Từ Premier League đến người Thái và giấc mơ của bầu Quyết FLC

Thứ Sáu, 03/12/2021 09:25 GMT+7

Google News

Khi Giải Ngoại hạng Anh - Premier League là giải đấu được theo dõi nhiều nhất trên thế giới, được phát sóng ở 212 nước và vùng lãnh thổ tới 643 triệu hộ và lượng người xem khoảng 4,7 tỉ, không có gì ngạc nhiên nếu những ông chủ giàu có muốn sở hữu một đội bóng tại đây để quảng bá hình ảnh và làm giàu thêm túi tiền của mình.

Newcastle dưới triều đại chủ mới: Sau niềm vui là nỗi lo

Newcastle dưới triều đại chủ mới: Sau niềm vui là nỗi lo

Đầu tháng 10 vừa qua, Saudi Arabia Public Investment Fund (PIF) của Saudi Arabia đã hoàn tất việc mua lại Newcastle. Thế nhưng, nếu người hâm mộ vùng Tyneside nghĩ rằng, cuộc chuyển giao quyền lực này sẽ giúp đội bóng của họ đổi đời, mọi chuyện sẽ không dễ dàng như họ nghĩ.

 

Sức mạnh tài chính

Hơn 10 năm trước, Premier League đã là giải đấu có doanh thu cao nhất thế giới, chính xác là 2,48 tỉ bảng ở mùa giải 2009/2010. Cũng trong mùa bóng này, bảng xếp hạng Football Money League của Deloitte xếp 7 đội bóng của Anh vào danh sách Top 20 CLB giàu nhất thế giới. Hay năm 2019, Premier League đạt 3,1 tỉ bảng tiền bản quyền truyền hình trong nước và quốc tế.

Điểm qua những con số trên để thấy rằng, Premier League như “con gà đẻ trứng vàng” cho các CLB và giải thích tại sao đây cũng là nơi quy tụ nhiều tỉ phú nhất kể từ khi Roman Abramovich mua lại Chelsea vào năm 2003, nếu không muốn nói gần như các đội bóng Anh đã thuộc về những ông chủ người nước ngoài. Từ Arsenal đến Burnley, từ Aston Villa đến Leeds, từ Liverpool đến Southampton, từ West Ham đến Wolves… trong 20 CLB của mùa giải 2020/2021 chỉ có vỏn vẹn Brendford, Brighton và Tottenham còn được xem là “thuần Anh” nhất vì không có bất cứ cổ đông người nước ngoài nào.

 

 

Và nếu cho rằng, PSG có sự hậu thuẫn của người Qatar với một núi tiền được chi cho Kylian Mbappe, Neymar, Lionel Messi, Premier League cũng có những tỉ phú như Stan Kroenke (CLB Arsenal), Nassef Sawiris, Wesley Edens (Aston Villa), Roman Abramovich (Chelsea), John W. Henry, Tom Werner (Liverpool), Abu Dhabi United Group (Man City), nhà Glazer (MU), Guo Guangchang, Liang Xinjun, Wang Qunbin (Wolves) hay gần nhất là Public Investment Fund (Newcastle)… đều có số tài sản trị giá nhiều tỉ USD.

Để thấy rõ tại sao các đội bóng Premier League hấp dẫn với người nước ngoài đến vậy, Man City là một ví dụ cụ thể cho việc đầu tư thành công của người Arab cả về chuyên môn lẫn tài chính. Thống kê từ năm 2015, doanh thu của Man City tăng hằng năm 27%. Riêng năm 2019 là năm họ đạt kỉ lục về doanh thu, với 590 triệu euro (535 triệu bảng). Đây là kết quả của những thành công mà đội chủ sân Etihad có được nhờ thi đấu, qua đó giúp họ được chia tỉ lệ tiền cao hơn ở Premier League và thu hút được những hợp đồng tài trợ lớn, chẳng hạn như hợp đồng 10 năm trị giá 650 triệu bảng với hãng sản xuất đồ thể thao Puma.

Sau cùng thì so với nhiều giải đấu khác, tài chính ổn định và doanh thu tăng đều nhờ hợp đồng truyền hình trong các năm đã thu hút nhiều tỉ phú đến với Premier League. Tuy vậy, khi được hỏi, nhiều người cũng cho rằng, lợi nhuận không phải là lí do duy nhất hấp dẫn họ. Như Tony Fernandes, chủ tịch của CLB Queens Park Rangers, từng trả lời phỏng vấn rằng: “Tôi có thể kiểm soát hầu hết mọi thứ ở AirAsia (hãng hàng không giá rẻ tại châu Á). Anh có thể làm bất cứ điều gì anh muốn trong bóng đá, nhưng cuối ngày vẫn phải phụ thuộc vào 11 người trên sân cỏ, đúng không?”

Bầu Quyết, Bầu Quyết FLC, Bầu Quyết muốn mua một đội Ngoại hạng Anh, Ngoại hạng Anh, bóng đá Anh, Premier League, Trịnh Văn Quyết, Thaksin, Vichai, Man City, Leicester
Giấc mơ mua 1 đội bóng Ngoại hạng Anh thật thú vị, nhưng liệu bầu Quyết FLC có đủ quyết tâm và sức mạnh tài chính?

Thành công của người Thái

Như đã nói ở trên, khi tỷ phú người Nga, ông Abramovich mua lại Chelsea năm 2003, đó là khởi đầu làm thay đổi số phận đội chủ sân Stamford Bridge và tạo ra một xu hướng thay đổi cả Premier League cũng như bóng đá thế giới. Đó là xu hướng đầu tư vào bóng đá của các triệu phú, tỉ phú USD, trong đó phần nhiều đến từ châu Á.

Thật ngạc nhiên là năm 2007, Thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ là Thaksin Shinawatra đã mua 75% cổ phần của Man City với giá 81,6 triệu bảng và đưa Sven-Goran Eriksson về dẫn dắt đội. Đáng tiếc là 1 năm sau, Shinawatra đã bị chính quyền Thái Lan đóng băng tài sản và mọi thứ cũng đi xuống rất nhanh với họ trước khi Abu Dhabi United Group của Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan có mặt sau đó.

Với sự hậu thuẫn của Abu Dhabi United Group, Man City đã trở thành một thế lực mới của bóng đá Anh, thậm chí thay thế vai trò thống trị mà MU có được trước đó trong 10 năm qua. Hiển nhiên thì đây là thành công lớn nhất mà một đội bóng Anh có được với những ông chủ người châu Á, bên cạnh Leicester của gia đình nhà Srivaddhanaprabha, trước khi tất cả chờ xem liệu Newcastle có lột xác cùng với Public Investment Fund của Saudi Arabia không?

Trong khi sức mạnh tài chính của Abu Dhabi United Group là không có gì phải bàn cãi, việc một đội bóng từng lên hạng, xuống hạng như Leicester có thể thành công cùng những ông chủ người Thái Lan thực sự là rất đáng nói. Không phủ nhận số tài sản của nhà Srivaddhanaprabha lên tới 4,9 tỉ USD nhưng đừng quên Queens Park Rangers đã thất bại với tỉ phú Tony Fernandes và Lakshmi Mittal, tỉ phú người Ấn Độ có số tài sản hơn 10 tỉ USD.

Để thấy rõ hơn, trong 11 năm mua lại Leicester từ 2010, nhà Srivaddhanaprabha mà cụ thể là ông Vichai Srivaddhanaprabha, người sáng lập hệ thống bán lẻ King Power Duty Free, đội chủ sân King Power đã vô địch Premier League mùa giải 2015/16, giành FA Cup 2020/21, Community Shield 2021. Để so sánh, Southampton với ông chủ người Trung Quốc là Gao Jisheng, Wolves cũng với 3 ông chủ người Trung Quốc là Guo Guangchang, Liang Xinjun, Wang Qunbin đều chưa có được thành công tương tự, nếu không nói mục tiêu đơn giản của họ chỉ là trụ hạng và nhận… tiền bản quyền truyền hình, tiền thưởng mỗi mùa ở Premier League.

Xa hơn có Birmingham của tỉ phú Hong Kong (Trung Quốc) là Carson Yeung năm 2009 và Blackburn của Venky (Ấn Độ) của năm 2010.

Tham vọng của bầu Quyết FLC

Không phủ nhận trên các sân cỏ của Premier League từng xuất hiện những tấm biển quảng cáo của doanh nghiệp Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai hay Sabeco nhưng để một người Việt Nam sở hữu được một đội bóng Anh không phải là dễ. Và vẫn biết anh có thể mua lại cổ phần để sở hữu một phần CLB đó, anh cũng chưa hẳn là người nắm quyền quyết định như Abu Dhabi United Group ở Man City hay nhà Glazer tại MU khi giá trị cho cuộc thâu tóm hoàn toàn lên đến hàng trăm triệu hay hàng tỉ bảng.

Nói như Simon Jordan, người đã đầu tư 10 triệu bảng vào Crystal Palace và sau đó đã viết trong cuốn tự truyện của mình rằng ông đã mất một nửa trong số 75 triệu bảng tài sản cho bóng đá. Năm 2012, Jordan trả lời tờ Independent như sau, "Nếu anh có tham vọng trong bóng đá, đó là điều nguy hiểm bởi vì tham vọng sẽ thúc đẩy anh đưa ra các quyết định mà về mặt thương mại, anh có thể không thực hiện trong bất kì doanh nghiệp nào khác".

Thế nên, như ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC tiết lộ ý định mua lại một đội bóng ở Premier League trên mặt báo, chúng ta cũng cần phải xem ông sẽ mua lại hoàn toàn hay chỉ sở hữu một phần cổ phần của CLB đó để quảng bá thương hiệu Bamboo Airways. Nói thế vì những đội bóng thuộc Top 6 hay Top 10 đều đã có chủ, trong khi cái giá mà nhà Srivaddhanaprabha mua lại Leicester năm 2010 đã là 50 triệu USD, tương đương hơn 11.000 tỉ đồng bây giờ hay người Saudi Arabia mới mua lại Newcastle giá khoảng 300 triệu USD. Còn nếu đầu tư vào những đội bóng như Norwich hay Brendford, nguy cơ thua lỗ sẽ lớn hơn nếu họ phải xuống chơi ở Championship, nơi thậm chí đang có QPR của hai tỉ phú châu Á là Fernandes và Mittal.

Vậy ông Quyết ơi, ông có đủ quyết tâm và sức mạnh tài chính để theo đuổi một đội bóng Anh tại Premier League như ông nói?

Mạnh Hào

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›