Câu chuyện cô giáo cắt tóc học sinh giữa lớp gây ra nhiều ồn ào, đồng thời nó cũng trở thành bài học để giáo viên khác rút kinh nghiệm.
Vụ việc một nữ sinh lớp 10 tại Vĩnh Phúc bị cô giáo cầm kéo cắt tóc ngay giữa lớp đã gây ra nhiều tranh cãi hai ngày gần đây. Đến sáng 23/3, trường THPT Đội Cấn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) - nơi xảy ra sự việc đã tổ chức một cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa đôi bên dưới sự chứng kiến của BGH nhà trường cũng như phụ huynh nữ sinh. Hai bên đều nhìn nhận ra những phần sai của mình, cô trò đã ôm nhau giảng hòa coi như kết thúc sự việc.
Dẫu vậy, xung quanh câu chuyện vẫn có nhiều vấn đề được bàn luận và các bài học được rút ra. Hành động của cô giáo là sai nhưng việc học trò nhuộm tóc bất chấp quy định cũng không đúng. Trong trường hợp này, giáo viên nên có cách hành xử đúng mực, không vì cảm xúc của bản thân mà bộc phát ra thành hành động. Còn học sinh nên tuân thủ quy định của nhà trường, dẫu biết rằng việc nhuộm tóc không thể đánh giá một con người nhưng trong một môi trường sư phạm, chúng ta phải tuân theo những mô phạm.
Những cách cư xử tinh tế hơn mà cô giáo có thể áp dụng
Có quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Chuyên gia tâm lí, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, bản thân Tiến sĩ cũng từng có ý định cho người con đang học cấp 3 của mình làm tóc xoăn nhẹ. Nhưng khi cô ngỏ ý thì con đã từ chối vì lo rằng việc làm tóc xoăn sẽ vi phạm quy định của nhà trường. Trong trường hợp này, cô đã trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp, hai bên đều vui vẻ cho con được phép làm như vậy với điều kiện là "đến trường phải cột tóc lên". Dẫu vậy, đến cuối cùng con gái của cô vẫn lựa chọn không không làm tóc.
Quay trở lại vấn đề chính, TS Hương nhận định cô giáo trong đoạn clip đang không thấu hiểu học trò cũng như không kiểm soát được cảm xúc và hành vi của bản thân. Các em học sinh trong lứa tuổi THPT có đặc thù về tâm sinh lý riêng biệt. Vậy nên, giáo viên cần tìm hiểu kỹ về tâm sinh lý của lứa tuổi này, như thế mới có thể tìm ra phương pháp xử lý phù hợp.
Mặc khác, nhà trường cũng không có quy định rõ ràng về các chế tài xử lý vi phạm học sinh cụ thể. Vì không có công cụ để soi chiếu xử lý phù hợp trong các trường hợp vi phạm, nên cô giáo mới có những hành động bộc phát làm ảnh hưởng đến hình ảnh, danh dự, nhân phẩm của học trò đến như vậy. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với nhà trường để phát triển một bộ xử lý vi phạm "chuẩn" đề vừa phạt đúng lỗi vừa khiến học sinh an toàn về mặt tâm sinh lý, thân thể, hình ảnh, danh dự, nhân phẩm...
Ngoài ra, TS Vũ Thu Hương cũng đề xuất một số cách khác cư xử "khôn khéo" hơn mà cô giáo trong đoạn clip có thể áp dụng:
Ở cấp độ thứ nhất, việc nữ sinh nhuộm tóc không phải là vấn đề lớn đến mức phải cần đến hành động cắt tóc học sinh. Thay vào đó, cô giáo có thể nói chuyện và nhắc nhở nữ sinh về quy định Nhà trường cũng như lớp học.
Nếu tình hình không được thay đổi, cô có thể báo với gia đình để cùng phối hợp trong việc giáo dục con trẻ. Nếu gia đình không làm được thì có thể sử dụng biện pháp đình chỉ học - đây là điều hoàn toàn nằm trong quy định xử lý vi phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn nếu tình hình quá nghiêm trọng, cô hoàn toàn có thể báo cáo với ủy ban kỷ luật nhà trường để tìm ra biện pháp răn đe phù hợp nhất.
Còn cô Vũ Thị Tú Anh - nguyên giáo viên Ngữ văn trường THCS Mỹ Đình, hiện đang là giáo viên tại Mixed Art chia sẻ: "Cô giáo trong đoạn clip có phần không kìm chế được cảm xúc. Có thể là giáo viên chủ nhiệm khi nhắc nhở học sinh không được về việc thực hiện nề nếp nên lớp đã bị ảnh hưởng. Và video quay lại đã đẩy sự việc đi quá xa.
Tuy nhiên, cắt tóc là xâm phạm đến thân thể học sinh thì khó chấp nhận được. Nhìn qua video có thể thấy, học sinh này nhuộm cũng không quá sáng màu. Nếu là mình trong trường hợp này sẽ chọn cách cư xử tinh tế hơn, bàn giao cho phụ huynh học sinh xử lý cho bạn nhuộm lại. Ngay kể cả khi việc giáo viên hiện nay chịu rất nhiều áp lực từ mọi phía, thì cô giáo cũng không thể cư xử như vậy với học sinh được".
Có nên thông cảm cho hành động của cô giáo?
Để trả lời về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Phương, Nghệ An. Thầy khẳng định hành động của cô giáo là sai nhưng học trò cũng không đúng. Ở một góc độ nào đó, thầy Tuấn Anh rất cảm thông cho cô giáo này bởi không chỉ hàng ngày lên lớp giảng dạy, cô còn phải chịu vô vàn áp lực khác về thi đua, thành tích, khen thưởng.
Thật ra cô giáo đã nhắc nhở học sinh này nhiều lần nhưng vẫn không có sự thay đổi, vẫn tiếp tục tái diễn hành vi vi phạm của mình. Với vai trò là giáo viên, việc nhìn thấy học trò vi phạm chắc chắn sẽ không thoải mái gì. Bởi lẽ, có thể chỉ vì em học sinh đó mà làm ảnh hưởng đến sự cố gắng của cả một tập thể. Vậy nên, cô đã không kiểm soát được hành vi và cảm xúc của mình.
Phân tích kỹ hơn, đã là giáo viên thì không ai không muốn học sinh của mình tốt hơn mỗi ngày, nhưng mong muốn đó mà bộc phát ra thành hành động như vậy thì cũng không đúng. Còn nhìn ở khía cạnh của nữ sinh, việc nhuộm tóc không nói lên được bản chất của con người, không đánh giá được bạn tốt hay xấu nhưng đã là học sinh thì phải tuân thủ nội quy, quy định của nhà trường.
Tuy nhiên, thầy Tuấn Anh mong mỏi mọi người cũng nên rộng lượng với cô giáo trong đoạn clip, bởi dẫn đến hành động bộc phát như vậy chứng tỏ cô đã phải trải qua nhiều lần nhắc nhở những vẫn không đạt được mục đích răn đe. Gia đình học sinh cũng nên hiểu và chia sẻ, không vì thế mà làm trầm trọng vấn đề hơn, cùng hợp tác chặt chẽ với nhà trường để giáo dục con trẻ. Còn các cấp quản lý ở địa phương đừng vì áp lực truyền thông mà đưa ra những hình thức kỷ luật quá khắt khe với cô giáo.
Khi câu chuyện này nổ ra, điều quan trọng nhất là nó sẽ trở thành bài học để giáo viên khác rút kinh nghiệm. Trước hành vi vi phạm của học trò, nên kiên nhẫn và nhẹ nhàng để phân tích căn kẽ về những sai phạm của các em, từ đó sẽ tự nhận thức được lỗi lầm của bản thân. Thay vì nóng vội, hãy phối hợp với các bộ phận khác trong trường để tìm ra hướng giải quyết, chớ hành động sai với quy định, mà đã sai thì phải xử lý.
Ngay kể cả tại trường THCS Quỳnh Phương - nơi thầy Tuấn Anh công tác, cũng xảy ra hiện tượng này. Với tư cách là Hiệu trường, thầy thường xuyên làm công tác tư tưởng cho học sinh để các em tự hiểu được lỗi sai của bản thân.
Tags