- Mỹ đối mặt mối đe dọa mới từ 'siêu lợn' Canada: Cực kỳ thông minh, rất khó truy bắt
- Giấu bằng ĐH danh giá, người đàn ông đi bán thịt lợn trở thành tỷ phú: Từng bị mỉa mai là vết nhơ của trường cũ, 20 năm sau khiến người đời nhìn bằng con mắt khác
- Không phải Rihanna, Lady Gaga hay Katy Perry, đây mới là sân khấu Super Bowl đỉnh nhất lịch sử: Một chi tiết cực 'đắt giá' không show nào có được!
Huyền thoại phố Wall, ông Warren Buffett vừa khiến mọi người ngạc nhiên với động thái mới nhất của mình. Mới chỉ tháng 11 năm ngoái, tỷ phú này còn làm mọi người hào hứng với thông báo khoản đầu tư đầu tiên vào lĩnh vực bán dẫn của mình khi mua 5 tỷ USD cổ phiếu TSMC thì vài ngày trước, ông lại đảo ngược quyết định của mình khi cho biết đã bán ra đến 86% số lượng cổ phiếu TSMC đang nắm giữ.
Đây là một quyết định kỳ lạ vì hiếm khi nào "Phép màu Omaha" lại sớm bán cổ phiếu mình nắm giữ chỉ trong một thời gian ngắn đến vậy – chỉ một quý sau khi mua vào. Không những thế, cho đến hiện tại, TSMC vẫn đang giữ vững phong độ của mình khi là hãng đúc chíp hàng đầu thế giới hiện nay với biên lợi nhuận cao cũng như đang hưởng lợi từ đà tăng trưởng của ngành bán dẫn trong dài hạn.
Cho dù cổ phiếu ngành công nghệ đang trên đà sụt giảm mạnh trong năm vừa qua, lĩnh vực sản xuất bán dẫn vẫn cho thấy đà tăng trưởng trong dài hạn với nhu cầu ngày càng cao từ các lĩnh vực trong nền kinh tế. Hơn thế nữa, cổ phiếu TSMC dường như là một khoản đầu tư thích hợp của ông Buffett – một công ty dẫn đầu ngành đang tăng trưởng – và được mua với giá hợp lý.
Chính vì vậy, quyết định trái với thường lệ của ông Buffett đã khiến giới đầu tư xôn xao và kéo theo việc bán tháo cổ phiếu TSMC. Trong khi khó có thể dự đoán được lý do cho từng quyết định đầu tư của ông Buffett, có 2 nguyên nhân có thể khiến huyền thoại đầu tư này suy nghĩ lại về khoản đầu tư của mình.
Đầu tiên có thể là vì ông Buffett không hoàn toàn chắc chắn về lợi thế cạnh tranh của TSMC trong dài hạn. Các đối thủ của TSMC bao gồm Intel và Samsung đều đang công bố các kế hoạch tham vọng về việc xây dựng những nhà máy đúc chíp cao cấp và có khả năng đuổi kịp TSMC trong những năm tới.
Ví dụ, Intel đã lên kế hoạch phát triển 5 tiến trình chip mới trong 4 năm tới – một bước tiến đặc biệt nhanh so với tiến bộ của ngành chip trong những năm qua – và việc vượt mặt TSMC có thể chỉ còn là vấn đề thời gian. Cho dù vậy, nếu nhìn vào việc Intel để mất vị trí dẫn đầu về sản xuất và thiết kế chip như thế nào trước TSMC và Apple trong những năm qua, khả năng Intel sớm lấy lại vị thế của mình trong ngành là điều không dễ - dù vẫn có khả năng.
Nhưng lý do thứ hai – và có lẽ là quan trọng nhất – là nhận xét từ "Phó tướng" của ông Buffett, ông Charlie Munger, về mô hình kinh doanh của TSMC. Trong cuộc gặp hàng năm của trang tin công nghệ Daily Journal Corporation vào ngày 15 tháng Hai vừa qua, ông Munger đã nói về đặc điểm của ngành sản xuất bán dẫn và rủi ro của nó:
"Ngành công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực rất đặc thù. Trong ngành bán dẫn, đối với mỗi thế hệ chip mới, bạn sẽ phải lấy toàn bộ tiền mình làm ra được trước đó, ném toàn bộ số tiền đó vào [đời chip mới]. Vì vậy đó là khoản đầu tư bắt buộc nếu bạn muốn ở lại trong trò chơi này. Đương nhiên tôi ghét mô hình kinh doanh như vậy … Giờ nếu bạn đang dẫn đầu, giống như TSMC hiện tại, có thể sẽ là một giao dịch mua tốt ở mức giá này. Với tôi, rõ ràng rằng họ có thể thành công rực rỡ. … Nhưng đó là một ngành kinh doanh khó khăn và đòi hỏi mọi người phải liên tục tăng số tiền đặt cược bằng tất cả số tiền mình có."
Là cánh tay mặt và là người đồng hành lâu năm của ông Buffett, rất có thể nhận định này của ông Munger đã dẫn đến quyết định đảo ngược khoản đầu tư của tỷ phú Mỹ, khi ông nhận thấy có thể nhiều rủi ro trong dài hạn.
Cho dù vậy, trước mắt TSMC vẫn cho thấy mình là người dẫn đầu trong mảng sản xuất bán dẫn như thế nào. Công ty vừa đạt được hiệu quả kinh doanh cao kỷ lục trong năm 2022, tương ứng 75 tỷ USD doanh thu và gần 34 tỷ USD lợi nhuận. Bên cạnh đó công ty cũng thông báo kế hoạch đầu tư 12 tỷ USD cho nhà máy sản xuất chip ở Arizona, Mỹ - một động thái giúp tiếp cận được nhiều khách hàng hơn cũng như hưởng ưu đãi từ gói ngân sách khuyến khích sản xuất chip tại Mỹ.