Super League đã gây chấn động thế giới bóng đá trong những ngày qua bởi những lo ngại cho rằng nó sẽ đe dọa sự toàn vẹn của bóng đá. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy đây không phải lần đầu tiên bóng đá đứng trước những quyết định làm thay đổi môn thể thao này, theo hướng tốt hơn hay tệ hơn tùy vào cách nhìn nhận.
Dưới đây là 5 khoảnh khắc đã thay đổi bóng đá mãi mãi:
Trả lương cho cầu thủ
Ngày nay, chúng ta đã quen với việc các ngôi sao bóng đá nhận mức lương khổng lồ từ các CLB giàu có. Tuy nhiên, trở lại giai đoạn sơ khai của bóng đá Anh, cụ thể là vào năm 1884, lương cho cầu thủ là vấn đề gây tranh cãi lớn.
Câu lạc bộ Preston North End vào thời điểm đó đã bị loại khỏi FA Cup vì… trả lương cho cầu thủ, một điều rất bình thường ở phía Bắc nước Anh nhưng lại không được biết đến ở miền Nam khi các trận đấu bóng ở đây còn mang tính nghiệp dư.
Một năm sau, FA cho biết vì lợi ích của bóng đá đã quyết định hợp pháp hóa việc trả lương cho cầu thủ, song có những hạn chế nhất định. Các cầu thủ chỉ có thể được trả lương bởi CLB mà họ đã chơi nếu họ sinh ra hoặc đã sống được 2 năm trong bán kính 6 dặm từ sân vận động của đội.
Trong cùng năm, Blackburn Rovers đăng ký trở thành CLB chuyên nghiệp, và họ đã chi 615 bảng trả tiền lương cho cầu thủ mùa giải 1885-86. Những cầu thủ nhận lương cao nhất trong đội là James Forrest và Joseph Lofthouse với mức 1 bảng/tuần.
Ngoại hạng Anh ra đời
Tháng 10/1990, Gred Dyke- Giám đốc điều hành của Đài truyền hình cuối tuần London (LWT), đã gặp gỡ đại diện của 5 CLB hàng đầu ở Anh (MU, Liverpool, Tottenham, Everton và Arsenal), để bàn về kế hoạch ly khai khỏi Football League để thành lập một giải đấu riêng hấp dẫn hơn, cho phép các CLB độc lập về thương mại và nhận nhiều tiền hơn từ bản quyền phát sóng truyền hình. Lập luận đưa ra vào thời điểm đó là thu nhập cao sẽ cho phép các CLB Anh cạnh tranh với các đội bóng trên khắp châu Âu.
Tuy nhiên, giải đấu sẽ không có uy tín nếu không có sự ủng hộ của Hiệp hội bóng đá, vì vậy David Dein của Arsenal đã tổ chức các cuộc đàm phán với FA. Phải mất 7 tháng đàm phán để FA chấp nhận một cuộc họp với các CLB ly khai vào ngày 8/5/1991. Đến ngày 13/6/1991, 22 CLB ký thỏa thuận thành viên sáng lập, Premier League chính thức ra đời.
Sự thay đổi của các cúp châu Âu
Khán giả trẻ tuổi giờ quen thuộc với 2 giải đấu hàng đầu cấp châu lục là Champions League và Europa League. Để hình thành nên 2 giải đấu này, bóng đá đã trải qua những giai đoạn đổi thay, hủy bỏ hoặc sáp nhập nhiều giải đấu trước đó.
European Cup là giải chỉ dành riêng cho những nhà vô địch quốc gia trên khắp châu Âu. Năm 1992, Cúp C1 (European Champion Clubs' Cup) ra đời thay thế cho European Cup truyền thống. Cho tới năm 1996-1997 thì giải Champions League chính thức được thành lập và tồn tại cho đến ngày nay.
Inter-Cities Fairs Cup được thành lập vào năm 1955. Năm 1971, Inter-Cities Fairs Cup chính thức thay đổi tên gọi giải đấu thành UEFA Cup. Năm 2009, UEFA Cup được đổi tên thành UEFA Europa League.
UEFA Cup Winners’ Cup được tổ chức vào mùa giải 1960–61 , nhưng tới tháng 10/1963 mới được cơ quan quản lý bóng đá châu Âu chấp thuận. Giải diễn ra trong 39 mùa. Năm 1999, UEFA Cup Winners’ Cup đã bị bãi bỏ và hợp nhất với UEFA Cup.
Luật Bosman
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1990 khi cầu thủ bóng đá người Bỉ Jean-Marc Bosman muốn chuyển từ RS Liege sang Dunkerque, khi hợp đồng hết hạn. Nhưng Liege không để Bosman ra đi và loại tiền vệ này khỏi đội hình thi đấu. Bosman đã kiện Liege lên Tòa án Công lý châu Âu.
Năm 1995, Tòa án tư pháp châu Âu phán quyết Bosman thắng kiện. Đạo luật Bosman ra đời từ đó, cho phép các cầu thủ tự do sau khi hết hạn hợp đồng mà không cần lo lắng về các ràng buộc nào.
VAR
VAR là sự thay đổi gây tranh cãi gần đây nhất của bóng đá thế giới. VAR được FIFA chính thức giới thiệu tại World Cup 2018, với mục tiêu nhằm giảm thiểu những sai sót trong công tác trọng tài có thể ảnh hưởng tới kết quả trận đấu. VAR được kỳ vọng sẽ hỗ trợ “Vua áo đen” đưa ra các quyết định có hoặc không có bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ trực tiếp hoặc nhận diện sai lầm trong việc rút thẻ phạt. Tuy nhiên, sau 3 năm áp dụng, VAR nhiều lần gây tranh cãi.
Khánh Đan (tổng hợp)
Tags