Năm thứ 2 liên tiếp, cầu thủ xuất sắc nhất V-League trở thành chủ nhân Quả bóng Vàng Việt Nam. Năm ngoái là Văn Quyết, năm nay là Hoàng Đức.
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu họ cũng mang phong độ tương tự lên đội tuyển Việt Nam hay các giải quốc tế khác. Vấn đề là Hoàng Đức hay Văn Quyết đều chỉ trội hơn ở các giải quốc nội. So với đối thủ trực tiếp là Phạm Tuấn Hải (2023) và Nguyễn Tiến Linh (2022), thành tích của Hoàng Đức hay VănQuyết tại cấp đội tuyển đều kém xa.
Mùa 2022, Văn Quyết được dự AFF Cup và ra sân trong một số trận giao hữu khác. Dù vậy, ấn tượng về anh ở đội tuyển vẫn chẳng hơn gì AFF Cup 2018. Chiều ngược lại, đàn em Tiến Linh giành danh hiệu đồng Vua phá lưới AFF Cup với 6 bàn, ghi bàn ở vòng loại World Cup. Tại V-League mà VănQuyết đã là một biểu tượng truyền kỳ, TiếnLinh mùa đó cũng ghi nhiều bàn hơn (9 so với 6).
Mùa 2023 cũng tương tự, Hoàng Đức không được HLV Philippe Troussier trọng dụng tại đội tuyển còn đội chủ quản Thể Công Viettel của anh vắng mặt ở AFC Champions League. Cả 2 sân chơi ấy, Tuấn Hải đều tỏa sáng rực rỡ.
Điểm chung giữa Văn Quyết và Hoàng Đức là họ đều giành giải Cầu thủ hay nhất mùa chuyên nghiệp rồi có Quả bóng Vàng. Điều đó cho thấy với cuộc bầu chọn danh hiệu Quả bóng Vàng, có khi thành tích tại V-League quan trọng hơn chúng ta vẫn tưởng. Nguyên tắc này trở nên rõ ràng hơn nếu nhìn vào thành phần bầu chọn Quả bóng Vàng Việt Nam: HLV, đội trưởng các đội tuyển quốc gia, CLB chuyên nghiệp và giới báo chí.
So với các đội tuyển quốc gia, số lượng CLB chuyên nghiệp đương nhiên lớn hơn nhiều.Quyền lực của V-League nói riêng và các CLB bóng đá nội (gồm cả bóng đá nữ, futsal) vì thế lớn hơn nhiều trong cuộc đua Quả bóng Vàng. Đó có lẽ là lý do Hoàng Đức thắng giải năm nay và Văn Quyết thắng giải năm ngoái.
Với riêng năm nay, chiến thắng của Hoàng Đức còn cho thấy khác biệt rất lớn về cách nhìn nhận giữa đội tuyển quốc gia và phần còn lại của nền bóng đá. Trong khi không được trọng dụng bởi HLV Philippe Troussier, Hoàng Đức lại được đánh giá cao nhất bởi giới chuyên môn bao bồm cả HLV lẫn đội trưởng các CLB V-League.
Đó không chỉ là một lựa chọn khác biệt, nó còn phản ánh triết lý bóng đá và cách đánh giá con người hoàn toàn khác nhau giữa đội tuyển Việt Nam và V-League.
Khác biệt ấy đã hiển hiện trong những tháng qua, hiển hiện qua nhiều trường hợp cầu thủ khác chứ không nằm riêng ở Hoàng Đức. Khác biệt ấy đã khiến HLV Troussier nhận vô số chỉ trích và trong tương lai dài hạn không thể là điều tốt cho đội tuyển Việt Nam.
Người ta vẫn bảo đội tuyển quốc gia chính là tấm gương phản chiếu của giải vô địch quốc gia, hay nói cách khác, những gì tinh túy nhất ở giải vô địch quốc gia cần được đưa lên đội tuyển quốc gia.
Thế nên, khi giữa đội tuyển quốc gia và giải vô địch quốc gia lại có khoảng vênh rõ rệt về cách nhìn nhận, sử dụng và đánh giá cầu thủ thì rõ ràng tất cả chúng ta cần phải xem lại, mà ở đây chắc chắn phải bao gồm cả HLV Troussier.
Tags