(Thethaovanhoa.vn) - Những câu chuyện thú vị về thời đi học của nghệ sĩ Mạc Can, Minh Nhí, NSND Trà Giang... được tác giả - nhà báo Song Minh kể lại trong trong tập sách “Thời đi học của người nổi tiếng” do NXB Tổng Hợp ấn hành.
Tác giả Song Minh tốt nghiệp Cử nhân Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM; Cử nhân Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư Phạm TP. HCM. Gần 20 năm gắn bó với nghề báo, anh xuất bản: Đường lên đỉnh Olympia 1,2 (Nhiều tác giả); Thời đi học của người nổi tiếng.
Tập sách Thời đi học của người nổi tiếng bao gồm 19 nhân vật, không chỉ là người nổi tiếng, tài năng mà còn có nhân cách đạo đức đáng trân trọng như: GS-TS Trần Văn Khê, GS-NGND Hoàng Như Mai, GS-NGND Lê Trí Viễn, GS-TS Trần Hữu Tá, GS-NSND Tạ Bôn, NSND Trà Giang, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Huy Cận, nhà văn Anh Đức, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nghệ sĩ Mạc Can, nghệ sĩ Minh Nhí...
Tác giả Song Minh chia sẻ: "Tôi trực tiếp thực hiện chuyên mục Thời đi học của người nổi tiếng cho báo Giáo dục TP.HCM hơn 15 năm qua. Tập sách này chứa đựng nhiều niềm vui cũng như nhiều kỷ niệm sâu sắc với những nhân vật từng gặp và phỏng vấn. Lúc mới bắt đầu thực hiện chuyên mục, cũng là những tư liệu nền tảng cho cuốn sách của mình, tôi gọi điện cho nhiều người nổi tiếng như NSND Trà Giang, GS. NGND Hoàng Như Mai, GS. TS Trần Văn Khê… để xin phỏng vấn. Họ đều từ chối vì "chúng tôi không có gì mới để viết". Nhưng khi biết những chia sẻ sẽ là kỷ niệm về thời cắp sách đến trường, họ đều vui vẻ đồng ý và còn khen đề tài này hay, mang đầy tính giáo dục. Điều này khiến tôi rất vui và hạnh phúc".
Theo tác giả, anh ấn tượng nhất chính là nghệ sĩ Mạc Can. Khi hỏi về thời đi học, nghệ sĩ trả lời một câu khiến ai cũng phải giật mình: “Tôi chưa một lần được cắp sách đến trường”.
Ông nói: "Tuổi thơ của tôi lênh đênh trên thuyền theo cha đi diễn xiếc rong. Khi gánh xiếc đến các làng, nghe tiếng trống trường là tôi chạy tới, đứng ngoài cửa sổ, nhìn các bạn cùng lứa ngồi học, tôi đánh vần theo những tiếng ê a, dù không biết mặt chữ tròn méo thế nào".
Mãi đến năm 10 tuổi, gánh xiếc của gia đình Mạc Can ế ẩm, cha con ông phải lên bờ sống. Lúc này Mạc Can được một người họa sĩ nhờ đến nhà phụ vẽ, bù lại được người này dạy chữ cho. Năm 13 tuổi gia đình nam nghệ sĩ chuyển lên Sài Gòn. Từ đó ông hay lân la ra các hàng sách cũ "đọc chùa".
Biết hoàn cảnh của Mạc Can, người bán sách nhờ ông phụ bán để được đọc sách thoải mái. "Chuyện tôi chưa từng đến trường nghe thật khó tin nhưng là sự thật 100%. Ngày xưa chiến tranh, nhà nghèo lại đông anh em, bố mẹ tôi lo mưu sinh còn chật vật nên không có tiền cho con đi học. Tôi không trách ba mẹ vì nhờ những khó khăn ngày đó mà sau này tôi trở thành một người nghị lực, biết vươn lên, chiến thắng hoàn cảnh", Mạc Can chia sẻ.
- Dòng chảy 'sách đặc biệt' (kỳ 1): Từ 'cột mốc' Đông A
- Sách 'Cà Nóng chu du Trường Sa': Hải trình đặc biệt của chiếc máy ảnh
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Những cô chủ nhà tí hon của Thu Hằng
Ngoài Mạc Can, Minh Nhí cũng góp mặt trong tập sách kể về thời đi học của những người nổi tiếng. Minh Nhí sinh ra và lớn lên ở Đồng Tháp. Từ những năm học cấp 2 anh bộc lộ năng khiếu rõ rệt với môn Văn. "Bài văn nào tôi cũng đạt điểm cao, hay được cô giáo chọn đọc lên làm mẫu cho cả lớp. Hồi học lớp 9 tôi đi thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh và đoạt luôn giải nhất", Minh Nhí kể.
"Khi viết cuốn sách này tôi có nhiều kỷ niệm khó quên với các nhân vật. Như gặp NSND Trà Giang, bà nói một câu làm tôi vui không tả hết: "Có hàng nghin bài báo phỏng vấn tôi. Nhưng cậu là người đầu tiên hỏi tôi về thời đi học đó nhé…". Chính NSND Trà Giang gợi cho tôi ý tưởng tập hợp thành sách. Thông qua những câu chuyện của người nổi tiếng, tôi tin bạn đọc sẽ có những cảm xúc, trải nghiệm thú vị, tìm ra phương pháp học, cách phát triển bản thân và định hướng con đường tương lai tốt hơn", tác giả Song Minh chia sẻ về "đứa con tinh thần".
An Nhiên
Tags