(Thethaovanhoa.vn) - Tại Việt Nam, xét về đặc điểm thể loại, cuốn tự truyện “ra dáng ra hình” đầu tiên có lẽ là Lê Vân: Yêu và sống, phát hành giữa năm 2006. Sự thật và cách bày tỏ sự thật đã tạo nên làn sóng dư luận “yêu và ghét” lúc bấy giờ. Từ sách này đến Chạm tới giấc mơ của Sơn Tùng M-TP, hơn 10 năm, đã có “một mùa” tự truyện của riêng giới nghệ sĩ Việt.
Đặc trưng dễ nhận thấy từ các tự truyện của giới nghệ sĩ trẻ Việt là những chuyện “yêu và sống” thường đi hơi quá các lề lối, quan niệm thường gặp.
Những tự sự cá nhân
Đọc Lê Vân: Yêu và sống, nhiều người nghĩ ngay đến cuốn tự truyện My Life So Far (2005) của Jane Fonda - một nghệ sĩ rất gắn bó với Việt Nam. Cái cách Lê Vân kể những khó khăn thời nhỏ, chuyện cơm không lành canh không ngọt của cha mẹ (NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai), chuyện cô có 3 đời chồng (Việt, Việt kiều, Hà Lan), rồi những mối quan hệ khác… đều khá “trần trụi”, nên khiến người trong cuộc rất bối rối. Cả hai cuốn này đều dễ khiến những người có liên quan lo lắng khi nghe nó sắp phát hành.
Gần đây, khi cuốn tự truyện Một đời giông bão (2015) của nghệ sĩ Thương Tín ra mắt, nhiều người cho rằng nó quá sốc, thậm chí hơi “hạ cấp”, vì xâm phạm đời tư nhiều người, thế giới đâu có viết vậy. Nhưng thực ra thế giới cũng không hiếm. Trong tự truyện của mình, Thương Tín cho biết những mối tình một đêm thì không thể nhớ hết được. Những phụ nữ sống với anh như vợ chồng thì có 12 người, trong đó có những người rất nổi tiếng như diễn viên Diễm My.
Năm 2012, Tinna Tình phát hành tiểu thuyết Mặt nạ, kể về hành trình hồi hương để xây dựng tên tuổi của nữ ca sĩ Ginna Quỳnh. Qua đây, người đọc thấy được mặt đen tối, những thủ đoạn trong showbiz Việt.Tuy gọi là tiểu thuyết, nhưng thật ra đây là một kiểu tự truyện, mà trong đó các tình tiết phản ánh khá trung thực cuộc đời thực của chính Tinna Tình. Tiểu thuyết Sợi xích của Lê Kiều Như cũng là một dạng tự truyện như vậy.
Những tự truyện như Trần Lập: Bên kia bức tường (2013), Hương Giang Idol - Tôi vẽ chân dung tôi (2014), Tự truyện Wanbi Tuấn Anh - Bắt đầu từ một kết thúc (2014)… lại có cách tiếp cận khác.
Ca sĩ Wanbi Tuấn Anh chết ở tuổi 26, bản thân biết điềm xấu này từ 5 năm trước đó, nên tự truyện là một cảm cận về những khoảnh khắc sống quý báu còn lại.
Ca sĩ Hương Giang Idol viết về những đớn đau trước quyết định lột xác và hành trình đi tìm con người thật của mình sau đại giải phẫu chuyển giới. Cuốn tự truyện Lột xác (năm 2017) của ca sĩ Lâm Chí Khanh cũng được viết với góc nhìn tương tự Hương Giang Idol.
Câu chuyện ở tầm mức rộng hơn, Trần Lập: Bên kia bức tường được phôi thai từ những ghi chép vụn vặt của chính ban nhạc từ 18 năm trước. Tinh thần của tự truyện: “Đối với người nghệ sĩ cầm micro đứng trên sân khấu, thì cần cống hiến cho khán giả những điều tốt đẹp nhất. Còn phía bên kia là những gì chúng tôi phải tự vượt qua” - như lời Trần Lập lúc sinh thời.
Tự truyện Lạc giữa thanh xuân (2016) của hotgirl Lê Thị Huyền Anh (quen gọi Bà Tưng) do Khôi Nguyên Thảo chắp bút theo thể loại truyện dài, gần 170 trang. Truyện kể về những mơ ước đôi khi ngông cuồng, đen tối của một cô gái trẻ với danh vọng, địa vị, tiền bạc và cả tình yêu. Đơn cử, đó là chươngCa sĩ + cầu thủ = 0 từng độc giả đã tha hồ đồn đoán "họ là ai"; hay như chuyện bà chủ một trung tâm thẩm mỹ lớn có tiếng ở Sài Gòn nhận Bà Tưng làm con nuôi ngay giữa "tâm bão", cho 100 triệu đồng và 2 năm tiền nhà, rồi “đại tu” thẩm mỹ bằng dao kéo…
Những trải nghiệm đáng quý
Cũng là tự truyện do giới nghệ sĩ viết, nhưng Tâm thành và lộc đời của NSƯT Thành Lộc, Đằng sau những nụ cười của ca sĩ Khánh Ly, Chuyện tình không tên của nhạc sĩ Vũ Thành An, Sống cho người sống cho mình của NSND Kim Cương…cùng các hồi ký của NSND Bảy Nam, GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy.… có sự chững chạc và sâu lắng. Có lẽ tuổi tác, kinh nghiệm và bối cảnh sống lúc trưởng thành đã… làm cho tâm thế, cách thể hiện của các nghệ sĩ khác nhau theo từng thời đại.
Họ là những tác giả kỳ cựu, có bề dày sự nghiệp, nên bên cạnh giá trị thông tin, tư liệu từ con chữ, người đọc còn gián tiếp tìm thấy giá trị cảm hứng từ ý chí, tài năng, cách sống. Đặc biệt là những trải nghiệm đáng quý mà họ đã trải qua, để thấy rằng cuộc đời vốn không hề dễ dàng, nhung lụa. Tự truyện cũng là một nhịp cầu để độc giả, đặc biệt giới trẻ, tìm đến với các bậc thầy tinh thần của mình.
Dù nói là sẽ tiết lộ nhiều bí mật, nhưng quan điểm của Khánh Ly khi viết tự truyện là: “Tôi sẽ không nhắc đến người đã khuất, bởi lẽ, nếu người được nhắc đến còn sống, tôi viết gì sai, họ còn phản bác lại được. Người đã khuất rồi cũng không cần phải nói đến làm gì nữa. Đó là kỷ niệm của riêng tôi vậy”.
NSƯT Thành Lộc thì đi sâu vào chuyện nghề nghiệp sân khấu của gia đình và bản thân. Với 45 năm làm nghề và gần 600 vai diễn, anh đã sống chết, vinh nhục bao nhiêu lần trên sân khấu.
NSND Kim Cương, nhạc sĩ Vũ Thành An… cũng viết về những trải nghiệm như vậy, nơi mà chuyện đời, chuyện bản thân chỉ còn là bước đệm, là trải nghiệm để họ làm nghề. Đọc họ, thấy chuyện đời tư không ít, nhưng đó không phải là lý do chính để họ viết.
Kỳ 3: Tự truyện Sơn Tùng M-TP: Vừa lập nghiệp vừa lập ngôn
Văn Bảy - Hoàng Nhân
Tags