Từ 'Quốc phục' tới 'Quốc hoa'

Thứ Ba, 08/08/2017 06:59 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về "Quốc phục" lại khiến dư luận chú ý, khi Công ty cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn (SG Unicorp) phải thay thế cụm từ này bằng khái niệm "trang phục dân tộc" trong cuộc thi thiết kế của mình.

Trước đó, để chuẩn bị cho việc cử thí sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới, SG Unicorp đã phát động cuộc thi "thiết kế Quốc phục". Tất nhiên, cách gọi ấy lập tức nhận được những phản ứng trái chiều.

Bởi, việc sử dụng danh xưng Quốc phục (dù là sử dụng một cách tự phát) cũng đồng nghĩa với việc đã "khoác" cho mẫu trang phục sắp thiết kế ấy một gánh nặng vô cùng lớn. Đó là gánh nặng về tính chất thẩm mỹ và nội hàm văn hóa, của một bộ trang phục mang ý nghĩa đại diện cho dân tộc Việt.

Chú thích ảnh
Phạm Hương trong trang phục dân tộc tại sàn catwalk Hoa hậu Hoàn Vũ

Chỉ cần nhìn lại một vài cuộc thi người đẹp gần đây nhất, người ta có thể bắt gặp không ít tranh cãi quanh những bộ "Quốc phục" như vậy.

Đó là bộ trang phục "Nàng Mây" cách điệu từ chất liệu mây tre truyền thống, được chính SG Unicorp tổ chức thiết kế để á hậu Lệ Hằng sử dụng trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2016.

Hoặc, cũng trong năm 2016, đó là bộ trang phục nặng tới... 44 kg, kết hợp họa tiết của thổ cẩm, lông chim trĩ, trống đồng Đông Sơn... được thiết kế để người đẹp Khả Trang sử dụng trong cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia. Rồi, xa hơn, đó còn là bộ áo dài cách điệu, đính ngọc trai và đá quý (trị giá khoảng 5 tỷ đồng) của người đẹp Thu Thảo khi tham dự cuộc thi Hoa hậu quốc tế 2014.

Tạm bỏ qua câu chuyện về việc lạm dụng khái niệm "Quốc phục", chúng ta vẫn thấy một thực tế: việc thiết kế một bộ trang phục đủ sức làm "đại diện" của văn hóa Việt không hề dễ.

Không phải, chỉ những bộ "quốc phục"  tự phong nói trên mới gây ra tranh cãi. Nhiều năm nay, Cục Mỹ thuật, Triển lãm & Nhiếp ảnh cũng đã theo đuổi một đề án quan trọng: tổ chức nghiên cứu và thi thiết kế mẫu Quốc phục (sau được đổi tên thành Lễ phục Nhà nước) cho Việt Nam. Nhưng, nhiều lần nâng lên đặt xuống, đến nay, đề án ấy vẫn chưa chọn được một bộ trang phục đáp ứng mọi tiêu chí và yêu cầu.

Bởi, chắc chắn, một bộ trang phục như vậy không thể chỉ là câu chuyện của việc sử dụng chất liệu truyền thống thế nào, họa tiết dân tộc ra sao. Quan trọng hơn, khi đã yêu cầu về tính biểu trưng cho Việt Nam, người ta sẽ nhắc tới những nội hàm văn hóa mà nó mang theo mình.

Nghĩa là, chúng ta không thể đánh đồng giữa nội dung và hình thức. Không thể chỉ cần đính những trống đồng, chim lạc, hoa sen... lên những tà áo dài nam hoặc áo dài nữ truyền thống... rồi yên tâm rằng đó tất yếu là một bộ trang phục đại diện cho văn hóa Việt.

Bản thân họa sĩ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm & Nhiếp ảnh) cũng đã có lần chia sẻ với người viết rằng yếu tố văn hóa truyền thống không hẳn cứ phải là sự lạm dụng về họa tiết và chất liệu. Đôi khi, nếu đủ sáng tạo, chỉ từ một dải ruy băng, một chiếc khăn quàng, một họa tiết nhỏ được đính lên, người ta cũng có thể bị thuyết phục bởi tính dân tộc của trang phục ấy.

***

Cũng như "Quốc phục", "Quốc hoa" của Việt Nam từ nhiều năm nay vẫn đang trong quá trình bầu chọn và chưa về đích. Dù vậy, theo những cuộc thăm dò đã tổ chức, hoa sen là xứng đáng nhất với danh xưng này.

Không hẳn liên quan, nhưng tôi lại nghĩ tới câu chuyện đang xảy ra với bản thiết kế Nhà hát Hoa Sen tại Hà Nội. Mẫu thiết kế đều gắn với biểu tượng hoa sen, và cũng bị nhiều kiến trúc sư băn khoăn.

 Ngẫm ngợi cuối tuần: Quốc phục và thuật 'kín kín hở hở...'

Ngẫm ngợi cuối tuần: Quốc phục và thuật 'kín kín hở hở...'

Xưa, người cầu kỳ may gấm tía, phủ ngoài lớp the có ý khiêm tốn che bớt sự khoe mẽ nhưng chính là để khoe dữ đấy. Kín kín hở hở, đó là thuật khoe giỏi nhất của người Việt.

Một số ý kiến cho rằng, việc cố "áp" theo biểu tượng hoa sen đã khiến thiết kế Nhà hát Hoa Sen có nhiều nhược điểm. Trước hết, sự thanh mảnh của một bông hoa sen đã trở nên thô kệch khi được "phóng lớn" trong một công trình xây dựng. Và bên cạnh là những mâu thuẫn về hình khối và không gian khi xét tới công năng đặc thù của một sân khấu biểu diễn.

Tôi không nghĩ rằng, việc tạo ra một biểu trưng văn hóa từ những công trình có công năng nghệ thuật như vậy là cách làm máy móc. Thậm chí là ngược lại.

Chỉ có điều, chúng ta không cần, và cũng không thể, cứ vẽ ra những "bông hoa sen" khổng lồ một cách rập khuôn, tả thực theo cách ... gần giống nhất so với những bông sen đang mọc ở bất cứ nơi nào.

Và, khi sự máy móc, lạm dụng những hình ảnh, những vật mẫu "có sẵn" ấy được lặp lại quá nhiều, bắt buộc phải gọi đó là sự lười nhác trong sáng tạo.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›