(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi “mất tích” trong nhiều thế kỷ, một bức tượng đồng quý hiếm mô tả thần Hy Lạp Apollo đã tái xuất ở dải Gaza. Tuy nhiên cảnh sát đã phải vào cuộc, do nó bị người ta rao bán.
Joudat Ghrab (26 tuổi), một ngư dân Palestine cho biết anh vớt được bức tượng nặng 500kg này từ dưới đáy biển hồi tháng 8/2013 và chở nó về nhà bằng xe lừa kéo, trong khi không hề biết được ý nghĩa của món đồ mình vớt được.
Tìm thấy dưới biển hay trên đất liền?
Bức tượng màu xanh nâu mô tả thần Apollo trẻ trung, lực lưỡng đứng thẳng trên đôi chân cơ bắp, một cánh tay duỗi ra. Mái tóc ông xoăn, dày và mắt nhìn thẳng. Một tròng mắt được gắn bằng đá xanh.
Ghrab kể rằng thoạt đầu khi nhìn thấy bức tượng ở dưới biển, anh nghĩ đó là một thi thể người đã bị hủy hoại. Nhưng khi lặn xuống sâu để nhìn kỹ hơn, anh phát hiện ra đây là một bức tượng. Sau đó, anh và một số người thân đã mất 4 giờ đồng hồ để đưa bức tượng lên bờ.
Bức tượng đồng vị thần thần Hy Lạp Apollo được ngư dân Palestine vớt lên từ dưới lòng biển ở dải Gaza
“Tôi nghĩ, đây là món quà Thượng đế đã ban cho mình. Hoàn cảnh kinh tế nhà tôi rất khó khăn và tôi đang chờ được một món tiền thưởng” - Ghrab chia sẻ và cho biết, anh đã cắt một ngón tay của bức tượng và mang đến một thợ kim hoàn bởi nghĩ rằng có thể nó được làm bằng vàng.
Không lâu sau đó, một số nhân vật đã tới nhà Ghrab, tự xưng là người của nhóm chiến binh Hamas chịu trách nhiệm quản lý cổ vật, trước khi mang tượng đi rồi rao bán trên eBay với giá 500.000 euro, thấp hơn nhiều giá trị thực. Khi giới chức Hamas phát hiện ra việc này, họ đã yêu cầu cảnh sát thu giữ bức tượng.
Cảnh sát vào cuộc quá nhanh khiến giới khảo cổ chưa kịp tận mắt chiêm ngưỡng bức tượng, mà chỉ được xem qua một số bức ảnh không rõ nét lắm. Các nhà khảo cổ cho rằng bức tượng ít nhất 2.000 năm tuổi, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 5 tới thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên.
“Có thể nói đây là một bức tượng vô giá. Rất hiếm khi tìm thấy một bức tượng cổ không phải bằng đá cẩm thạch mà bằng kim loại” - sử gia Jean-Michel de Tarragon thuộc trường Khảo cổ Jerusalem nhận định.
Ông cho rằng việc bức tượng còn nguyên vẹn như thế cho thấy khả năng người ta tìm thấy nó trên đất liền chứ không phải ở dưới lòng biển. “Bức tượng rất sạch sẽ, như vậy nó không phải được tìm thấy ở dưới biển, mà là trên đất liền. Bức tượng không hề bị biến dạng hay bị hàu bám, tình trạng vẫn thường thấy ở những đồ vật được vớt từ biển lên” - Jean-Michel de Tarragon quả quyết. Ông cũng tin rằng sở dĩ những người có liên quan không tiết lộ địa điểm tìm thấy bức tượng vì lo ngại tranh cãi về quyền sở hữu.
Ngư dân Joudat Ghrab, người khẳng định đã vớt được tượng dưới biển
Tượng sẽ đến với công chúng
Giới chức trách thuộc Bộ Du lịch của dải Gaza cho biết, bức tượng sẽ không được trưng bày trước công chúng, cho đến khi cảnh sát điều tra xem kẻ nào đã tìm cách bán tượng. Ông Ahmed al-Bursh, phụ trách khảo cổ của Bộ Du lịch, cho biết ông đã nhìn thấy bức tượng và quả quyết Ghrab sẽ được nhận tiền thưởng, chừng nào cuộc điều tra hoàn tất.
“Đây là một tài sản quý, một phát hiện khảo cổ quan trọng. Khi nào cảnh sát trao trả bức tượng, Bộ Du lịch sẽ tiến hành phục chế và trưng bày tượng ở Gaza. Nhiều thiết chế quốc tế đã liên lạc với chúng tôi và đề nghị được hỗ trợ phục chế bức tượng. Một bảo tàng ở Geneva và bảo tàng Louvre ở Paris còn ngỏ ý muốn mượn bức tượng” - ông Ahmed al-Bursh cho biết.
Nhiều cổ vật 5.000 năm tuổi hiện vẫn nằm dưới lòng đất ở Dải Gaza, mảnh đất từng nằm trong sự cai quản của người Ai Cập cổ đại, người Philistine, La Mã, Byzantine và quân thập tự chinh.
Alexander Đại đế từng bao vây nơi này và Hoàng đế La Mã Hadrian từng đặt chân tới đây. Tuy nhiên, do giới khảo cổ bản địa vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm để tiến hành các cuộc khai quật mang tính khoa học, rất nhiều cổ vật quý báu vẫn phải chịu cảnh bị chôn sâu dưới cát.
Việt Lâm (theo The Guardian)
Thể thao & Văn hóa
Tags