(Thethaovanhoa.vn) - Sau Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên tiếp tục gây thất vọng khi thất bại ở nội dung 59kg môn cử tạ. Cử tạ Việt Nam đã trắng tay tại Olympic Tokyo vì không thể thắng chính mình chứ không hoàn toàn do các đối thủ quá xuất sắc.
Kém so với chính mình
So với phần thi đấu của Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên đã thể hiện khá hơn nhưng cô gái gốc Lào Cai vẫn không thể chiến thắng chính mình. Từ chỗ được nhận định có thể đua tranh một vị trí trong tốp 3, Hoàng Thị Duyên đã gặp trạng thái tâm lý khi các đối thủ như Dora Meiriama (Pháp), Polina Guryeva (Turkmenistan), Mikiko Andoh (Nhật Bản) đều đã thi đấu khá ấn tượng.
Ở nội dung cử giật, Hoàng Thị Duyên có thể nâng mức tạ 100kg như đã từng làm được tại giải vô địch châu Á hồi tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, sự kém may mắn có vẻ đã không song hành cùng cô đến Nhật Bản. Cô gái Lào Cai bị các trọng trài không công nhận kết quả ở lần cử giật 95kg đầu tiên. Điều này khiến Duyên gặp trạng thái và chỉ có thể thành công ở lần nâng thứ 2 và thất bại ở mức 98kg khi cử giật lần 3.
Hụt đến 5kg so với thành tích cử giật tốt của chính mình chỉ cách đây 3 tháng, Hoàng Thị Duyên rơi xuống thứ 5 nội dung cử giật. Điều đó có lẽ đã ảnh hưởng nặng nề tới sự nỗ lực của cô gái sinh năm 1996 trong phần thi cử đẩy. Hoàng Thị Duyên chỉ cử thành công mức 113kg ở lần đầu tiên. Nhưng mức tạ này không giúp cô có thể trụ được ở tốp đua tranh huy chương mà phải nâng mức tạ lên 119kg. Ở lần đẩy thứ 2, Hoàng Thị Duyên bị tạ đè và lần đẩy cuối cùng, dù đã nỗ lực đặt tạ lên vai, cô cũng không thể nâng thành công.
Chung cuộc, Hoàng Thị Duyên dừng bước ở nội dung 59kg với tổng thành tích 208kg. Đây là kết quả không phản ánh đúng năng lực chuyên môn của cô gái dân tộc Giáy. Ở SEA Games 30, Hoàng Thị Duyên không có đối thủ và xác lập kỷ lục Đại hội thể thao Đông Nam Á với thành tích 210kg (95kg cử giật và 115kg cử đẩy). Đến tháng 4 năm nay, cô gái 25 tuổi đạt thành tích 100kg cử giật và 116kg cử đẩy để giành HCĐ châu Á.
Thành tích của Hoàng Thị Duyên ở Olympic Tokyo là thụt lùi và nó có thể là sự tiếp nối những điều không may cho cô trong năm nay. Trước đó, Hoàng Thị Duyên đã bị cách ly đến 42 ngày sau khi trở về từ giải vô địch châu Á vì dịch bệnh Covid-19 (bị cách ly 2 lần do cách ly ở nơi có người dương tính). Đến đầu tháng 6, cô gái 25 tuổi mới có thể tập luyện và điều đó cũng ảnh hưởng nhiều đến thể lực.
Cũng cần kể đến yếu tố tâm lý đối với các VĐV cử tạ Việt Nam, không chỉ riêng gì Hoàng Thị Duyên. Không kể đô cử người Đài Loan (Trung Quốc) Kuo Hsing Chun thể hiện một sức mạnh quá vượt trội để lại thống trị hạng cân 59kg, Hoàng Thị Duyên nếu chơi đúng sức hoàn toàn có thể mang về huy chương cho thể thao Việt Nam chiều 27/7 vừa qua.
Tiếc nuối cho cử tạ Việt Nam
Trên thực tế, để có được 1 tấm huy chương ở môn cử tạ tại Olympic Tokyo không đòi hỏi các lực sỹ Việt Nam phải có được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thi đấu. Điều kiện tiên quyết chỉ là giữ vững phong độ và tái lập thành tích đã giành được trong các cuộc thi đấu trước đó.
Thành tích 216kg mà Hoàng Thị Duyên từng mang về HCĐ giải vô địch châu Á tại Uzbekistan 4/2021 là đủ để xếp trên Mikiko Andoh (Nhật Bản) giành HCĐ Olympic với tổng cử 214kg. Thậm chí, chỉ kém 1kg so với với thành tích 217kg đoạt HCB của Polina Guryeva (Turkmenistan). Cách đây 3 tháng, cả 2 đối thủ này đều đã thất bại trong cuộc đua giành huy chương trước Hoàng Thị Duyên tại giải vô địch châu Á nhưng điều đáng nói là họ có bước tiến vượt bậc tại Olympic. Về tổng cử Mikiko Andoh vượt 5kg so với trước, còn Polina Guryeva vượt 6kg, trong khi thành tích của Hoàng Thị Duyên thì tụt 8kg.
Thạch Kim Tuấn cũng rơi vào tình huống tương tự như Hoàng Thị Duyên khi không thể là chính mình trong cuộc thi đấu quan trọng, dù thực tế họ tập luyện với thành tích cao hơn hẳn khi lên sàn. Chỉ cần Thạch Kim Tuấn đạt mức tổng cử 195kg như các giải gần đây cũng đã giành HCĐ nhưng cuối cùng lại không thể hoàn thành phần thi đấu khi bị áp lực tâm lý. Điều này cho thấy các VĐV Việt Nam rất cần làm tốt khâu tinh thần trước những giải đấu quốc tế lớn. Những đề xuất về một bác sĩ tâm lý góp mặt ở một sân chơi tầm cỡ từ lâu đã là vấn đề với thể thao Việt Nam nếu muốn chinh phục một mục tiêu lớn.
Cử tạ Việt Nam đã chia tay Olympic Tokyo theo một kịch bản thực sự đáng buồn và đáng tiếc. Qua phần thi đấu, rõ ràng, các lực sỹ đã tự đánh mất cơ hội của chính mình, chứ không hoàn toàn do sự xuất sắc của đối thủ hay mức độ cạnh tranh quá khốc liệt. Nguyên nhân của thất bại cần được các nhà chuyên môn mổ xẻ kỹ lưỡng và thẳng thắn chỉ ra các hạn chế cần khắc phục. Nếu chỉ trông đợi vào may mắn, rất khó để TTVN có được thành tích tốt ở những đấu trường quan trọng trong tương lai.
Việt Hà
Tags