Nhìn từ chiến thắng của CLB Hà Nội
Trong trận gặp Vũ Hán Tam Trấn tại AFC Champions League, dù để đối thủ dẫn trước nhưng cuối cùng Hà Nội FC vẫn giành được chiến thắng quý giá nhờ cú đúp của Phạm Tuấn Hải trong hiệp 2, mang về 3 điểm đầu tiên cho đội bóng Thủ đô ở giải đấu cấp châu lục.
Ngay lập tức, tài khoản facebook AFC Champions League của LĐBĐ châu Á đã đăng tải bài viết với video về tình huống xử lý bóng đẳng cấp và ghi bàn nâng tỉ số lên 2-1 của Tuấn Hải. Tài khoản facebook AFC Champions League viết dòng trạng thái:"Bàn thắng ghi ở phút cuối mang về chiến thắng của Tuấn Hải. Một người hùng của Hà Nội FC được sinh ra".
Có thể nói, trận thắng trước Vũ Hán có ý nghĩa rất lớn với Hà Nội FC ở thời điểm hiện tại. Trận thắng đã ghi nhận những nỗ lực tột cùng, không bỏ cuộc của Hà Nội FC khi đã để thua 3 trận trước đó. Trên sân Mỹ Đình, dù bị dẫn trước từ khá sớm nhưng Văn Quyết cùng đồng đội vẫn miệt mài chiến đấu đến cùng. Để rồi, họ đã được đền đáp xứng đáng với trận thắng đầu tay tại AFC Champions League mùa này. Trên lý thuyết, với 3 điểm có được giúp CLB Hà Nội tiếp tục bám sát các đối thủ để hy vọng giành vé đi tiếp. Điều quan trọng nhất, trước những bí bách vì thi đấu không tốt tại giải đấu châu lục cũng như khởi đầu khó khăn ở V-League, chiến thắng đã kịp giải tỏa áp lực đeo bám Hà Nội FC.
Đến "món quà" ý nghĩa của VFF
Để ghi nhận chiến thắng đầu tiên của đại diện Việt Nam tại giải đấu số 1 châu Á cấp CLB, VFF đã thưởng nóng cho CLB Hà Nội số tiền 300 triệu đồng. Đây là món quà có giá trị về mặt vật chất lẫn tinh thần dành cho Hà Nội FC, sau chuỗi thành tích không tốt gần đây. Ngoài việc được bầu Hiển "bung két" thưởng to 1,5 tỉ đồng (dành cho tập thể và cá nhân Tuấn Hải), rõ ràng khoản thưởng kịp thời của VFF như nguồn động viên, khích lệ rất lớn dành cho các CLB Việt Nam.
Trao đổi cùng Thể thao & Văn hóa, ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch VFF, phấn khởi: "Để động viên các CLB bóng đá Việt Nam, năm nay VFF đã treo thưởng 300 triệu đồng cho một trận thắng ở AFC Champions League và 200 triệu đồng ở AFC Cup. CLB Hải Phòng đã nhận được 400 triệu đồng tiền thưởng cho 2 trận thắng ở AFC Cup. CLB Hà Nội với chiến thắng trước Vũ Hán Tam Trấn cũng được nhận thưởng 300 triệu đồng từ VFF. Ngoài ra, càng vào sâu thì AFC càng thưởng tiền rất lớn cho mỗi đội bóng. Qua đây, tôi muốn chuyển thông điệp với các CLB chúng ta rằng: ngoài quyền lợi vật chất, hãy tham gia AFC Champions League và AFC Cup với lòng tự tôn nền bóng đá Việt Nam. Đã đến lúc các CLB cần tiến ra biển lớn, thay vì xem 2 giải đấu này như gánh nặng. Chỉ như thế bóng đá Việt Nam mới lớn mạnh được. Thành tích của các CLB tại đấu trường châu lục cũng là bộ mặt, danh dự, niềm tự hào bóng đá Việt Nam".
Đúng như Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ, các CLB bóng đá trong nước lâu nay ít khi coi trọng các giải châu Á. Thậm chí, trong suốt thời gian dài, việc được tham dự các giải châu Á còn như là gánh nặng về kinh phí với các CLB Việt Nam.
Đừng để các giải đấu châu lục là "gánh nặng"
Kinh phí các CLB rất eo hẹp, khoảng cách trình độ với CLB châu Á lại quá lớn là những rào cản mà các đội bóng Việt Nam lâu nay khó vượt qua. Trong khi đó, áp lực thành tích ở giải quốc nội như V-League và hạng Nhất rất nặng nề. Thế nên, các HLV lẫn cầu thủ đều chọn giải pháp đá hời hợt ở đấu trường châu lục. Đã nhiều năm, các đội bóng ra đấu trường châu lục thi đấu kiểu "xong sớm về sớm" chứ không muốn "ôm rơm nặng bụng". Nhìn chung, 23 năm giải chuyên nghiệp ra đời với nhiều lần được tham dự các Cúp châu Á nhưng các CLB Việt Nam vẫn không thể tạo được bất ngờ lớn ở 2 giải đấu đỉnh cao châu Á. Nhiều CLB chấp nhận bị phạt để không tham gia giải đấu. Nhiều đội góp mặt cho có, dẫn đến thi đấu bạc nhược làm mất thể diện nền bóng đá.
Không phủ nhận bóng đá Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cấp độ ĐTQG, U23 quốc gia cùng các tuyển trẻ trong thời gian gần đây. Tất cả đã giúp vị thế bóng đá nước nhà tăng lên đáng kể cũng như vị trí trên bảng xếp hạng FIFA được cải thiện. Tuy nhiên, giải chuyên nghiệp vẫn xếp thứ 19 châu Á. Các CLB V-League vẫn quá "nhỏ bé" khi tham dự AFC Champions League và AFC Cup. Đó là những vấn đề mà bóng đá Việt Nam cần lưu tâm giải quyết trong thời gian sắp tới.
Chúng ta thấy rằng, trước mỗi mùa giải chuyên nghiệp, VFF, VPF vẫn thường "du di" để các CLB được tham gia dù rằng còn thiếu các tiêu chí chuyên nghiệp. Điều đó nói lên một thực trạng: dù 23 mùa phát triển bóng đá chuyên nghiệp nhưng nhiều CLB vẫn không chú trọng xây phần móng vững chắc.
Để đạt chuẩn VFF đã khó, được AFC công nhận càng đòi hỏi cao hơn. Thế mới có chuyện Quảng Nam, sau khi vô địch V-League 2017 đã không đủ tiêu chuẩn cấp phép chuyên nghiệp nên nhường suất dự vòng sơ loại AFC Champions League 2018 cho Thanh Hóa. Ngay cả đội bóng mạnh như Hà Nội, từng vào đến chung kết liên khu vực AFC Cup 2019 và vô địch V-League 2019, vậy mà đã mất suất dự sân chơi AFC Champions League vì không được cấp phép chuyên nghiệp. Lý do, vì Hà Nội không cử đại diện tham gia giải U15 QG.
Và khát khao "vươn ra biển lớn" của các CLB Việt Nam
Đã 23 mùa giải chuyên nghiệp nhưng nếu soi kỹ càng, phân tích cặn kẽ các tiêu chí đòi hỏi của một CLB bóng đá chuyên nghiệp, sợ rằng chỉ đếm trên đầu ngón tay CLB đạt chuẩn. Cụ thể, điều kiện sân bãi, cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu còn quá hạn chế. Tình hình tài chính phập phù, phụ thuộc vào nhà tài trợ. Một số CLB không có đủ các tuyến U như yêu cầu. Một nền bóng đá chuyên nghiệp cần có các CLB thực sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, xét các tiêu chuẩn, quá ít CLB sống được bằng thực lực. Đấy cũng là những vấn đề cần được bóng đá Việt Nam nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện một cách bền vững trong tương lai.
Để ý sẽ thấy, thời gian gần đây, cùng với quá trình phát triển các cấp độ ĐTQG, U23, đã có một vài CLB trong nước quan tâm, đầu tư cho khát khao "vươn ra biển lớn" khi được dự AFC Champions League và AFC Cup. Cũng đã có một số đội rất quyết tâm chinh phục giới hạn, như HAGL, B.Bình Dương trước đây, Hà Nội, Viettel, Hải Phòng bây giờ.
Cho dù kết quả lúc này chưa đáp ứng kỳ vọng nhưng nếu nhìn vào sự chuẩn bị của CLB Hà Nội cho AFC Champions League 2023 mới thấy những khát khao của họ. Có thể nói, chưa khi nào một đại diện Việt Nam tham dự đấu trường châu lục lại chuẩn bị kỹ càng như đội chủ sân Hàng Đẫy. Ngay khi kết thúc mùa giải 2023, lãnh đạo Hà Nội FC đã vạch ra kế hoạch chi tiết hướng tới đấu trường danh giá nhất châu lục cấp CLB với ý chí và khát khao mãnh liệt. Điều đó đã được thể hiện bằng việc Hà Nội FC chiêu mộ đủ ngoại binh theo quy chế của AFC để chinh chiến tại AFC Champions League. Hà Nội FC cũng là đội bóng đầu tiên tại Việt Nam có hẳn một kế hoạch truyền thông, quảng bá, cổ vũ bài bản khi dự sân chơi châu lục.
Tuy nhiên, nếu tạo tiếng vang thật sự ở giải đấu châu lục, muốn bắt kịp các CLB của Thái Lan, Singapore, Malaysia, các CLB Việt Nam phải đầu tư thường xuyên, liên tục, quyết liệt hơn nữa. Nói đâu xa, mùa giải năm ngoái thôi, lần đầu tiên trong lịch sử đã có 2 CLB của Đông Nam Á giành quyền vào vòng 1/8 giải AFC Champions League, đó là BG Pathum United (Thái Lan) và Johor Darul Ta'zim (Malaysia) đều với tư cách đầu bảng. Trong bối cảnh bóng đá Thái Lan hay Malaysia đều ít nhiều gây tiếng vang ở AFC Champions League hay AFC Cup, các CLB Việt Nam cần cho thấy tham vọng đích thực của mình.
Nhà vô địch AFC Champions League 2024/2025 sẽ được thưởng tổng cộng 12 triệu USD, đấy là con số kỷ lục. Ngay cả đội thua cuộc trong trận chung kết cũng sẽ nhận được 6 triệu USD. Không biết đến bao giờ các CLB chúng ta mới chạm tay được vào số tiền thưởng "khủng" ở đấu trường châu Á.
Nền tảng của mỗi nền bóng đá, của các ĐTQG nằm ở cả CLB. Do đó, lộ trình phát triển dài hạn của các đội bóng (trong đó có cả tham vọng ở AFC Champions League) là yếu tố quan trọng để thúc đẩy bóng đá Việt Nam tiến bộ. Bao giờ các CLB bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở đấu trường châu lục, đấy cũng là câu hỏi lớn mà những người có trách nhiệm với nền bóng đá cần phải giải mã.
Tags