vào sự hoang sơ của thiên nhiên, chưa đạt đúng tiêu chuẩn kênh đua thuyền hiện đại.
Tôi từng được tham quan các kênh đua thuyền ở Olympic Moscow (1980), Bulgaria, Hungary, Đức, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Tất cả các kênh đua thuyền đều được xây dựng một cách hiện đại từ nhà điều hành cho đến hai bờ kè cũng như là môi trường nước, đảm bảo ở những chiều khuất gió để tạo điều kiện thuận lợi cho vận động viên đua thuyền. Nhưng vì điều kiện kinh tế của nước ta, sự đầu tư tương tự cho đua thuyền vẫn chưa có.
Thứ nữa, việc tập luyện của đua thuyền không phải chỉ là ngồi trên thuyền và đua trên mặt nước mà vận động viên tập thể lực, bổ trợ các kĩ thuật của đua thuyền phải được tiến hành trong những nhà tập bổ trợ. Trong đó người ta đã nghiên cứu phải có những thiết bị chuyên dùng cho các vận động viên đua thuyền. Không có những nhà tập chuyên biệt như thế, đua thuyền Việt Nam chưa thể đưa VĐV tới trình độ châu lục và thế giới.
Dù còn nhiều khó khăn, thành tích thi đấu của đua thuyền tại SEA Games 28 lần này vẫn đánh dấu một bước tiến bộ. Đây là 1 trong 4 môn thể thao có thể phát triển cao ở Việt Nam. Thành tích thi đấu ở các sân chơi châu lục có thể khẳng định sự phát triển của đua thuyền tại Việt Nam.
Thanh Hà (ghi)
Tags