Đánh giá về thành tích của đoàn TTVN: Sự chuyển mình lịch sử

Thứ Ba, 16/06/2015 12:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay 16/6 sẽ diễn ra Lễ bế mạc SEA Games 2015, nhưng thành tích 73HCV, 52 HCB và 63 HCĐ của đoàn TTVN sẽ còn được cải thiện với trận chung kết bóng chuyền nam. Nhân Lễ bế mạc Đại hội, Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn TTVN ở SEA Games, ASIAD và Olympic.

1. Thắng lợi của các môn Olympic

Đây là một kỳ SEA Games ghi nhận thắng lợi bước đầu nhưng tương đối toàn diện của các môn thể thao trong chương trình thi đấu Olympic, đặc biệt là những môn thể thao cơ bản như điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ.

Nó khép lại một giai đoạn kéo dài hơn 2 thập kỷ TTVN đầu tư và làm theo hướng đi tắt đón đầu, nhằm đoạt được một số huy chương ở các kỳ Đại hội.

Tình hình hiện nay gần như hoàn toàn đổi khác, dù mới chỉ là bước đầu. Điền kinh Việt Nam có 11 HCV, bơi có 10 HCV - lần đầu tiên tạo nên "cơn địa chấn" ở Đông Nam Á. Thể dục dụng cụ cũng có 9 HCV. Ba môn thể thao cơ bản này đã giành gần 1/2 số HCV của đoàn TTVN.

Nhiều môn trong chương trình Olympic khác cũng “gây sốc” không kém: Đấu kiếm 8 HCV, thuyền rowing và canoeing 9 HCV, bắn súng 5 HCV, boxing 3 HCV.

Tổng số HCV của các môn này chiếm 85% số HCV của TTVN. Đây là sự thay đổi cơ bản so với các kỳ SEA Games trước.

Các môn võ thuật bao gồm cả một số môn trong chương trình Olympic là Taekwondo 5 HCV, Judo 5 HCV lẫn các môn khác như Pencak silat, Wushu vẫn có đóng góp quý báu cho TTVN nhưng không còn ưu thế như trước.

Đáng nói nữa là đoàn TTVN tham dự SEA Games lần này với đội quân gọn nhất nhưng tinh nhuệ nhất, với 392 vận động viên, ít hơn mọi lần tham dự SEA Games trước, ít hơn hẳn đoàn Thái Lan (hơn 740 người), Singapore (hơn 740 người), Indonesia (trên 500), Malaysia (trên 600)..., nhưng các vận động viên của chúng ta đã hoàn thành và thi đấu đạt kết quả cao: Vượt mốc 70 HCV, giữ vững vị tí thứ 3 toàn đoàn.


2. Những kỷ lục mới đánh giá mức tiến bộ

Trong thể thao, kỷ lục mang ý nghĩa quan trọng hơn là HCV. HCV là dành cho người về nhất. Còn kỷ lục là cột mốc thể hiện khả năng vượt lên, khả năng sáng tạo của con người. Kỷ lục là mốc chiến thắng, là thách thức của những người đi trước dành cho những người đi sau...

8 kỷ lục bơi của Ánh Viên, 400m rào và 400m của Nguyễn Thị Huyền, tiếp sức chạy 400mx4 điền kinh nữ, chạy 5.000m của Nguyễn Văn Lai... là những kỷ lục có giá trị. Đó là những kỷ lục “chính thức” thuộc quy định trong luật thi đấu của các môn thể thao định lương xác định bằng phương pháp đánh giá khách quan (đo đạc).

Một loại kỷ lục khác không được chính thức nhưng được xác định bằng trình độ tài nghệ trong các môn thể thao kỹ thuật phức tạp như thể dục dụng cụ. Bài tập xà kéo của Đinh Phương Thành được 15,833 điểm là một kỷ lục không chính thức rất cao ở môn này. Những kỷ lục của TTVN ở SEA Games này rõ ràng là mốc thách thức các thế hệ vận động viên trong tương lai của cả khu vực.

3. Những điều chưa hài lòng là thiểu số

TTVN cũng còn những điều chưa hài lòng, những mong muốn chưa được đáp ứng: Các môn bóng chưa vươn lên khỏi tầm khu vực hay những thất vọng về Tiến Minh (cầu lông), bóng bàn và ít nhiều nữa là bắn súng, pencak silat, bi sắt. Và việc các VĐV vật, karatedo, cử tạ, vovinam không được tranh tài ở SEA Games lần này cũng đáng chia sẻ.

Nhưng buồn và thất vọng luôn đồng hành với hạnh phúc và vui sướng trong thể thao. Tôi cũng xin thưa rằng: Trên thế giới này, chưa có một quốc gia nào, kể cả các cường quốc thể thao như Mỹ, Trung Quốc, Nga... lại có thể đạt mục tiêu phát triển tất cả các môn thể thao và giành huy chương. Ai cũng phải khôn ngoan tìm cách lựa chọn cho phù hợp với tài lực của mình.

4. Sự chuyển biến tích cực từ nhận thức

Thành công bước đầu này là kết quả của những chuyển hướng tích cực trong nhận thức và cách làm thể thao thành tích cao của các nhà quản lý TTVN, chủ yếu tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao Olympic, các môn trọng điểm, các vận động viên trọng điểm có tài năng, khắc phục tình trạng lệ thuộc vào đấu trường SEA Games, coi SEA Games chỉ là đấu trường để rèn luyện, nâng cao trình độ để bước tới mục tiêu Asian Games và Olympic.

Những thay đổi trong nhận thức và cách làm này thực tế là đúng đắn, được trải nghiệm qua thực tế nhiều năm và quan trọng nhất là phù hợp với quy luật phát triển thể thao thành tích cao.

5. Để chắc chắn có HCV ASIAD và huy chương ở Olympic

TTVN đã khép lại một kỳ SEA Games không thể tuyệt vời hơn với những đổi thay tốt lành. Nhưng trình độ các vận động viên ưu tú nhất của TTVN đạt đến mức nào trên đấu trường ASIAD (châu lục) và Olympic (thế giới) khi chiến lược phát triển của TTVN đến năm 2020 đã xác định: TTVN phải vươn lên trên đấu trường ASIAD và một số vận động viên phải giành được huy chương Olympic.

Thắng lợi ở SEA Games dù “vang dội” đến mấy cũng chỉ là phạm vi “vùng trũng” khu vực mà thôi. Tôi là Trưởng đoàn ở SEA Games 22 năm 2003 thắng lợi giòn giã với 158 HCV. Nhưng đến tháng 8/2004, tôi lại làm Trưởng đoàn TTVN dự Olympic Athen 2004 và chỉ đạt 1 vị trí thứ 5 môn cử tạ nữ (Nguyễn Thị Thiết - Hải Dương), không giành nổi 1 huy chương nào. Người hâm mộ thể thao hỏi tôi: “Các ông làm mưa làm gió ở SEA Games, sao lại mất hút ở Olympic Games?” Tôi chỉ có thể trả lời: “Trình độ của chúng ta còn quá thấp ở Olympic”.

Còn ở Asian Games, năm 2002 tại Busan, TTVN giành 4 HCV - thành tích tốt nhất trong các kỳ ASIAD. ASIAD Doha 2006 - 3 HCV. Quảng Châu 2010 - 1 HCV. Incheon 2014 - 1 HCV.

Nhưng rõ ràng chúng ta không thất vọng vì trong đoàn quân của TTVN ở SEA Games lần này đã xuất hiện không ít vận động viên trẻ triển vọng: Ánh Viên (bơi), thể dục dụng cụ Hà Thanh, Phương Thành, Đặng Nam... - các bài thi của họ đạt trình độ châu lục và thế giới, điền kinh với Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Thị Huyền cùng Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) cùng một số vận động viên tiêu biểu của boxing, rowing.

Đó là các niềm hy vọng của chúng ta ở ASIAD. Thực tế những năm gần đây cũng chứng minh họ đều đã giành huy chương châu lục và thế giới. Chỉ cần làm được như trưởng đoàn Trần Đức Phấn đã nói: TTVN sẽ đầu tư mạnh cho mục tiêu ASIAD và Olympic, cụ thể là Olympic Brazil 2016, Asiad Indonesia 2018, Olympic Tokyo 2020. Nếu thực hiện được điều này, vận động viên của chúng ta chắc chắn sẽ có huy chương ở Olympic và nhiều HCV ở ASIAD.

Nguyễn Hồng Minh - Nguyên Trưởng đoàn TTVN
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›