(Thethaovanhoa.vn) - Biệt danh “Der Kaiser” (Hoàng đế) nói lên tất cả. Franz Beckenbauer là một người khổng lồ của bóng đá Đức. Dưới sự “trị vì” của ông, nước Đức đã chinh phục World Cup lần thứ 2 vào năm 1974, và năm 1990 khi Beckenbauer là HLV.
Là một cầu thủ, Beckenbauer dự 3 kỳ World Cup và chưa bao giờ kết thúc dưới hạng 3. Ở VCK cuối cùng, ông đã đưa Tây Đức tới chức vô địch trên sân nhà năm 1974. Ông cũng chơi ở một vai trò được sáng tạo ra cho riêng mình: libero, tức hậu vệ chơi thấp nhất, nhờ vào nhãn quan chiến thuật và khả năng đọc trận đấu phi thường.
Thiên tài đọc trận đấu
“Cầu thủ tinh tế nhất mà bóng đá Đức từng sản sinh ra”, Walter Straten, biên tập viên thể thao của tờ nhật báo bán chạy nhất nước Đức Bild, nói. “Ông ấy không tốc độ, không vào bóng quyết liệt, hiếm khi nào rời sân mà áo bẩn. Ông ấy tránh những tiếp xúc trực tiếp với đối thủ, nhưng ông ấy là một thiên tài đọc trận đấu, điều khiến ông ấy thật đặc biệt với bóng đá Đức”.
Rainer Zobel là đồng đội của Beckenbauer ở Bayern Munich khi CLB này giành 3 Cúp C1 liên tiếp từ 1974 tới 1976. Ông bình luận. “Với tôi, anh ấy giỏi hơn Pele nhiều vì Pele chỉ có thể đá 1-2 vị trí, còn Beckenbauer có thể đá mọi vị trí trên sân”.
Giải VĐTG đầu tiên của Beckenbauer là năm 1966, khi ông mới 20 tuổi và đá ở vị trí tiền vệ công, ghi 4 bàn khi Tây Đức vào chung kết. Nhưng trong trận chung kết ở Wembley gặp chủ nhà Anh, người kèm Beckenbauer là Bobby Charlton. Đó là một cuộc chiến cân sức trong giờ đấu chính, cho tới hiệu phụ Charlton chiếm được lợi thế và Anh chiến thắng 4-2.
Tới Mexico 1970, ĐT Đức về thứ 3, và có cuộc báo thù trước những người Anh. Anh dẫn 2-0 ở tứ kết, nhưng với Charlton bị thay ra sau 1 giờ thi đấu trong một buổi chiều ẩm ướt ở Leon, Beckenbauer đã mở đầu cho màn lội ngược dòng với một cú sút xa sấm sét. Đức rốt cuộc thắng 3-2 sau hiệp phụ. Đức thua Italy 3-4 ở bán kết, trận đấu đã làm nên tên tuổi Beckenbauer khi ông thi đấu gần một tiếng đồng hồ với cánh tay bó bột.
Đỉnh cao 1974
Tây Đức bước vào VCK World Cup 1974 với tư cách nhà vô địch châu Âu, nhưng trong nội bộ của họ xuất hiện những rạn nứt. Họ khởi động chật vật với thất bại 0-1 trước đội bóng anh em Đông Đức, trận đấu duy nhất giữa hai đội cho tới khi thống nhất vào năm 1990. Beckenbauer là người đã sốc lại tinh thần cho cả đội, đứng ra thương lượng về các khoản tiền thưởng và kêu gọi sự đoàn kết. “Ông ấy là thủ lĩnh, điều đó không có gì phải nghi ngờ”, Straten nói. “Không phải HLV Helmut Schoen, mà Franz Beckenbauer mới là người quyết định ai sẽ ra sân”.
“Ai cũng lắng nghe, tôn trọng và làm theo những gì anh ấy nói”, Zobel bình luận. “Vì mọi người biết anh ấy có thể chơi ở vị trí của họ. Đôi khi anh ấy nổi cáu, đôi khi anh ấy từ tốn giải thích, anh ấy là thủ lĩnh mà đội bóng nào cũng muốn có”. Những ngôi sao đầy cá tính như Uli Hoeness và Guenter Netzer chấp nhận ngồi dự bị nếu Der Kaiser ra lệnh, và với Gerd Mueller tìm lại bản năng sát thủ, Tây Đức băng băng tiến vào chung kết, lần lượt đánh bại Nam Tư, Thụy Điển và Ba Lan, trước khi hạ luôn Hà Lan bóng đá tổng lực ở chung kết, để rồi Beckenbauer trở thành đội trưởng đầu tiên được giơ cao chiếc cúp VĐTG mới, khi cúp vàng Jules Rimet đã ở lại Brazil.
103 Với 103 lần khoác áo, Franz Beckenbauer là cầu thủ có số lần khoác áo nhiều nhất của ĐT Tây Đức và đứng thứ 7 nếu tính cả nước Đức thống nhất. 18 Số trận ra sân của Beckenbauer ở 3 VCK World Cup. 56,36 Tỉ lệ chiến thắng của Beckenbauer khi làm HLV ở Tây Đức, Marseille và Bayern Munich là 56,36%. |
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa