- Discord giới thiệu trí tuệ nhân tạo tương tự ChatGPT
- Trung Quốc thừa nhận việc bắt kịp công nghệ trí tuệ nhân tạo giống ChatGPT là điều ‘khó đạt được’
- Vì sao nhiều người luôn e ngại về trí tuệ nhân tạo?
- Lo ngại nguy cơ trí tuệ nhân tạo bị lạm dụng để tạo ảnh khiêu dâm, nền tảng tạo ảnh bằng AI cấm các từ về hệ thống sinh sản của con người
Giáo sư khoa học máy tính Murat Kantarcioglu tới từ Đại học Texas khẳng định "trí tuệ nhân tạo đã giúp cải thiện khả năng ra quyết định của con người".
Năm 2016, hệ thống máy tính chơi cờ AlphaGo gây xôn xao khi đả bại nhà vô địch cờ vây đương thời Lee Sedol. Được phát triển bởi DeepMind (phòng thí nghiệm thuộc công ty mẹ Alphabet của Google), hệ thống trí tuệ nhân tạo chỉ để thua một lần trong năm ván đấu. Cộng đồng yêu thích thể thao trí tuệ hồi tưởng về sự kiện công nghệ của năm 1997, khi đại kiện tướng cờ vua Garry Kasparov thất thủ trước hệ thống Deep Blue của IBM.
Cơn chấn động DeepMind gây ra không khác gì hệ quả mà ChatGPT để lại sau ngày ra mắt. Báo chí tốn giấy mực, những người hay tin chưa rõ tác động của AI tới tương lai, trong khi đó kỳ thủ Sedol nhận xét tích cực: “Phong cách [chơi] của nó khác biệt, quả là một trải nghiệm khác thường khiến tôi phải mất thời gian thích ứng. AlphaGo khiến tôi nhận ra mình cần nghiên cứu thêm về cờ vây”.
Trước đó không lâu, kiện tướng Hui Fan của giải Cờ vây Châu Âu thua 5 ván đấu trước DeepMind, và anh nhận định thất bại khiến anh nhìn nhận cờ vây “theo một cách hoàn toàn khác”. Theo thông tin từ tạp chí Wired, Hui Fan lập tức cải thiện thành tích của mình trên bảng xếp hạng cờ vây thế giới sau thất bại trước trí tuệ nhân tạo.
Dữ liệu về cách chơi cờ vây của con người được thu thập suốt nhiều năm đã giúp AlphaGo chiếm thế thượng phong, nhưng khả năng học tập của não bộ cũng đồng thời giúp các kỳ thủ cải thiện khả năng cá nhân. Một báo cáo mới được đăng trên tạp chí của Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy tiến bộ của Hui Fan không phải sản phẩm của trí tưởng tượng.
Năm 2017, một năm sau sự kiện con người thất bại trước trí tuệ nhân tạo trong trò cờ vây, kỳ thủ được tiếp cận với dữ liệu ghi lại nước đi của DeepMind, nhờ đó phát triển thêm chiến thuật mới giúp họ cải thiện khả năng chơi cờ của bản thân.
“Thật tuyệt khi thấy người chơi thích ứng nhanh chóng để tích hợp những phát hiện mới vào lối chơi của mình”, Davil Silver, nhà nghiên cứu công tác tại DeepMind và trưởng dự án AlphaGo cho hay. “Những kết quả này cho thấy con người sẽ thích nghi và vun đắp cho bản thân dựa trên những khám phá mới, nhằm cải thiện khả năng của mình”.
Để chỉ ra chính xác thời điểm AI khiến con người phải “lên cấp”, trợ lý giáo sư Minkyu Shin và các cộng sự đã phân tích dữ liệu bao gồm 5,8 triệu nước cờ vây được ghi lại từ các ván đấu diễn ra trong giai đoạn từ 1950 cho tới 2021. Được lưu trữ trên trang web Games of Go on Download, dữ liệu chứa mọi nước đi diễn ra trong các giải đấu lớn nhỏ. Các nhà nghiên cứu đã chọn thời điểm năm 1950 trở đi bởi lẽ đây là lúc luật cờ vây hiện đại chính thức được áp dụng.
Để có thể đánh giá chất lượng của mỗi nước cờ, các nhà khoa học sử dụng một hệ thống AI chơi cờ khác có tên KataGo, nhằm so sánh mỗi nước đi của kỳ thủ với nước đi mà trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện. Máy tính đã phải dựng nên cả chục ngàn trường hợp mà tại đó, kết quả ván cờ đã có thể thay đổi như thế nào sau mỗi nước đi của người chơi.
Khi đã có chỉ số chất lượng của mỗi nước cờ, các nhà khoa học phát triển thêm một phương pháp chỉ chính xác tại nước đi nào, quyết định của một kỳ thủ đạt mức “mới lạ” - tức là khi nước đi này chưa từng xuất hiện trong dữ liệu ghi lại lịch sử cờ vây. Đã từ lâu cộng đồng cờ vua sử dụng cách này để xác định xem khi nào chiến thuật mới lộ diện.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng trước khi AI đánh bại con người, chất lượng các quyết định của kỳ thủ không có nhiều biến động suốt nhiều năm. Nhưng sau thời điểm 2016-2017, chất lượng các quyết định dẫn đến nước cờ bắt đầu tăng. Cho dù các kỳ thủ chưa thể giành được chiến thắng trước AI, nhưng rõ ràng phe người đã chơi hay hơn trước.
Cùng nhiều chuyên gia khác đồng tình với nhận định trên, giáo sư khoa học máy tính Murat Kantarcioglu tới từ Đại học Texas khẳng định “trí tuệ nhân tạo đã giúp cải thiện khả năng ra quyết định của con người”. Ông nhận định các hệ thống này có thể “tìm ra giải pháp mới và cách tiếp cận mới cho các vấn đề”. Theo ông, vấn đề nan giải hiện tại sẽ vẫn nằm tại mức độ đáng tin cậy của các hệ thống tự hành; chúng ta có thể thấy vấn đề cố hữu ngay lập tức xuất hiện khi ChatGPT ra mắt công chúng.
Trong email gửi báo giới, ông Shin và nhóm cộng sự mong muốn các hệ thống trí tuệ nhân tạo của tương lai sẽ là đồng minh của con người chứ không phải kẻ ngáng đường phát triển của nhân loại.
“Các cộng sự và tôi đang thực hiện một số thí nghiệm trực tuyến khám phá cách con người có thể cải thiện truy vấn, lấy được kết quả tốt hơn từ những chương trình dạng này”, ông Shin nhận định. “Thay vì nhìn nhận AI như mối đe dọa tới trí tuệ của con người, chúng ta nên coi nó như một công cụ có thể cường hóa khả năng của bản thân”.
Theo Scientific American
Tags