(Thethaovanhoa.vn) - Nguyễn Dương Quỳnh (sinh năm 1990) là cái tên không còn quá xa lạ đối với những ai yêu thích dòng văn học kỳ ảo (fantasy). Điều đáng quý là Nguyễn Dương Quỳnh không chịu ảnh hưởng từ văn học kỳ ảo, giả tưởng nước ngoài mà trong mỗi tác phẩm của cô đều đem đến cho độc giả một tác phẩm fantasy với màu sắc thuần Việt.
Sau tập truyện dài Thỏ rơi từ Mặt trăng, Nguyễn Dương Quỳnh đã thực hiện dự án dài hơi hơn, đó là bộ tiểu thuyết Thiên cầu ma thuật (NXB Phụ nữ Việt Nam). Tập đầu của tiểu thuyết này với nhan đề Người thầy bí ẩn đã được phát hành...
“Thiên cầu ma thuật” dành cho những người từng là thiếu nhi
Thiên cầu ma thuật (tên gốc: Thiên cầu), là câu chuyện về cuộc phiêu lưu của một cậu bé tên Chính ở một thị trấn nhỏ vào thế giới ma thuật, khám phá bí ẩn về sự mất tích của người cha, và những bí mật xoay quanh một người thầy người Nhật gốc Việt tên Hàn Thanh/Maeda.
Đó cũng là câu chuyện về một cậu bé nghịch ngợm nhưng tốt bụng ở một thị trấn nhỏ những năm 90 của thế kỷ trước, trốn ngủ trưa đi chơi, hay bị người lớn la mắng… và dần dần khám phá những phức tạp và bóng tối trong cuộc sống xung quanh.
Thiên cầu ma thuật, vì vậy là một câu chuyện fantasy có 2 mặt. Mặt kỳ ảo và mặt đời thường. Nhưng về cơ bản, những câu chuyện fantasy đều có tính 2 mặt: Tác giả vừa phải kéo người đọc vào thế giới kỳ ảo do mình tạo dựng, đồng thời vừa phải kể một câu chuyện khiến họ thấy gần gũi và đồng cảm.
Thể loại fantasy vốn không được coi trọng lắm ở Việt Nam. Đâu đó vẫn còn ý kiến cho rằng đây là thể loại “không nghiêm túc”, không phải văn chương thực sự… Thực ra, trước đây trên thế giới, cách nghĩ này cũng không hiếm. Fantasy đã bị coi “chỉ là truyện con nít, văn học ba xu” cho đến khi Tolkien xuất bản Chúa tể những chiếc nhẫn. Tolken từng tâm sự rằng ông muốn chứng tỏ fantasy là một thể loại cho người lớn. Hầu hết những sử thi, huyền thoại cổ xưa nhất của con người như truyền thuyết vua Arthur, sử thi Gilgamesh, Beowulf… về cơ bản là những truyện fantasy, và vẫn có thể khiến người đọc say mê và đồng cảm sâu sắc đến hiện nay.
“Trẻ em vốn có trí tưởng tượng phong phú, nên đối với các em, fantasy là một thể loại rất hấp dẫn và có khả năng truyền đạt lớn. Với những người viết thuộc thế hệ chúng tôi, viết fantasy là một quyết định rất tự nhiên. Chúng tôi đã lớn lên trong thế giới của phim hoạt hình, trò chơi điện tử… Vào thời còn nhỏ, tôi cũng thường bị cha mẹ la mắng, bảo nên đọc những sách thực tế, sách khoa học, không nên chìm đắm vào “những thứ viển vông”. Và cách nghĩ này vẫn còn rất phổ biến với các bậc phụ huynh ngày nay” - Nguyễn Dương Quỳnh kể.
“Nhưng tôi nghĩ, từ chối sự huyền ảo là đi ngược lại với bản năng của trẻ em, và bản chất của nghệ thuật. Ngay cả khi câu chuyện mà một cuốn sách kể là huyễn tưởng, thì thông điệp của nó chưa chắc đã không phải là những điều chân thực” - chị thẳng thắn.
Nguyễn Dương Quỳnh cho biết thêm, đối tượng độc giả hướng đến đầu tiên với Thiên cầu ma thuật không hẳn là thiếu nhi, mà là những người từng là thiếu nhi.
Tức là những người đọc thuộc thế hệ của tác giả, của thế hệ của cậu bé Chính, những người trải qua tuổi thơ trong thập niên 1990. “Một câu chuyện thiếu nhi hay thực sự là câu chuyện mà những người lớn cũng thấy hay”, hình như Mark Twain đã nói như vậy. Cũng như Doreamon. Mỗi lần đọc ở một lứa tuổi khác, lại thấy hay và thú vị kiểu khác. Nên tôi hy vọng mang đến một lăng kính cho những người bạn cùng thời của mình, để đi về tuổi thơ trong chốc lát, nhớ lại ngày xưa mình đã buồn, giận, nghịch phá, mơ mộng thế nào, và có thể thì mỉm cười khoan dung với chính mình ngày ấy” - Nguyễn Dương Quỳnh nói.
Thế nhưng, thiếu nhi ngày nay sẽ đón nhận câu chuyện lấy bối cảnh những năm 1990 này thế nào?
Tuổi thơ của cậu bé Chính có nhiều điều rất khác với thiếu nhi thế hệ bây giờ. Cậu ta chẳng bao giờ phải đi học thêm. Chẳng cần học ngoại ngữ, âm nhạc, kỹ năng sống cho bằng bạn bằng bè. Về đến nhà là ném cặp tót ra bờ đê đá bóng, ra nghĩa địa chơi trốn tìm. Trong nhà chẳng có máy tính hay iPad, và chắc cậu ta cũng chẳng lên mạng bao giờ.
Tuy nhiên, dù thời đại đã khác, nhưng có một điều chắc chắn là thiếu nhi ở thời nào cũng có nhiều mơ mộng, tâm sự và nỗi buồn rất giống nhau. Tôi tin các bạn trẻ hiện giờ có thể hiểu được sự yêu mến tự do, ham thích phiêu lưu và khao khát tình cảm gia đình của cậu bé Chính. Một cô bé bây giờ có lẽ không có cuộc sống thoải mái vô tư không cần học thêm như cậu ta, nhưng chắc cũng có thể hiểu được nỗi buồn khi nhớ cha mẹ đi xa, sự hoang mang khi tự hỏi liệu trong lòng cha mẹ, mình có quan trọng bằng công việc (ma thuật) hay không.
Dẫu sao, tuổi thơ chúng ta đã từng mê say đọc Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, dù Tom Sawyer là một cậu bé người Mỹ cuối thế kỷ 19. Hay các em thiếu nhi hiện giờ vẫn mê mải đọc Doraemon, một manga viết từ thập niên 1970…
“Viết văn là đặt niềm tin vào khả năng đồng cảm, điểm chung trong trải nghiệm của nhân loại” - Nguyễn Dương Quỳnh đúc kết.
Thế giới fantasy và sự thuần Việt
Thiên cầu ma thuật là một câu chuyện có những phần khá tăm tối và nhiều đoạn khá buồn.
Đó là tâm sự của cậu bé Chính khi người cha đi mãi không về. Là Tú, bị kẹt trong một mối quan hệ phức tạp với người mẹ vừa yêu thương, vừa bạo hành mình. Là những đứa trẻ sẵn sàng cười nhạo hoặc bắt nạt những kẻ quá khác biệt. Là nỗi buồn đôi lúc hé lộ của Hàn Thanh - Maeda - một đứa con lai mang 2 dòng máu, và vì vậy là kẻ lạc loài ở cả 2 đất nước. Là sự dửng dưng của Quỳnh Anh, khi chấp nhận cuộc ly hôn của cha mẹ, cũng như biết rõ đối với cha mình, sự nghiệp là quan trọng hơn tất thảy…
Nguyễn Dương Quỳnh cho biết, chị thấy rất ít tác phẩm văn học thiếu nhi nói về nỗi buồn của trẻ em. Nhưng làm ngơ những mặt tối đó là coi nhẹ khả năng tiếp thu và sự phức tạp của tâm hồn các em, cũng như quên mất tuổi thơ thực sự là thế nào. Thế giới của trẻ em không chỉ có những gam màu sáng. Đó là một thế giới rất phức tạp, có nhiều quy tắc ngầm, nhiều “luật lệ” kỳ quái người lớn nhìn vào không hiểu được.
Hầu hết người lớn đều muốn “xin một tấm vé đi tuổi thơ”, nhưng chắc hẳn khi còn bé, nhiều người đã muốn “được lớn lên thật nhanh”, có khi đơn giản vì muốn có tiền ăn quà vặt thoải mái mà không phải xin mẹ… Nhưng dù là nguyên nhân gì, đó cũng là lúc chúng ta bắt đầu ý thức được những mặt không toàn vẹn của cuộc đời, và sự bất lực của bản thân. Cũng như cậu bé Chính cảm thấy bất lực khi không thể làm gì để giúp người bạn đang bị bạo hành…
- Nguyễn Chí Ngoan: Sau Dế Mèn, học trò bắt đầu hỏi mình về 'bí quyết' làm văn
- Khởi động Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 2 - 2021
- Con trai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ra mắt sách là tác phẩm giành Giải Dế mèn
“Nên viết câu chuyện này, tôi mong mang đến một trải nghiệm toàn vẹn hơn về tuổi thơ: Không chỉ có niềm vui ngây thơ, mà còn nỗi buồn, sự cô độc, cảm giác bất lực, hay lo lắng bất an sợ hãi về những vấn đề rất thật của cuộc đời” - Nguyễn Dương Quỳnh nói.
Về việc theo đuổi thể loại fantasy, Nguyễn Dương Quỳnh cho hay, thể loại này có nguồn gốc phương Tây, và rất nhiều tác phẩm trong thể loại này, dù được viết bởi những tác giả thuộc các quốc gia khác nhau, có hơi hướm của những tác phẩm châu Âu, ví dụ những chuyện viết theo lối high fantasy đều ít nhiều thấp thoáng bóng hình của Chúa tể những chiếc nhẫn.
Nên câu hỏi đặt ra với những tác giả Việt Nam thử sức với thể loại này, theo nữ tác giả là tạo ra một thế giới mang màu sắc dân tộc hơn, ít chịu ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài. Một số người đã tạo ra được điều đó dựa vào việc sử dụng các truyện cổ tích, tín ngưỡng hay văn hóa Việt Nam, như một số truyện kinh dị dùng mô-típ đồng cốt hay bùa ngải.
“Tuy nhiên với câu chuyện này, tôi quyết định tạo màu sắc Việt Nam bằng giọng văn và kỹ thuật viết nhiều hơn, với câu chuyện được kể dưới góc nhìn và giọng điệu của một cậu bé 10 tuổi sống ở một thị trấn miền Trung nhỏ, và cách cậu ta phản ứng trước những điều kỳ lạ của thế giới ma thuật”.
Dự kiến, 2 tập tiếp theo của Thiên cầu ma thuật sẽ xuất bản trong thời gian tới.
Đôi nét về Nguyễn Dương Quỳnh Tên thật là Nguyễn Dương Quỳnh Anh. Sinh năm 1990, quê gốc tại Núi Thành, Quảng Nam. Tốt nghiệp cử nhân Product Design tại Đại học Kỹ thuật Nanyang (Nanyang Technological University, Singapore). Hiện đang làm việc tại khoa Thiết kế và Nghệ thuật của Đại học Hoa Sen. Cây bút nữ này có văn phong đa dạng, sáng tác ở nhiều thể loại. Một số tác phẩm của cô được đánh giá cao như: Thị trấn của chúng ta, Thỏ rơi từ Mặt trăng, Thăm thẳm mùa Hè, Thiên cầu ma thuật... Cô đoạt giải Văn học tuổi 20 lần thứ 6 với tác phẩm Thỏ rơi từ Mặt trăng. |
Lễ trao giải thiếu nhi Dế Mèn Lễ trao giải thiếu nhi Dế Mèn lần 2 - 2021 do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức sẽ diễn ra trực tuyến vào dịp Tết thiếu nhi (1/6) tới đây. Từ 117 tác phẩm dự thi hoặc được đề cử, Ban sơ khảo Cuộc thi đã chọn được 10 tác phẩm vào chung khảo. Hội đồng Giám khảo (do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, làm Chủ tịch Hội đồng) sẽ họp phiên đầu tiên vào ngày 20/5 tới, để chấm chọn và trao các giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn, Khát vọng Dế Mèn. |
Phạm Huy
Tags