(Thethaovanhoa.vn) - Dường như khái niệm “thời gian trong Tết Congo” và cụm từ “Bằng chứng đâu” trong tiêu cực bóng đá cũng mông lung và xa xăm như nhau.
- Đua vô địch V.League: Cẩn thận với S.Khánh Hòa
- Lịch TRỰC TIẾP vòng 22 Toyota V.League 2017
- V.League: Vạ miệng chưa hẳn đã 'chết'!
Số là ở vòng 22 V-League cuối tuần qua, trong trận Than Quảng Ninh - FLC Thanh Hóa, ngoài những sai lầm ngớ ngẩn của hàng thủ của đội bóng xứ Thanh thì bàn thua gây nghi ngờ nhất chính là khi thủ môn Thanh Thắng chuyền bóng ngay vào chân tiền đạo Dyachenko của Than Quảng Ninh và không khó khăn gì cho tiền đạo ngoại này ghi bàn bằng cú bấm bóng qua đầu.
Bàn thua này có nhiều người ví Thanh Thắng như một “Lã Xuân Thắng phiên bản 2.0”. So sánh như vậy xem ra khập khiễng bởi khi đó Lã Xuân Thắng đã tự sút vào cầu môn của thủ môn Đỗ Thành Tôn trong trận cầu giữa CAHN gặp An Giang mùa bóng 1997, ở phút 90 của trận đấu này. Và câu nói “nổi tiếng” nhất chính là: “Tôi làm tôi chịu, nhưng tôi làm có phải chỉ vì mình tôi đâu” (!?).
Thua trận này, cơ hội giành chức vô địch lần đầu tiên với đội bóng xứ Thanh cũng diệu vợi hơn khiến Ban lãnh đạo CLB đã tổ chức họp khẩn với BHL đội bóng về những sai lầm dẫn đến thất bại trong trận đấu này để làm sáng tỏ sự việc. Ngoài kết luận về mặt chuyên môn, CLB sẽ mời các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ những sai phạm của cá nhân liên quan đến trận thua bất thường này.
“Một mất, mười ngờ”, lẽ thường là như vậy nhưng tìm bằng chứng để kết luận một cầu thủ có bán độ hay không lại là chuyện khó, nếu không nói là cực khó. Bóng đá ở ta có cấp cao nhất là Liên đoàn bóng đá, kế đến là VPF và cấp CLB quản lý cầu thủ. VFF có một Ban kỷ luật hẳn hoi cơ mà. Về mặt lý thuyết là như vậy nhưng quản lý “phần hồn” của cầu thủ là một việc không dễ. Dù cầu thủ FLC Thanh Hóa có thể nhận được nhiều ưu đãi từ một ông bầu “bạo vì tiền” như bầu Quyết, có một “thuyền trưởng” tài năng như ông Petrovic - từng vô địch Cúp C1 với Sao đỏ Beograd, nhưng theo người viết, có cảm giác là đội bóng xứ Thanh năm nay khó có khả năng vô địch, dù vị trí hiện tại của FLC Thanh Hóa chỉ kém đội đứng đầu bảng chỉ vỏn vẹn… 1 điểm.
Quay trở lại chuyện tìm bằng chứng cá độ và bán độ của một số tuyển thủ quốc gia Việt Nam tại SEA Games 23 (tại Bacolod, Philippines), mấu chốt chính là những cuộc điện thoại xuyên quốc gia giữa tuyển thủ Lê Quốc Vượng và cựu tuyển thủ Trương Tấn Hải, kẻ môi giới dàn xếp tỷ số trận đấu này. Một yếu tố quan trọng nữa là sự trong sáng của tuyển thủ Phan Văn Tài Em khi anh đã báo cáo với BHL đội bóng về vụ việc này. Và một “tấm lưới” của ngành công an được giăng ra… Có thể nói tìm bằng chứng cá độ, hay còn gọi là “dàn xếp tỷ số” là một việc hoàn toàn nằm ngoài khả năng của các cấp quản lý bóng đá như cách làm hiện nay, ngoại trừ khi cơ quan an ninh vào cuộc.
Dư luận phản ánh, phản ứng nghi ngờ của cổ động viên xem ra chỉ là những yếu tố có tính tham khảo. “Cổ động viên nhắn tin mạt sát, nghi ngờ tôi bán độ, nhưng tôi sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra”, thủ môn Nguyễn Thành Thắng cho biết.
Có lẽ chỉ khi nào có kết luận của cơ quan công an về vụ việc này thì sự thật mới rõ ràng. Hy vọng vụ việc này chỉ là “một tai nạn nghề nghiệp”.
Đỗ Hải Âu
Tags