Từ những biển hiệu đầu tiên tới 'đồng phục kiểu mẫu'

Chủ nhật, 22/05/2016 18:54 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Việc tuyến phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) thí điểm  dùng biển hiệu, biển quảng cáo “đồng bộ kiểu mẫu” gây những phản ứng từ phía dư luận trong tuần qua. Song, nhìn lại sự hình thành của văn hóa Hà Nội từ lúc bắt đầu giao thoa với văn hóa phương Tây, tới lúc “loạn quảng cáo” sẽ hiểu hơn thành ý của Hà Nội.

Và, đây không phải lần đầu, Hà Nội áp dụng những quy định trong lĩnh vực treo biển quảng cáo. Tuy nhiên, cách thực hiện trên đường Lê Trọng Tấn vẫn còn nhiều điều nên tính toán lại trước khi áp dụng đại trà.

Những tấm biển quảng cáo đầu tiên

Nhà văn Nguyễn Trương Quý, người nhiều năm nghiên cứu Hà Nội chia sẻ: Năm 1887, sau khi bình định xong Hà Nội 2 năm, người ta đã treo ở phố Paul Bert (đoạn phố Hàng Khay bây giờ) "hai tấm biển báo khảm xà cừ do một tỉnh quan tặng đề kỷ niệm cố tổng trú sứ".

Bên cạnh đó, trên những bức ảnh của bác sĩ Hocquard chụp năm 1884-1885 thì phố buôn bán người Việt hoàn toàn không thấy biển hiệu, hẳn vì các phố hàng đều gồm những cửa hiệu bán giống nhau.

Biển quảng cáo chỉ phát triển mạnh khi có kỹ nghệ đồ họa vào thời cuối kỳ khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914).

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế (giải Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội) thì sau thời điểm đó, quảng cáo thời Pháp thuộc rất đa dạng: ngoài biển treo trước cửa hàng còn có kiểu tên cửa hiệu gắn trên tường hay trán nhà, có kiểu ngay trên mành che nắng… Phố Tây và phố ta cũng không giống nhau.


Quảng cáo trên phố Tràng Tiền thời Pháp thuộc

“Tại ngã tư Hàng Bông cắt Quán Sứ có một cửa hiệu hớt tóc và nhà tắm của Phạm Ngọc Phúc. Có lẽ đây là một trong những cửa hiệu cắt tóc và tắm gội nổi tiếng bậc nhất thời đó. Chí ít cũng đủ để chủ nhân của nó viết lên tường to tướng tên cúng cơm của mình. Hơn thế, nhà tắm công cộng và cửa hiệu cắt tóc là kết quả của du nhập văn minh phương Tây”- nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho biết thêm: Phố Hàng Buồm có nhiều tiệm ăn của người gốc Hoa. Các biển quảng ở đó phần lớn được làm bằng vóc, rồi “bắn” chữ lên, cả chữ Việt, chữ Pháp và chữ Hoa. Người Hoa xem phong thủy và treo biển quảng cáo theo nhiều kiểu khác nhau: treo dọc, treo ngang… Và bên cạnh hoặc ở dưới biển quảng cáo lúc nào cũng treo đèn lồng như một điểm nhấn bán hàng.

Đáng chú ý, năm 1891, thống sứ Bắc Kỳ đã ra nghị định về quản lý các công trình trong thành phố. Trong đó có các điều khoản quy định rất rõ rằng, biển quảng cáo không được làm quá lố. “Không lố” nghĩa là biển quảng cáo phải phù hợp với không gian khu phố, mặt hàng kinh doanh và diện tích mặt tiền”- ông Nguyễn Ngọc Tiến cho biết.

Nở rộ cuối những năm 1990

Theo khảo cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến, thời bao cấp gần như không còn biển quảng cáo. Nguyên nhân chính là do các đơn vị sản xuất theo kế hoạch nhà nước giao, nên không cần quảng cáo. Lúc này, chỉ còn lại các biển báo kiểu: Mậu dịch quốc doanh, hàng kem, hàng ăn uống…

Quảng cáo xuất hiện trở lại từ cuối những năm 1990. Khi đó, Bộ VH,TT&DL đã ra chỉ thị hạn chế quảng cáo tiếng Anh, phải dùng Tiếng Việt. Nếu dùng tiếng Anh thì phải in tiếng Việt trước, to hơn.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý phân tích kỹ hơn ở góc độ kỹ nghệ làm biển quảng cáo: Nếu nói từ thời mở cửa đến trước quãng 1997 thì biển hiệu vẫn là sản phẩm thủ công, vẽ kẻ bằng tay, hoặc các vật liệu đúc như bê tông, đắp vữa... Vì thế, biển quảng cáo chịu ảnh hưởng mạnh của các quy tắc đồ họa cổ điển và phụ thuộc vào một vài phong cách dễ nhận biết.

Khi máy tính đồ họa có tốc độ xử lý cao và internet phổ cập, cùng với đó là hệ thống máy in và cắt chữ khổ lớn, thì biển hiệu mang tính sản xuất hàng loạt hơn. Từ đó đến giờ, hình thức biển hiệu tiến hóa theo công nghệ đồ họa, in ấn, có thể sản xuất nhanh, nhiều, rẻ.


Hiệu hớt tóc và nhà tắm Phạm Ngọc Phúc tại ngã tư Hàng Bông- Quán Sứ. Ảnh và mô phỏng: Trần Hậu Yên Thế

Cũng vì thế, vấn đề thẩm mỹ trong biển quảng cáo giai đoạn này một mặt phụ thuộc vật liệu (giấy đề can bóng hay mờ, láng hay sần, nhựa hay sắt thép, kính hay gỗ...), một mặt ảnh hưởng bởi các xu  hướng đồ họa thế giới mà các nhà thiết kế học được qua làn sóng đầu tư nước ngoài.

Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, nhiều khi, cũng không cần đến đào tạo cao siêu, một số thợ làm đồ họa chỉ cần biết qua vài công cụ đồ họa vi tính là đã thiết kế “nhoay nhoáy”. Trong những trường hợp này, sự mô phỏng các theo cách làm của các thương hiệu lớn và thích ứng với thị trường là vô cùng nhanh nhạy.

Tuy nhiên vì không có nhiều kiến thức nghệ thuật nền hay được đào tạo về lý thuyết nên phần nhiều biển hiệu chỉ là thứ treo lên để phân biệt tên gọi các cửa hiệu, còn yếu tố nhận dạng thương hiệu rất yếu.

“Có lẽ trước đây, việc làm biển hiệu cũng tương đối tốn kém nên các biển hiệu được chăm chút hơn. Bây giờ, sự biến đổi của kinh doanh kéo theo tính "thời trang" của biển hiệu - nay treo mai hạ, nên cũng không phải là thứ gia truyền để quá ư nghiêm trọng, dẫn tới loạn biển quảng cáo”- nhà văn Trương Quý nhận định.

Còn nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế chia sẻ rằng, thế hệ 7x của anh dường như là thế hệ cuối cùng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hà Nội trước khi bị nhấn chìm trong làn sóng thương mại hóa toàn cầu với các biển quảng cáo khổ lớn lan tràn trên đường phố. Và “kỷ nguyên khốc liệt” từ cuối những năm 1990 tới nay, diện mạo đô thị trong mắt nhà nghiên cứu mỹ thuật đã thay đổi lớn theo hướng tiêu cực bởi những biển quảng cáo.

Và nay, “đồng bộ kiểu mẫu”

Trước thực trạng biển quảng cáo tràn lan các mặt phố hiện nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, việc chấn chỉnh ở mức độ nào đó là cần thiết. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đều không nhất trí với cách Hà Nội đang làm ở đường Lê Trọng Tấn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ: Lịch sử Hà Nội chưa bao giờ có biển quảng cáo dạng “biển thông báo” giống nhau y hệt nhau như ở đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội) hiện nay. Kể cả thời bao cấp, những biển tên: Cửa hàng bách hóa, cửa hàng mậu dịch… cũng không mang “đồng phục” như vậy. Thời đó, các loại biển này, khác nhau tùy thuộc vào diện tích mặt tiền.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến, giải pháp để hạn chế tình trạng “loạn quảng cáo” mà vẫn đảm bảo không gian sáng tạo là đánh thuế với các biển quảng cáo lấn ra không gian công cộng.

Các biển quảng cáo chúng ta có thể quy hoạch dạng như: nếu treo dọc, lấn ra không gian công cộng là đánh thuế. Người Pháp xưa cũng đã từng đánh thuế theo năm với những ban công, quảng cáo nhô ra không gian công cộng.

“Điều này tôi cho là hợp lý. Nếu đơn vị kinh doanh quảng cáo trên một mặt phẳng, thuộc quyền sở hữu của họ thì không bàn. Nhưng nếu họ làm biển trục dọc, lấn ra ngoài hè phố, chúng ta hoàn toàn có thể thu thuế”- ông Tiến chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho hay: Theo tôi, nếu đã quy hoạch thì chỉ nên quy hoạch chiều cao và độ chiếu sáng của đèn trang trí. Bởi kể cả có đưa thêm nhiều mẫu lựa chọn hơn thì vẫn là hạn chế sáng tạo. Nên chăng chính quyền có thể tổ chức những buổi đào tạo cơ bản về cách thức làm biển hiệu và trang trí cửa hiệu cho các hộ kinh doanh. Chỉ bằng cách nâng cao kiến thức thì sự lựa chọn hình thức thẩm mỹ mới đáp ứng được mong muốn về diện mạo đô thị.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›