Từ trước đến nay, người hâm mộ làng túc cầu giáo luôn đồng quan điểm công nhận rằng Premier League chính là giải đấu bóng đá đỉnh cao bậc nhất thế giới.
Nhưng, sau một mùa giải bết bát với quá nhiều những lùm xùm xoay quanh VAR, trọng tài và các vấn đề bên ngoài sân cỏ, cùng với việc "Big 6" mà người Anh luôn tự hào đã bị loại gần hết khỏi đấu trường Châu Âu, liệu giải đấu mang tên Ngoại hạng Anh có còn giữ được vị thế đáng tự hào vốn có, hay chỉ còn là một mộng tưởng đầy viển vông?
"Big 6" đáng tự hào đã bị quét sạch tại đấu trường châu lục
Sau Arsenal và Manchester City, tới lượt Liverpool cũng đã "ngã ngựa" khỏi đấu trường Europa League sau khi để thua Atalanta 3-1 sau 2 lượt trận. Ngay sau khi Lữ đoàn đỏ bị loại, 1 đại diện khác của NHA là West Ham cũng đã phải dừng bước trước "cỗ xe tăng Leverkusen" – đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Xabi Alonso đang chơi quá thăng hoa ở mùa giải này.
Với thất bại của The Kop và West Ham, những đại diện mạnh nhất của xứ sở sương mù đều đã phải dừng bước tại đấu trường châu Âu một cách đầy tiếc nuối. Đây là lần đầu tiên sau 8 năm, bóng đá Anh không còn bất cứ ứng viên nào tại bán kết cúp Châu Âu, không ngoa khi nói rằng đây là một mùa giải thất bại toàn tập của bóng đá xứ sở sương mù. Hiện tại, chỉ có Aston Villa là đội duy nhất còn sót lại của NHA có mặt ở vòng bán kết đấu trường Europa Conference League.
Vậy, đâu là lý do khiến những đội bóng bạc tỷ của xứ sở Anh Quốc lần lượt thất bại đầy cay đắng ở đấu trường cúp Châu Âu? Trước tiên, cần phải khẳng định chính sự khắc nghiệt đến mức đáng sợ của giải Ngoại hạng Anh đã khiến các đại diện hàng đầu của họ bị đuối sức khi ra biển lớn. Lịch thi đấu dày đặc, những cuộc đấu trí đầy căng thẳng hay những trận cầu Super Sunday nảy lửa suốt nhiều tháng liên tục đã khiến các đại gia thuộc nhóm Big 6 hao tổn quá nhiều lực lượng, từ đó không còn thể trạng tốt nhất để tham chiến những trận cầu tại đấu trường châu Âu vào giữa tuần.
Hãy nhìn vào 3 đại diện mạnh nhất của nước Anh làm minh chứng. Đầu tiên là Arsenal, mặc dù có trận hòa 2-2 không đến nỗi tệ trước Bayern Munich tại sân Emirates, nhưng trong chuyến làm khách tới nước Đức, đoàn quân của HLV Arteta đã không còn là chính mình trong hiệp 2 và thi đấu như những người mất hồn, để rồi tự tay đánh mất tấm vé vào vòng trong trước hùm xám xứ Bavaria.
Cả Liverpool cũng vậy, trận thua bạc nhược 3-0 trước Atalanta ở lượt đi và thể trạng xuống sức trông thấy của các cầu thủ khiến những CĐV lạc quan nhất của The Kop cũng khó có thể mơ về một màn lội ngược dòng ở trận lượt về.
Cuối cùng là nửa xanh thành Manchester, dù sở hữu đội hình được đánh giá là hoàn hảo bậc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, nhưng các học trò của HLV Pep Guardiola cũng không phải là "những cỗ máy" để có thể cày ải ở mọi mặt trận với phong độ cao nhất. Việc Pep phải thay hàng loạt các trụ ra khỏi sân trước hiệp phụ cuộc đấu súng với Real Madrid là minh chứng rõ ràng nhất cho điều ấy.
Tiếp theo là về vấn đề chiến thuật, có vẻ như xu hướng phong cách kiểm soát bóng toàn diện và pressing tầm cao của Premier League đang ngày càng bị các đối thủ ở châu Âu bắt bài. Cả Manchester City và Arsenal đều đã có những thông số kiểm soát bóng vượt trội hoàn toàn trước Real Madrid và Bayern, nhưng kiểm soát bóng tốt để làm gì khi không thể đem lại chiến thắng?
Với lối đá phòng ngự chặt chẽ và phản công thần tốc, cả Los Blancos và hùm xám xứ Bavaria đều đã giải quyết được 2 bài toán khó mang tên the Citizens và the Gunners. Không thể phủ nhận Man City đã có một trận đấu rất hay trong trận tứ kết lượt về Champions League, nhưng họ lại không thể khoan thủng được khu vực Low Block của Real, mặc dù có lợi thế sân nhà của họ vẫn không đủ bản lĩnh để chiến thắng trong loại penalty cân não.
45 phút đầu tại sân Allianz Arena đối với Arsenal cũng diễn ra tương tự, Pháo Thủ cũng đã hoàn thành xuất sắc với việc kiểm soát hoàn toàn nhịp độ trận đấu và cho thấy sự gắn kết đáng nể giữa các tuyến, nhưng tất cả những gì họ nhận lại sau 90 phút là thất bại đầy cay đắng trước gã khổng lồ đến từ nước Đức.
Với những màn trình vô cùng thuyết phục tại đấu trường châu Âu, gần như đảm bảo Serie A đã có một suất bổ sung ở Champions League mùa tới. Bóng đá Anh và bóng đá Đức đang cạnh tranh vô cùng quyết liệt cho tấm vé còn lại. Tuy nhiên, với thất bại liên tiếp trên mọi mặt trận, cuộc đua giành tấm vé thứ 5 dự Champions League của Ngoại hạng Anh đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trước khi các trận tứ kết cúp Châu Âu diễn ra, Bundesliga giữ một ưu thế nhỏ hơn so với Premier League trong BXH hệ số. Tuy nhiên, chiến thắng của Bayern Munich trước Arsenal đã mở rộng thêm ưu thế đáng kể dành cho các đội bóng đến từ nước Đức, mở rộng cơ hội cho các đại diện Bundesliga tiến vào đấu trường châu Âu.
Đây là một thực trạng đáng báo động dành cho các đội bóng tại Premier League khi họ đang ngày một đánh mất vị thế của mình tại đấu trường châu Âu.
Premier League – một giải đấu tràn ngập sự "hỗn loạn" từ trong tới ngoài sân cỏ
Ngoại hạng Anh của năm 2024 được hiện lên như một giải đấu hỗn loạn, yếu kém trong khâu tổ chức và nghèo nàn về mặt chuyên môn. Thậm chí, người hâm mộ các đội bóng đã nhiều lần lên MXH chỉ trích tầng lớp lãnh đạo tại EPL đang biến giải đấu thành một công cụ chỉ để kiếm càng nhiều tiền càng tốt.
Từ mùa giải tới, Liên đoàn bóng đá Anh (FA) gần như sẽ hủy toàn bộ các trận đá lại, vốn là đặc sản của FA Cup. Quyết định này đang để lại nhiều tranh cãi từ các câu lạc bộ thành viên.
Đối với các đội bóng tại Premier League, việc kiếm được một khoản lớn từ FA Cup là điều rất khó bởi cơ cấu tiền thưởng của FA Cup không cao. Tuy nhiên, với các đội bóng nhỏ, FA Cup là một cứu cánh về tài chính rất quan trọng. Với các trận đấu ở vòng thứ 3 và 4, tiền thưởng cho mỗi trận thắng sẽ là 40.000 và 50.000 bảng, đây là một con số rất lớn so với các đội bóng đang chơi tại giải hạng thấp ở nước Anh.
Việc hủy bỏ các trận tái đấu trong khuôn khổ cúp FA của liên đoàn bóng đá Anh đã tạo nên 1 làn sóng chỉ trích dữ dội hướng về các ông chủ bóng đá xứ sở sương mù. Người hâm mộ tại Anh Quốc đang phản đối kịch liệt khi cho rằng các ông chủ sở hữu thực chất chỉ nhìn vào những lợi nhuận về tài chính trước mắt và coi thường lòng trung thành của những người hâm mộ đã ủng hộ giải đấu trong suốt nhiều thập kỷ.
Ngoài ra, mùa giải này tiếp tục chứng kiến sự "hám tiền" đến từ giải đấu hàng đầu nước Anh, khi có đến 17 đội đồng loạt tăng giá vé vào sân, thậm chí nhiều đội tăng từ 10 - 20% giá vé so với mùa trước. Điều này khiến người hâm mộ ngày càng trở nên thất vọng khi họ đang ngày một quan ngại về vấn đề tài chính trong việc đi xem bóng đá vào mỗi cuối tuần.
Đồng thời, những tranh cãi về nghi án hối lộ trọng tài và sử dụng VAR cũng đang là vấn đề được cho là hết sức nhạy cảm. Tiêu biểu như trận đấu giữa Nottingham Forrest và Everton cuối tuần vừa qua, BLĐ của Nottingham đã quyết định kiện lên Cơ quan quản lý trọng tài (PGMOL) sau khi trọng tài Anthony Taylor "cướp trắng" 3 quả phạt đền mà đáng ra họ đã được hưởng.
Ngoại hạng Anh là một giải đấu được điều hành như một hệ thống độc lập và không hề có một lãnh đạo cụ thể, đó vốn là điều mà giới thượng tầng của bóng đá xứ sở sương mù luôn tự hào vào cho rằng đó là điều khác biệt so với các quốc gia khác. Nhưng từ những lùm xùm và bê bối xuyên suốt mùa giải này mà Premier League đã mang lại, ta có thể thấy chính cách điều hành này đang trở thành vấn đề cốt lõi của giải đấu bóng đá số 1 hành tinh.
Nếu không có phương án cải thiện những sai lầm trong hệ thống, Premier League hoàn toàn có thể đứng trước nguy cơ trở thành giải đấu "hữu danh vô thực" trong tương lai.
Tags