(Thethaovanhoa.vn) - Trả lời báo chí, ông Trần Đức Phấn cho biết thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư trọng điểm vào các môn cơ bản trong hệ thống Olympic sau thành công mà các môn này tạo được ở Đại hội năm nay.
Ông Phấn phát biểu: “Đối với các môn thể thao Olympic, chúng tôi đã tìm hiểu và nắm được một số thông tin cơ bản về thể thao của các quốc gia, trong đó tập trung vào 5 quốc gia có khả năng cạnh tranh với thể thao Việt Nam.
Tâm điểm chú ý của chúng tôi là 2 quốc gia chuẩn bị cho các Đại hội thể thao sắp tới, một là Malaysia với SEA Games 29 năm 2017 và Indonesia với Asian Games 18 năm 2018.
Indonesia dù mới nhận lại quyền đăng cai Asian Games từ Việt Nam nhưng họ đã có sự chuẩn bị rất kỹ, đặc biệt là cho các môn thể thao Olympic.
Qua thống kê của chúng tôi trong những ngày vừa qua thì Indonesia có rất nhiều HCB, nhiều hơn so với Việt Nam.
Trong quá trình đánh giá lực lượng thì chúng tôi dự đoán rằng sẽ tranh chấp vị trí thứ 3 với Indonesia, nhưng ở SEA Games năm nay Indonesia và Myanmar lại có tổng thành tích không được tốt lắm”.
Ông Phấn giải thích các lý do dẫn tới việc các môn thể thao Olympic đã có thành tích tốt: “Chúng tôi chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ giành HCV của các môn thể thao Olympic trong tổng thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28, nhưng có phóng viên thống kê giúp chúng tôi là khoảng 86% hoặc 87%, còn trước đây tỷ lệ này chỉ là 60%”.
“Thể thao Việt Nam đang chuyển hướng đầu tư, chuyển mục tiêu, mà mục tiêu mới của thể thao Việt Nam bây giờ là hướng đến đấu trường Asian Games, đấu trường Olympic.
Chính vì mục tiêu đó nên các môn thể thao Olympic được chúng tôi tập trung đầu tư, trong đó có cả đầu tư trọng điểm lẫn đầu tư chuyên biệt, chẳng hạn như Ánh Viên hay Quách Thị Lan. Đây là những VĐV được chúng tôi đầu tư trọng điểm để chuẩn bị cho những mục tiêu cao hơn.
Năm vừa rồi chúng ta có 48 VĐV trọng điểm được đầu tư, và theo tính toán của chúng tôi đến thời điểm hiện tại thể thao Việt Nam có khoảng 50 VĐV được đầu tư trọng điểm.
Trong số 50 VĐV này chúng ta lại lựa chọn ra một số VĐV để đầu tư chuyên biệt, chẳng hạn như Ánh Viên. Với mục tiêu như vậy, trong thời gian vừa qua các môn thể thao Olympic được tập trung tương đối tốt. Bên cạnh đó là các điều kiện đảm bảo ở các Trung tâm Huấn luyện Thể thao QG, rồi dinh dưỡng, chăm sóc y tế.
Theo ông Phấn, không có bí quyết thành công nào đặc biệt cả mà đơn giản bất cứ việc gì là trọng tâm thì đều phải được tập trung vào đó.
“Các VĐV thuộc nhóm những môn Olympic được chuẩn bị tương đối tốt, và từ chỗ chuẩn bị ấy thì nó liên quan tới thi đấu.
Chúng tôi đã đạt được mục tiêu các môn Olympic phải ở vị trí tốp đầu, chẳng hạn điền kinh 11 HCV, thể dục 9 HCV, kiếm 8 HCV, còn bơi thì các bạn đều biết rồi đấy.
Trước đây trong 5 môn thể thao thuộc tốp đầu của chúng ta thì có cả những môn võ như taekwondo, nhưng bây giờ taekwondo xuống nhóm 2 rồi. Bây giờ 5 môn thể thao nhóm 1 của chúng ta có điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, thể dục. Đấy là 5 môn mà chúng tôi đánh giá là thể thao Việt Nam có khả năng phấn đấu ở đấu trường cao hơn.
Taekwondo trước đây được đánh giá rất cao nhưng qua quan sát của chúng tôi từ năm 2011 tới giờ cùng với những số liệu cụ thể thì chúng tôi dự đoán taekwondo sẽ rất khó để vươn lên những đấu trường cao hơn.
Vì thế chúng tôi đã quyết định tập trung cho những môn thể thao Olympic cơ bản.
Có những môn rất tiềm năng được chúng tôi tập trung đầu tư, chẳng hạn như môn đấu kiếm có 3 chuyên gia, và khi tập trung đầu tư thì lập tức thành tích đã có chuyển biến tích cực.
Đối với các môn bóng thì thành tích của chúng ta chưa vượt ra khỏi Đông Nam Á. Đây là những môn rất được xã hội quan tâm song thành tích lại khá hạn chế nên sẽ phải dựa vào nguồn lực xã hội hoá.
Ngành thể thao khó lòng đầu tư hết được cho những môn thể thao này vì kinh phí rất lớn. Kinh phí đầu tư cho VĐV ở các môn tập thể như các môn bóng sẽ đầu tư được cho rất nhiều VĐV ở các môn cá nhân, các môn thể thao Olympic cơ bản.
Hoàng Huy (từ Singapore)
Thể thao & Văn hóa
Tags