(Thethaovanhoa.vn) - Cử tạ Việt Nam trắng tay rời Olympic Tokyo dù có 2 lực sỹ được đánh giá có khả năng cạnh tranh huy chương. Phần thi đấu với thành tích thấp hơn rất nhiều so với chính mình cũng gây ra sự thất vọng với người hâm mộ. Dù vậy, theo lý giải của ông Đỗ Đình Kháng - Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam, thất bại này cần được nhìn nhận một cách tổng thể và có cả những tác động từ khách quan khiến Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên đã thi đấu dưới sức.
Lực bất tòng tâm
* Chứng kiến phần thi đấu của Thạch Kim Tuấn (hạng 61kg nam) và Hoàng Thị Duyên (hạng 55kg nữ), ông có nhận xét gì về thành tích và sự thể hiện của họ?
- Theo nhận định của tôi, Tuấn và Duyên đều đã không có được thể lực sung mãn nhất trước khi bước vào thi đấu tại Olympic. Sau chuyến thi đấu ở giải vô địch châu Á hồi tháng 4 tại Kazakhstan, quá trình cách ly kéo dài tới 42 ngày (do sau 21 ngày lại có ca F0 trong khu vực cách ly) nên quá trình tập luyện bị gián đoạn. Quy định chống dịch chúng ta phải tuân thủ tuyệt đối, nhưng trong khu vực cách ly, điều kiện dinh dưỡng, tập luyện không thể bằng như ở Trung tâm HLTTQG nên ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng thể lực của Duyên.
Đối với môn thể thao sức mạnh như cử tạ, chỉ cần gián đoạn tập luyện vài ngày là thành tích đã đi xuống và rõ ràng sự gián đoạn gần 1 tháng rưỡi đã tác động rất lớn tới thành tích thi đấu cụ thể. Điều này bất cứ nhà chuyên môn hay HLV nào cũng đều hiểu rất rõ nhưng khắc phục nó thì không đơn giản, vì quỹ thời gian chuẩn bị sau đó chỉ còn chưa đầy 1 tháng là đến Olympic.
Tôi có theo dõi quá trình tập luyện rồi thi đấu của Duyên và Tuấn, các em đều đã nỗ lực hết mình, nhưng sự thật là lực bất tòng tâm với những vấn đề như vậy. Hãy hiểu, thông cảm và chia sẻ với họ, không ai đến Olympic mà lại muốn thất bại đâu.
Không sợ đối thủ nhưng bị áp lực tâm lý
* Có ý kiến cho rằng họ thất bại của Tuấn và Duyên ở Olympic Tokyo có phần tác động từ tâm lý và thiếu bản lĩnh trong thi đấu, ông có cùng quan điểm về nhận định này?
- Cả Tuấn và Duyên đều là những lực sỹ hàng đầu của cử tạ Việt Nam lúc này, họ cũng đã có quá trình rất dài thi đấu ở các giải quốc tế trong các năm qua nên bản lĩnh thi đấu ít nhiều đã được trui rèn.
Tôi khẳng định là Tuấn và Duyên đều không hề có tâm lý sợ đối thủ hay sợ tạ khi lên sàn, bởi trong các cuộc thi đấu từ các giải châu lục đến thế giới, các em đều biết rất rõ đối thủ của mình là ai, khả năng ra sao. Trước và trong thi đấu thường xuất hiện loại trạng thái tâm lý gọi là “sốt vận động” do sự bồn chồn, hồi hộp, lo âu trước khi bước vào thi đấu. Biểu hiện nặng thì VĐV vào cuộc cái là thua ngay thậm chí không thi đấu được, còn biểu hiện nhẹ hơn thì là lo lắng.
Với Tuấn và Duyên, họ không sợ đối thủ nhưng áp lực tâm lý thì có. Đặc biệt, khi cử không thành công ở lần cử đầu tiên (cử giật) thì áp lực lại càng đè nặng và nó phá vỡ cả chiến thuật thi đấu trước đó. Trong bối cảnh, thể lực thì không thực sự sung mãn, tâm lý thì đè nặng vừa là áp lực giành thành tích cao, vừa mất tự tin sau động tác đầu đã khiến thành tích thấp hơn rất nhiều so với mức đã đạt được trong tập luyện hay thi đấu gần đây.
Chiến thuật không sai
* Trong phần thi đấu ở Olympic Tokyo, BHL thường xuyên điều chỉnh mức tạ khởi điểm hay thách tạ sau đó của Tuấn và Duyên. Ông có nhận thấy điểm nào bất hợp lý về chiến thuật thi đấu mà các HLV đã áp dụng?
- Trong thi đấu cử tạ, điều quan trọng nhất là phải căn cứ vào tình hình thực tế, đánh giá trạng thái tâm lý, trạng thái cơ bắp và khả năng thực hiện của VĐV, từ đó đưa ra mức tạ thi đấu phù hợp. Không ai hiểu rõ cơ thể VĐV bằng chính họ và HLV trực tiếp cả, nên việc điều chỉnh lên cao hay xuống thấp đều phải căn cứ vào thực tế.
Tôi không cho rằng HLV đã mắc sai lầm về chiến thuật vì họ biết rõ VĐV của mình có thể hoàn thành được mức nào. Có rất nhiều ý kiến trái chiều sau một cuộc thi đấu, đặc biệt khi đó là một cuộc thi đấu thất bại nhưng tôi thấy việc điều chỉnh mức tạ trong thi đấu Olympic vừa qua là bình thường.
* Dù thế nào đi nữa, cuộc thi đấu ở Olympic Tokyo vừa qua để lại rất nhiều tiếc nuối cho cử tạ Việt Nam?
- Đáng tiếc nhất là Duyên và Tuấn chỉ cần là chính mình thôi thì đã có thể giành huy chương rồi nhưng khi hiểu rõ hơn về vấn đề cụ thể tác động đến kết quả, tôi mong người hâm mộ sẽ chia sẻ thêm với các VĐV. Trong thể thao, quá trình chuẩn bị luôn là quan trọng nhất và tác động rất lớn tới thành tích, cần rút kinh nghiệm và khắc phục những tác động do dịch bệnh gây ra vì bối cảnh như hiện nay, rõ ràng các VĐV sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong tập luyện và thi đấu.
VĐV các nước khác, ví dụ như Turkmenistan hay Nhật Bản họ đều cải thiện được thành tích để giành huy chương, còn chúng đứng yên hay tụt lùi thì chắc chắn không thể tranh chấp được. Vấn đề này, đòi hỏi các nhà quản lý, các chuyên gia và HLV cùng nhau bàn bạc và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn mới được, còn các VĐV họ đã cố gắng hết sức rồi.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Vũ Lê (thực hiện)
Tags