(Thethaovanhoa.vn) - Tối ngày 13/4, tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội) đã khai mạc triển lãm bộ sưu tập 100 tác phẩm thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Đây là bộ thư pháp độc đáo do thiền sư thực hiện bằng nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Việt), lần đầu tiên được triển lãm tại Việt Nam mang tên "Hương thơm quê mẹ" nhằm mang đến công chúng thông điệp hướng về đất mẹ - quê hương Việt Nam, đồng thời tâm tình với địa cầu đã dưỡng nuôi và chở che con người.
Khi bước chân vào triển lãm sách và thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh, người xem có một cảm giác rất khác lạ so với các triển lãm nghệ thuật khác. Cái khác ở đây là thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh đơn giản trong cách thể hiện, nhưng đằng sau sự đơn giản của màu mực, nét bút ấy là những giá trị rất đáng trân quý.
Sư thầy Thích Chân Pháp Nguyện - người đã có thời gian dài làm thị giả của thiền sư Thích Nhất Hạnh cho biết: "Thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh rất giản dị, ngôn ngữ đơn giản, phần nhiều những câu trong thư pháp của thiền sư khi đọc vào hiểu ngay. Ví dụ như Lắng nghe để hiểu, Nhìn kỹ để thương..., không có gì là khó hiểu, nhưng với sự thực tập thì lắng nghe như thế nào để có thể hiểu được thì phải có nhiều phương pháp. Cụ thể là phải lắng nghe sâu, lắng nghe với tâm từ bi. Muốn lắng nghe sâu thì tâm của mình phải hoàn toàn có mặt với thân của mình lúc đó và mình phải biết bám vào hơi thở của chính mình và mình thở trong khi mình nghe. Đó là phương pháp thực tập rất cụ thể, rõ ràng, cho dù những nét chữ và câu rất đơn giản và dễ hiểu".
Trả lời câu hỏi: "Khi thực hiện những bức thư pháp, thiền sư cũng đồng thời thực hành thiền định như thế nào, sư thầy Thích Chân Pháp Nguyện cho hay: "Đối với thiền sư Thích Nhất Hạnh, viết thư pháp là một cách thực tập chánh niệm đưa tâm trở về với thân, do đó thiền sư viết một cách nhẹ nhàng, thong dong, là một cách giúp cho thiền sư thư giãn. Và, tất cả thư pháp của Thiền sư mang một thông điệp giúp mình trở về để thực tập chánh niệm, có mặt bây giờ và ở đây".
Sư thầy Thích Chân Pháp Nguyện cũng cho hay, lý do thiền sư Thích Nhất Hạnh thích viết thư pháp bằng tiếng Việt là bởi thiền sư muốn nhắn nhủ tới mọi người một thông điệp: Người Việt thì nói tiếng Việt, đọc tiếng Việt, tự hào về tiếng Việt và hãy luôn yêu tiếng Việt!
Nghệ thuật thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh từng được giới nghiên cứu mỹ thuật và thiền học trên thế giới quan tâm đặc biệt. Các tác phẩm thư pháp thiền trong triển lãm lần này từng gây tiếng vang lớn tại các cuộc trưng bày trước đây tại Pháp, Đức, Canada, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kông, thu hút sự quan tâm đông đảo của những người mộ điệu và giới truyền thông quốc tế.
Viện trưởng Viện Phật học ứng dụng châu Á, thầy Thích Chân Pháp Khâm, nhận định những tác phẩm của thiền sư lan tỏa năng lượng của tuệ giác, chuyển tải được tinh thần văn hoá dân tộc và nếp sống tỉnh thức. Ở đó, nghệ thuật, văn hoá và nếp sống tỉnh thức hoà quyện với nhau một cách rất tuyệt vời.
Chính sức mạnh từ phương pháp thiền tập và tuệ giác đã làm cho nghệ thuật thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh trở nên đặc biệt và được nhiều người ái mộ, ngưỡng vọng trên khắp thế giới. Những bức thư pháp mang thông điệp: “Breathe, you are alive” (Thở, bạn đang còn sống), “The tears I shed yesterday have become rain” (Nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa), “Be beautiful, be yourself” (Ta có là ta thì ta mới đẹp), “I have arrived, I am home” (Con đã về, con đã tới)… của ông được nhiều người tâm đắc, thỉnh đặt trang trọng trong gia đình và cả nơi làm việc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những vị thầy có ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay. Ông là tác giả của hàng trăm cuốn sách, trong đó, rất nhiều cuốn được xếp hạng best-seller như: “An lạc từng bước chân,” “Phép lạ của sự tỉnh thức,” “Đường xưa mây trắng,” “Giận,”...
Phương pháp thực tập chánh niệm của thiền sư Thích Nhất Hạnh nổi tiếng khắp thế giới vì thực hành đơn giản nhưng mang lại hiệu quả sâu sắc, đem đến tinh thần hòa ái, trị liệu tâm thức con người trong xã hội hiện đại nhiều áp lực, khủng hoảng.
Sau một thời gian dài triển khai pháp môn của mình, tạo ảnh hưởng trên khắp thế giới, hiện nay thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trở về Tổ đình Từ Hiếu (Huế) để tịnh dưỡng.
Thầy Thích Chân Pháp Khâm cho hay thiền sư Thích Nhất Hạnh sức khỏe yếu nhưng vẫn rất tỉnh táo: “Ban tổ chức sẽ livestream chương trình triển lãm để thầy xem. Trước đó, thầy tỏ ra rất vui khi triển lãm diễn ra tại Hà Nội.”
Triển lãm Hương thơm quê mẹ sẽ diễn ra đến hết ngày 26/4.
Xem một số bức thư pháp do thiền sư Thích Nhất Hạnh viết:
TTXVN
Tags