Việc đặt báo thức liên tục, tắt báo thức rồi ngủ tiếp tưởng chừng như để tỉnh táo hơn nhưng thì hoàn toàn ngược lại. Thói quen này cũng gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể.
“Ngủ thêm 5 phút nữa rồi dậy”, “Tắt chuông nốt lần này” có lẽ là suy nghĩ của rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ vào mỗi buổi sáng. Cố gắng đặt chuông báo thức sớm hơn dự kiến để “dậy nháp” rồi ngủ tiếp, thói quen này tưởng chừng như để cơ thể tỉnh táo hơn, lấy đà trước khi dậy nhưng thực tế lại tiềm ẩn nhiều tác hại khôn lường đến sức khỏe.
Sáng nào cũng phải tắt chuông mấy lần mới dậy nổi
Mỗi tối trước khi đi ngủ, Thiên Minh (23 tuổi) - một độc giả phải đặt dự phòng 5 lượt chuông báo thức, mỗi lượt cách nhau 15 phút từ 6 giờ đến 7 giờ, sau khi tắt hết các hồi chuông, cậu lăn lộn thêm 30 phút nữa ở lần báo thức cuối cùng mới có thể rời khỏi giường.
“Dậy ngay lập tức là chuyện rất khó khăn đối với mình. Vốn dĩ hoàn toàn có thể dậy vào lúc 7 giờ nhưng vì đã quen với việc ngủ nướng nên khó để điều chỉnh đồng hồ sinh học. Mỗi lần dậy như vậy đều mệt mỏi, nhưng không thể chỉ đặt duy nhất 1 hồi chuông báo thức được vì lỡ không nghe thấy thì sẽ trễ làm mất”, Minh chia sẻ.
Tương tự, Lan Anh (sinh năm 1997) cũng để chuông báo thức kêu liên tục trong 30 phút trước khi dậy. Cô nói: “7 giờ báo thức kêu, dậy xem đồng hồ thì thấy vẫn còn thư thả thời gian nên lại ngủ tiếp. Cứ 10 phút là 1 hồi chuông, dần dần mình cứ dậy trong tình trạng mơ màng, với điện thoại tắt chuông để ngủ tiếp, sát giờ đi làm mới dậy. Thói quen này thật ra là do ngủ muộn nên không đủ giấc, sáng ra người uể oải, không dậy nổi”.
Càng tắt chuông báo thức càng “thèm” ngủ
Matthew Walker - Giáo sư kiêm nhà thần kinh học, đồng thời là Giám đốc Trung tâm khoa học về giấc ngủ của trường Đại học California (Mỹ) đã chứng minh thói quen tạm dừng báo thức để ngủ tiếp lặp lại nhiều lần có ảnh hưởng rất xấu đến tim mạch và gây ức chế hệ thần kinh Theo đó, khi đang ngủ sâu, tiếng báo thức to vang lên làm cơ thể giật mình tỉnh giấc, tim đập nhanh, hốt hoảng. Tình trạng này lặp đi lặp lại sẽ khiến cơ thể ngủ - thức liên tục nhiều lần, không chỉ làm tổn thương chức năng sinh học của bộ não mà cũng làm rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể.
Nghiên cứu từ Đại học California cũng cho thấy khi tỉnh dậy vì báo thức lặp lại vài phút một lần, cơ thể sẽ tiết ra hormone adenosine làm tăng cảm giác buồn ngủ thay vì khiến chúng ta tỉnh táo. Hormone này cũng làm suy nhược hệ thần kinh trung ương. Mặt khác, sóng bức xạ từ điện thoại khi đặt gần cơ thể cũng dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, rụng tóc, mất ngủ hoặc thậm chí là tác động xấu đến khả năng sinh sản của con người.
Muôn vàn tác hại khác
Đừng nhầm khi nghĩ rằng cố ngủ thêm vài phút để cơ thể nạp thêm nhiều năng lượng và tỉnh táo vì ngược lại, tắt chuông báo thức và ngủ tiếp sẽ càng khiến bạn mệt mỏi hơn. Khoảng 2 giờ trước khi dậy, cơ thể đã sẵn sàng để bắt đầu ngày mới nhưng khi bị “ép” ngủ lại, bạn sẽ thấy buồn ngủ hơn, thiếu tỉnh táo, thậm chí là rời khỏi giường trong tình trạng choáng váng, đau đầu, uể oải vì rối loạn chu kỳ giấc ngủ. Thói quen này nếu diễn ra liên tục sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, lặp lại hành động ngủ - thức cũng làm sức khỏe đường ruột kém đi vì đồng hồ sinh học bị rối loạn. Không có một khung thời gian nhất định để ngủ và dậy khiến bạn khó ngủ, trằn trọc vào ban đêm, điều này dẫn đến thiếu ngủ, rối loạn chuyển hóa, sức khỏe đường ruột bị yếu đi và thậm chí còn làm tăng cân.
Làn da cũng là “nạn nhân” của việc lặp lại báo thức mỗi sáng bởi tình trạng thiếu ngủ hay rối loạn giấc ngủ kéo dài sẽ làm tăng hormone gây căng thẳng. Khi đó, bã nhờn liên tục bị tiết ra trên bề mặt da làm bít tắc lỗ chân lông và xuất hiện mụn. Ngoài ra, thói quen này còn ảnh hưởng đến hormone sinh sản, làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới.
Và không chỉ sức khỏe mà túi tiền cũng bị ảnh hưởng nếu bạn cứ liên tục ngủ nướng mỗi sáng. Nếu đi làm phải chấm công điểm danh đúng giờ, dậy muộn khiến cơ thể không tỉnh táo, minh mẫn, đi làm trễ thì bị phạt tiền là chuyện hiển nhiên.
Ngủ thêm vài phút chẳng thể giúp cơ thể đỡ “thèm” ngủ
Điều quan trọng nhất để loại bỏ thói quen này là đảm bảo ngủ đủ giấc bằng cách đi ngủ sớm hoặc nếu quá bận rộn thì nên “cài đặt” cho cơ thể một “chiếc” đồng hồ sinh học cố định mỗi ngày để dậy đúng giờ hơn. Sợ báo thức kêu lại vươn tay tắt thì nên để điện thoại xa tầm với, vừa ngăn chặn sóng bức xạ tác động lên cơ thể, vừa tạo động lực để rời giường. Có chế độ ăn uống và tập luyện thể dục hợp lý cũng là một cách để duy trì giấc ngủ sâu và lành mạnh.
Ngủ thêm vài phút không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và ví tiền mà còn không có tác dụng giúp bạn đỡ “thèm” ngủ. Vậy nên nếu mắc bệnh lý khiến việc ngủ và thức giấc khó khăn thì tốt nhất là nên đi gặp bác sĩ, còn nếu chỉ là thói quen thì nên bỏ càng sớm càng tốt bạn nhé.
Tags