(Thethaovanhoa.vn) - Một tác phẩm có giá trị sẽ được thử thách bởi thời gian khắc nghiệt chứ không phải ồn ào khi mới xuất bản rồi chìm vào lãng quên. Hồi ký, tự truyện của các nghệ sĩ trong giới showbiz Việt có tuổi thọ bao lâu và độc giả nhận được gì khi đọc những sách này?
- Tự truyện của nghệ sĩ Việt (Kỳ 3): Sơn Tùng M-TP 'vừa lập nghiệp vừa lập ngôn'
- Tự truyện của nghệ sĩ Việt (Kỳ 2): Vài tự truyện, hồi ký 'trước Sơn Tùng M-TP'
Theo nhiều nhà phê bình trên thế giới tổng kết lại thì tự truyện - hồi ký muốn “sống thọ” với thời gian, luôn phải cần đến nghệ thuật viết và tính văn chương cùa nó, chứ chỉ có mỗi câu chuyện “trần thuật” thôi chưa đủ.
Văn chương và tính nhân văn
Những cuốn hồi ký, tự truyện của giới nghệ sĩ thường thu hút dư luận bởi “ánh hào quang” của chính họ. Sách càng được viết chi tiết giật gân, càng nhiều thông tin đời tư với các quan hệ cá nhân bằng giọng văn “bạch thoại” thì càng được quan tâm tức thời.
Những trường hợp quen viết lách như Phạm Duy, Trần Văn Khê… có thể là ngoại lệ. Còn lại, hơn 10 tự truyện - hồi ký mà chúng tôi đã đề cập trong chuyên đề này, thì điểm chung dễ nhận thấy là thường rất thiếu tính văn chương. Ngay cả các tác giả được người khác (nhà văn, nhà báo…) chắp bút cũng không khá hơn là bao nhiêu. Dường như họ chỉ chú tâm vào “kể câu chuyện đời mình” (nghĩa là: viết cái gì), chứ không chú tâm vào nghệ thuật viết (viết như thế nào). Trên thế giới, các tác giả được mời chắp bút thường rất bản lĩnh trong nghệ thuật viết tự truyện - hồi ký, nên dù câu chuyện trần trụi, thô tục vẫn được thể hiện giàu tính văn chương.
Xét về tính nhân văn, những nhân vật kì cựu (trừ Thương Tín) thì thường kể câu chuyện có hậu, có tình nghĩa, nên có thể nói giàu tính nhân văn. Các nhân vật trẻ hơn như Tinna Tình, Lê Kiều Như, Hương Giang Idol, Lâm Chí Khanh, Bà Tưng, Sơn Tùng M-TP… thì thường quá chú trọng đến bản thân, tập trung nói chuyện của mình, nên đọc thấy nhịp cầu kết nối giữa họ với cộng đồng thường mong manh, đôi khi hơi vị kỷ, ích kỷ.
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng tuyên bố là ông không bao giờ viết hồi ký. Theo ông, để viết hồi ký hay tự truyện là phải trung thực tuyệt đối với chính mình và câu chuyện mình kể. Nhưng đã là con người thì có cảm xúc yêu ghét, nên không chắc chắn khi viết sẽ không có thiên vị.
Nói thế để thấy, để có một cuốn tự truyện - hồi ký hay thì thường đòi hỏi người viết phải có bản lĩnh đối diện sự thật, có nghệ thuật kể sự thật. Nói ra sự thật một cách nghệ thuật sẽ làm nên đẳng cấp. Công thức của điều này: câu chuyện sinh động + nghệ thuật kể chuyện = tự truyện - hồi ký hay. Rất tiếc trong 10 năm qua, khi viết tự truyện - hồi ký, phần lớn nghệ sĩ Việt đã “cho qua”, đã “làm lơ” với điều này.
Nâng tầm thể loại
Để tránh sự thô tục và trần trụi, đôi khi nghệ sĩ phải sẵn sàng bỏ trống một khoảng ký ức trong cuộc đời mình vì những điều tốt đẹp hơn. Cách mà Sơn Tùng M-TP đã chọn trong tự truyện Chạm tới giấc mơ là viết tắt tên một số nhân vật, điều đó thể hiện sự tế nhị giữa tác giả với các mối quan hệ của mình, nhằm giảm bớt sự tổn thương.
Nghệ sĩ Ái Vân trong Để gió cuốn đi đã bỏ trống 6 trang sách không in một chữ vì sợ tổn thương người liên quan, trong đó có con trai của bà. Ái Vân cho biết: “Nhân vật chính được tôi đề cập - trong 8.808 chữ đã xóa của 6 trang sách để trống - có thể sẽ nhồi máu cơ tim mà chết khi đọc được. Suy nghĩ kỹ, tôi quyết định xóa sạch những gì đã viết để tất cả chỉ còn là kỷ niệm riêng tư”.
Dân gian đã đúc kết “lời nói đọi máu”, “bút sa gà chết”… nên đôi khi một trang sách có thể giết chết một mạng người, hoặc làm họ tổn thương suốt đời. Trần Văn Khê, Ái Vân, Khánh Ly, Vũ Thành An, Phạm Duy, Kim Cương, Thành Lộc… đều chấp nhận bỏ trống vài khoảng ký ức cũng vì lý do nhân văn này. Vì vậy, riêng khía cạnh nhân văn, hồi ký - tự truyện của họ đã ở tầm mức cao hơn các tác giả còn lại.
Cuốn Sống cho người - Sống cho mình của Kim Cương từng nhờ đến 5 nhà văn chắp bút, trong đó có nhà văn Đào Hiếu, nhà thơ Ngô Thị Hạnh, nhà văn Võ Diệu Thanh… Cần đến ngần ấy nhà văn để viết một cuốn hồi ký cho thấy nghệ sĩ Kim Cương rất kỹ tính trong việc in ra một cuốn sách, với hy vọng nó sẽ “sống thọ” với thời gian. Bởi theo nhà văn Trần Nhã Thụy: “Không phải cái gì ở giữa hai trang bìa đều có thể gọi là sách”.
Nghệ sĩ Việt có rất ít người tự viết hồi ký - tự truyện cho mình, mà phải nhờ người khác chắp bút. Nhưng mối quan hệ này thường “gay cấn”, hoặc “tiền hậu bất nhất”, nên kết quả ít khi được như ý. Đôi khi quan hệ êm thấm, nhưng cũng không suôn sẻ, do nghệ sĩ đánh giá sai vai trò của nhà văn, hoặc bản thân nhà văn coi thường điều này, nên làm cho có để lấy tiền. Ví dụ như sách của Lê Kiều Như có nhờ vài nhà văn chuyên nghiệp đọc lại, hoặc họ không sửa, hoặc họ sửa mà nghệ sĩ không nghe theo, nên khi in ra có quá nhiều điều ngây ngô, ngớ ngẩn.
Cho nên, để tránh tình trạng mua vui chỉ được một vài trống canh khi viết tự truyện - hồi ký, nghệ sĩ và người chắp bút phải chú trọng đến tính văn chương và tính nhân văn khi viết - một điều kiện cần. Thiếu một trong hai điều này thì đừng mong hồi ký - tự truyện đó có thể sống được với thời gian.
Hoàng Nhân - Văn Bảy
Tags