Tùng Dương: 10 năm độc hành để đến đỉnh cao…

Thứ Sáu, 20/02/2015 14:21 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây khoảng 10 năm, ngày 20/1/2005, giải thưởng Âm nhạc Tiền Cống Hiến trong lần vinh danh đầu tiên đã trao giải cho một ca sĩ cũng lần đầu tiên bước ra từ một cuộc thi âm nhạc truyền hình đang gây bão (Sao Mai - Điểm hẹn) - Nguyễn Tùng Dương. Năm ấy Tùng Dương chỉ vừa 22 tuổi…

Nếu xem các cuộc thi âm nhạc truyền hình trước đó là cái nôi để đưa ra ánh sáng nhiều tài năng âm nhạc, thì Sao Mai - Điểm hẹn (SM-ĐH) mùa đầu tiên 2004 sẽ rất khó cựa mình để tìm ra được một ngôi sao mới có tầm vóc nếu như năm ấy Tùng Dương không nộp hồ sơ thi vào những phút cuối cùng.


Tùng Dương tại giải Âm nhạc Cống hiến lần 8 - 2013 (Ảnh: Việt Cường)

Sự xuất hiện của ca sĩ “quái”

Trước đó, trong hành trang của mình, Tùng Dương đã từng có bốn giải thưởng âm nhạc: Huy chương Bạc Giọng hát hay Phát thanh Truyền hình Toàn quốc (1995); Giải Ba Giọng hát trẻ Hà Nội (1999); Giải Ba Giọng hát hay Hà Nội (2001) và đến năm 2003, ở tuổi 20, Tùng Dương đã đoạt giải Nhất Giọng hát hay Hà Nội. Nhưng với hành trang như thế, vào thời điểm chuyển giao của 2004, có lẽ vẫn chưa đủ để đảm bảo cho Dương một vị thế quan trọng.

Năm 2004 có thể xem là bản lề thay đổi của các xu hướng phát triển âm nhạc phổ thông Việt và những giá trị được xem là truyền thống trước đó đang bị lung lay. Nhạc thị trường đang đến hồi chuyển giao thế hệ, Làn sóng xanh lặng dần sóng, V-Pop đang bị “thống trị” bởi những diva…

Tại SM-ĐH 2004 Tùng Dương là một nhân tố cực kỳ mới lạ với giọng hát chuyển màu làm lay động rất nhiều nhà chuyên môn. Dương có thể hát rất tốt ở quãng nam cao nhưng vẫn mang đầy màu sắc baritone (nam trung) và đó là cơ hội để anh có thể chinh phục được nhiều sắc thái âm nhạc, kể cả sau này.

Năm ấy, giám khảo, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã phải thốt lên: “Nền nhạc trẻ Việt Nam hiện đại rất tự hào khi có sự góp mặt của em”. Năm ấy, cũng là năm mà SM-ĐH phải thay đổi lại luật. Trước đêm chung kết BTC quyết định làm một động thái bất ngờ, mở thêm một giải thưởng của Hội đồng Nghệ thuật bên cạnh giải của Khán giả bình chọn, cốt để “đặt” Tùng Dương vào đúng vị trí phải có.

Sự xuất hiện của Tùng Dương tại SM-ĐH 2004 đã mở đường cho một luồng gió mới mà ở đó những giá trị tiên phong được thành hình. Tại cuộc thi ấy, SM-ĐH “lôi” được 2 thành tố quan trọng nhất của âm nhạc: ca sĩ và nhạc sĩ, ra ánh sáng - Tùng Dương và Lê Minh Sơn. Ở đó, lần đầu tiên dân gian đương đại được thừa nhận một cách đầy tôn trọng trong một thị trường mà trước đấy pop gần như đã lấn hết cả lối. Ở đó, lần đầu tiên có ca sĩ trong một cuộc thi mà chỉ hát gần như duy nhất nhạc của một người sáng tác (9/11 bài). Ở đó, lần đầu tiên Tùng Dương nói về Nguyên Lê, về jazz, về con đường mà anh biết chắc là khó đi… Và 10 năm sau, Tùng Dương gần như đã có tất cả. Có thể xem 2004 là một cột mốc quan trọng cho âm nhạc phổ thông Việt bởi sự xuất hiện của Tùng Dương với cá tính âm nhạc độc đáo nhiều khám phá sáng tạo mở ra một nhánh âm nhạc góp phần làm rạng danh cho nhạc phổ thông Việt Nam. Dù cùng thời điểm đó còn có Ngọc Khuê, Lê Minh Sơn nhưng chỉ có Tùng Dương là người tạo dấu ấn đậm nét cho tới hôm nay.


Hành trình trên “độc đạo”

Có thể xem Tùng Dương là một trường hợp độc đáo của âm nhạc phổ thông Việt Nam bởi suốt con đường âm nhạc của mình, Tùng Dương dường như đã “hoạch định” sẵn một hành trình mở lối. Đi lên từ SM-ĐH 2004, Tùng Dương đóng dấu mình như là một trong những ca sĩ thành công nhất của dân gian đương đại, sau đó anh tiếp tục khám phá và thành công với new age, electronic, world music…

Sự thật thì sau SM-ĐH, cuối năm 2004, những sáng tác của Lê Minh Sơn đã được “chuyển giao” cho diva Thanh Lam, và cũng chính điều này là một sự may mắn cho Tùng Dương khi anh có thể “thoát” ngay dân gian đương đại để tìm cho mình những chân trời mới.

Nhưng phải nói một cách công bằng rằng những sáng tác của Lê Minh Sơn chính là một đòn bẩy để đẩy chất “quái” của Tùng Dương lên cao. Chất “quái” đã tồn tại ở Dương từ nhỏ khi anh chịu ảnh hưởng của cả hai luồng nhạc: kinh điển và cấp tiến. Dương có thể hát thuộc làu những bài jazz kinh viện của Sarah Vaughan, Billie Holiday… có thể vùng vẫy thỏa thích trong thế giới của Bjork hay Peter Gabriel, có thể ngồi “đồng” hàng ngày chỉ để tìm hiểu những dòng chảy indie, post-rock của những Mogwai, Kings of Convenience…

Những thai nghén ấy khi gặp âm nhạc của Lê Minh Sơn đã như chiếc lò xo bị nén bật lên. Nó tiếp tục bùng lên hơn nữa khi Tùng Dương sau đó tìm thấy mình trong âm nhạc của Ngọc Đại. Và đến khi gặp Đỗ Bảo, chất quái đã được mài giũa để trở thành một một phiên bản hoàn chỉnh. Chính Những ô màu khối lập phương (2007) có thể xem là một album hoàn chỉnh nhất về giọng hát của Tùng Dương và nó tạo cho anh một tầm vóc mới.

Những ô màu khối lập phương 2007 là chính là trạng thái được “bay lên” của Tùng Dương, mở đầu thời kỳ rực rỡ trong tư duy sáng tạo âm nhạc của anh. Chính từ đây, cùng với những nhà sản xuất tài năng, Tùng Dương lại tiếp tục thành công với electronic (cùng nhạc sĩ Voncent Nguyễn, album Li ti- 2010), world music (với Nguyên Lê, album Độc đạo - 2013). Càng về sau những sắc thái âm nhạc của Tùng Dương càng “lẫn” vào nhau hơn, nó gần như không còn thể tính, đường biên mà chỉ còn tính thông điệp.

Nhiều người đã từng nghĩ rằng Tùng Dương sau Những ô màu khối lập phương sẽ là một Tùng Dương phá phách hơn nữa, khó nghe hơn nữa, kỳ quặc hơn nữa, nhưng thực tế thì cá tính sáng tạo của anh không hề đồng nghĩa với việc làm cho sản phẩm của mình trở nên khó nghe.

Suốt 10 năm qua Tùng Dương luôn báo hiệu mình vẫn đủ năng lượng cho những chuyến đi mới. Chỉ đáng nói, suốt thời gian ấy anh gần như độc hành trên con đường của mình. Năm 2004, khi cuộc thi SM-ĐH mới chỉ bước vào vòng 2, khi được hỏi rằng với kiểu hát “lạ” với phong cách lập dị như thế anh có nghĩ mình sẽ thành công? Tùng Dương đã trả lời: “Tôi biết con đường mình đi là khá gai góc nhưng cũng không có nghĩa tôi sẽ bỏ cuộc”.

Tùng Dương chưa bao giờ bỏ cuộc và anh đã thành công, dù trên đường đi, chỉ một mình anh là ca sĩ…

Nếu như 2004, album đầu tay Chạy trốn của Tùng Dương không thể qua nổi Ru mãi ngàn năm của Thanh Lam ở hạng mục Album của năm tại giải Tiền Cống hiến thì đến 2008, Những ô màu khối lập phương đã vượt qua những 5 Dòng kẻ, Giáng Son, Hồng Nhung - Quang Dũng, Unlimited để đoạt giải Album của năm, bởi nó khác biệt, vẽ ra một Tùng Dương rất “new age” và tạo nên một dung nhan âm nhạc mới khác lạ với số đông còn lại. Cho đến nay, Tùng Dương là quán quân tại Giải Cống hiến với tám lần đoạt giải.


Việt Cường
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi



Đọc thêm
  • Xem thêm  ›