(Thethaovanhoa.vn) - Những tranh luận về vị trí đặt ga tàu điện ngầm (metro) kí hiệu C9 tại Hồ Gươm chưa thể chấm dứt. Gần nhất, trong cuộc tọa đàm đầu tuần này (do Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam tổ chức), vẫn có sự xuất hiện song song của 2 luồng ý kiến: phản ứng gay gắt - và khẳng định sự hợp lý - của vị trí đang được nghiên cứu hiện tại.
Cuộc tranh luận ấy diễn ra căng thẳng từ vài năm nay, với “nút thắt” là nỗi lo ngại: vị trí dự kiến đặt ga C9 bị cho là quá sát mép hồ, cũng như đền Ngọc Sơn và Tháp Bút. Do vậy, việc thi công (và vận hành) nhà ga sẽ có tác động tiêu cực tới địa chất, kiến trúc, hệ sinh thái... tại đây.
Bên cạnh vấn đề liên quan tới Luật Di sản Văn hóa này (Hồ Gươm hiện là Di tích Quốc gia đặc biệt), nhiều băn khoăn khác cũng được nêu ra.Chẳng hạn: với sức tải rất lớn, lượng khách từ các chuyến metro mỗi ngày sẽ có thể gây ùn tắc giao thông và phá vỡ sự tĩnh lặng vốn có của không gian Hồ Gươm. Rồi, các cửa lên xuống (dẫn từ ga ngầm lên mặt đất) sẽ gây ảnh hưởng xấu tới cảnh quan quanh hồ...
Đó là những câu hỏi rất phức tạp. Và chắc chắn, mọi giải pháp đưa ra cũng đều không thể nhận sự đồng thuận tuyệt đối, dù ở góc độ nào.
Nhưng nếu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy một thực tế: nhiều năm qua, gần như bất kỳ công trình, hoặc ý tưởng nào, liên quan tới Hồ Gươm cũng đều được dư luận chú ý và phản biện mạnh.
***
Từ xây nhà vệ sinh công cộng cho tới kế hoạch lát đá vỉa hè; từ chiều cao (dự kiến 10 tầng) của khách sạn Hà Nội vàng trong quá khứ cho tới ý tưởng khắc tên những người có công với thành phố tại... vỉa hè Bờ Hồ trong tương lai; từ đồng hồ hoa Thụy Sĩ ở góc phố Hàng Khay cho tới đồng hồ đếm ngược sau đền Bà Kiệu; từ ý tưởng dựng tượng King Kong cho tới tượng Rùa Vàng...- ngần ấy câu chuyện đều là những ví dụ điển hình.
Vì sao, không gian quanh Hồ Gươm lại “nhạy cảm” tới vậy? Bên cạnh câu chuyện của giá trị văn hóa và lịch sử, còn phải xét tới bản chất về kiến trúc và cảnh quan của Hồ Gươm .
Đó là sự hài hòa đặc biệt của những công trình Pháp quanh hồ với mặt nước và không gian xanh, là cách kết nối để không gian này thành “điểm dừng” của 17 tuyến phố nhỏ xung quanh, là những điểm nhấn – dù hấp dẫn nhưng vẫn đầy khoan hòa và khiêm nhường – như đền Ngọc Sơn, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục hay Tháp Bút.
Muốn “bổ sung” vào Hồ Gươm, những công trình xuất hiện sau này cần phải tuân thủ phong cách chung ấy về tỷ lệ, màu sắc và công năng – chứ chư nói tới việc phải tuyệt đối không gây ảnh hưởng tới các kiến trúc nguyên trạng.
Như lời các chuyên gia về quy hoạch, khu vực quanh Hồ Gươm là một không gian nhạy cảm, giống như một hòn ngọc quý dễ vỡ.Và thực tế, từ một vài sai sót, những kiến trúc đang tồn tại và gây bức xúc như tòa nhà “Hàm cá mập” lại càng khiến dư luận... cảnh giác với những công trình dự kiến xuất hiện quanh hồ.
***
Không cần nói nhiều về tầm quan trọng của tuyến metro qua Hồ Gươm (bao gồm cả ga C9). Sự thực, tính từ năm 2006, thời điểm công trình này lần đầu tiên được đề xuất xây dựng, 12 năm đã trôi qua. Và không ngạc nhiên, khi có những ý kiến mong mỏi các bên liên quan sớm “chốt” vị trí xây dựng để tuyến metro này khoi phải... chờ thêm vài năm nữa.
Nhưng để làm được điều ấy, câu chuyện lại quay về một yêu cầu cơ bản: hiểu rõ đặc thù, cũng như những giá trị hiện có của không gian văn hóa lịch sử này, để đưa ra lựa chọn cuối cùng.
Bởi thế, việc xây dựng ga C9vẫn cần thêm sự tư vấn và góp ý của nhiều cơ quan,tổ chức nghề nghiệp cũng như từ toàn cộng đồng, để từ đó có được một lựa chọn khả thi nhất.
Dù... nóng ruột, nhưngta hãy chấp nhận rằng đó là bước đi tất yếu để có được một tuyến metro phù hợp với không gian văn hóa lịch sử lâu đời nhất tại Thủ đô.
Sơn Tùng
Tags