Từ Okudera tới Kagawa: 40 năm giấc mơ bóng đá Nhật

Thứ Năm, 31/12/2015 08:44 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2002, Shinji Ono trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên trong lịch sử vô địch UEFA Cup cùng Feyenoord. Cùng năm đó, ĐT Nhật Bản lần đầu tiên vượt qua vòng bảng World Cup.

Không có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào trong chuyện này. Bởi thành công của ĐT Nhật Bản là kết quả hợp lý từ sự phát triển có chiều sâu của bóng đá Nhật Bản. Chính những cầu thủ Nhật trưởng thành, bước ra thế giới, đã quay về, mang theo tinh hoa của bóng đá nhân loại để đưa Nhật Bản tới đỉnh cao.

Bước ngoặt giúp Nhật Bản trở thành một cường quốc bóng đá châu lục đến vào năm 1965 khi Japan Soccer League ra đời. Chỉ 3 năm sau, ĐT Nhật vào tới bán kết Olympic Mexico 1968, đoạt HCĐ. Tại Mexico, ĐT Nhật chơi những trận cầu đã trở thành huyền thoại khi thắng Pháp 3-1, hòa Brazil 1-1. Thành công ấy là bản CV đẹp của bóng đá Nhật gửi tới thế giới.

Ngày 5/10/1977 là ngày lịch sử của bóng đá Nhật khi Yasuhiko Okudera trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên thi đấu chuyên nghiệp ở châu Âu trong màu áo Koln tại Bundesliga. Okudera chơi 200 trận, vô địch nước Đức năm 1978, vào bán kết C1 năm 1979.

5 năm sau, tới lượt Kazuyoshi Miura đến Brazil năm 15 tuổi. Suốt hơn một thập kỷ, Miura đã lần lượt chơi cho Santos, Palmeiras và Dinamo Zagreb, ghi 55 bàn cho ĐT Nhật Bản và hiện vẫn khoác áo Yokohama - đội bóng mới của Tuấn Anh. Hình ảnh Miura ngoài đời chính là cảm hứng cho nhân vật truyện tranh huyền thoại Captain Tsubasa.

Nhưng các chiến tích của Okudera và Miura vẫn là những thành công đơn lẻ. Trước năm 1998, ĐT Nhật Bản vẫn chưa thể tới World Cup. Phải tới khi làn sóng cầu thủ Nhật tràn đến châu Âu, cuộc cách mạng mới bắt đầu.

World Cup 2002 đánh dấu bước chuyển mình vĩ đại của bóng đá Nhật. Với những cái tên như Shinji Ono (Feyenoord), Shunsuke Nakamura (Celtic), ĐT Nhật lần đầu tiên vượt qua vòng bảng World Cup.

Kể từ đó đến nay, bóng đá Nhật đã có thêm 3 kỳ World Cup liên tiếp, một lần nữa vượt qua vòng bảng hồi năm 2010. Cũng từ năm 1992 tới nay, ĐT Nhật Bản dự 7 giải vô địch châu Á, vô địch 4 lần. Trong thế kỷ XXI, họ là ông “Vua” tuyệt đối của châu lục.

Việt Nam, Thái Lan và bài học từ bóng đá Nhật Bản

Việt Nam, Thái Lan và bài học từ bóng đá Nhật Bản

Không hẹn mà gặp, cả 2 đội bóng đứng nhất bảng A và B tại AFF Cup 2014 là Việt Nam và Thái Lan đều đang sử dụng “chất xám Nhật Bản” cho nền bóng đá của mình.


Thành công của bóng đá Nhật đến trong thời kỳ cầu thủ Nhật bắt đầu tỏa đi khắp thế giới và chứng minh được năng lực của mình. Những năm trở lại đây, cầu thủ Nhật xuất hiện ngày càng nhiều ở châu Âu. Đội hình ĐT Nhật Bản dự vòng loại World Cup 2018 vừa qua có 12 cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu (7 người chơi tại Bundesliga). Bản thân HLV Miura của U23 Việt Nam cũng từng có thời gian tu nghiệp và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ triết lý bóng đá Đức.

Giai đoạn nửa thập kỷ gần đây là thời kỳ khẳng định mình của cầu thủ Nhật Bản ở châu Âu. Họ không còn chịu áp lực tồn tại với giải đấu. Từ chỗ phải tìm kiếm cơ hội ở các đội bóng nhỏ, họ bắt đầu hướng tới những CLB lớn nhất. Shinji Okazaki, Keisuke Honda, Yuto Nagatomo... lần lượt tới những CLB hàng đầu, cạnh tranh suất đá chính và chứng minh họ là người giỏi nhất.

Trong làn sóng ấy, Shinji Kagawa trở thành cái tên tiêu biểu. Anh thất bại ở Manchester United nhưng thành công rực rỡ tại Dortmund. Quan trọng hơn, kỹ thuật vượt trội của Kagawa là bằng chứng khẳng định những người Nhật Bản nhỏ con vẫn có thể chơi tốt nếu phát huy được ưu điểm trước các đối thủ to cao. Thành công của lứa cầu thủ này đảm bảo cho ĐT Nhật Bản một vị trí thường xuyên tại các kỳ World Cup.

Gần 40 năm kể từ khi Yasuhiko Okudera đặt chân tới Koln, cầu thủ Nhật Bản cuối cùng đã khẳng định được mình ở châu Âu. Trận thắng 1-0 của Nhật trước Pháp ngay tại Stade de France cho thấy người Nhật đang dần tiệm cận trình độ đỉnh cao của bóng đá thế giới.

Năm 2011, ĐT nữ Nhật Bản đã lần đầu tiên vô địch thế giới. Với những bước tiến vững chắc trong hàng chục năm qua, đó cũng là mục tiêu dài hạn của ĐT nam Nhật Bản.

Bạch Dương
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›