Tương lai của Radamel Falcao: Mua đứt Falcao? Quá nhiều rủi ro!

Chủ nhật, 25/01/2015 13:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Có đầy đủ lý do để loại bỏ cái tên của tuyển thủ quốc gia Colombia khỏi danh sách mua của Quỷ đỏ trong mùa Hè 2015, đơn giản bởi anh đi kèm quá nhiều vấn đề khó giải quyết.

6 triệu bảng lệ phí mượn cầu thủ, kèm thêm điều khoản cho phép mua đứt với giá 43,5 triệu bảng (theo nguồn của BBC) – đó là những gì Man United đã bỏ ra để có được sự phục vụ của Radamel Falcao trong mùa giải này. Tuy nhiên, khả năng để anh thực sự vào “biên chế” đội chủ sân Old Trafford đang là rất mịt mờ.

Ly kỳ ngày cuối

Kể từ khi chuyển tới Man United, dù Giám đốc Ed Woodward là người chịu trách nhiệm thương lượng và hoàn tất các bản hợp đồng, nhưng ai cũng hiểu rằng người đứng đằng sau mọi quyết định theo đuổi cầu thủ là Louis Van Gaal. Trừ Ander Herrera coi như đã được ấn định trước khi nhà cầm quân người Hà Lan được bổ nhiệm thì tất cả các thương vụ khác đều mang tính chất “Van Gaal chỉ đâu, Woodward đánh đấy”.

Trong đó, dĩ nhiên phải kể tới Radamel Falcao. Chân sút người Colombia bất ngờ đáp máy bay từ Monaco tới Anh vào ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng hè 2014 dĩ nhiên là thông tin nóng nhất của ngày hôm ấy – toàn bộ nước Anh như tán loạn. Đoàn xe của Falcao lăn bánh tới địa phận Manchester, người ta lại tiếp tục điên đảo dò la xem City hay United đứng sau.

Vào thời điểm ấy, City được coi là điểm đến tương đối dễ hiểu – họ mới chia tay Alvaro Negredo theo một bản hợp đồng cho mượn kèm điều khoản bắt buộc Valencia mua đứt trong hè 2015, đồng nghĩa rằng suất tiền đạo thứ tư của sân Etihad đã bỏ trống.

Vậy nhưng, hai chiếc xe Ford chở Falcao đã đi thẳng vào trung tâm huấn luyện Carrington, nơi United đóng quân.

Thật khó có thể hiểu nổi vì sao một chân sút danh tiếng như thế, được mua một cách ly kì như thế, giờ đây lại không còn đủ sức thuyết phục để khiến đội bóng áo đỏ chi tiền mua tên.

Khó hiểu Van Gaal

Ra sân tổng cộng 16 lần, trong đó có 7 lần từ băng ghế dự bị, chỉ ghi được 5 bàn – đó dĩ nhiên không phải những con số thống kê phù hợp với một cái tên nhận lương 285.000 bảng/tuần.

Có người thì cho rằng đây là hệ quả của... tuổi thật mà cầu thủ này che giấu. Trước đây, khi còn ở Monaco, truyền thông đã loan tin đồn về một tờ giấy khai sinh cho thấy rằng Falcao sinh năm 1984 chứ không phải 1986, đồng nghĩa rằng anh đã 30 tuổi! Ở tuổi này, anh khó có khả năng cống hiến ở mức độ cao nhất lâu dài – việc sút giảm phong độ kể từ khi đặt chân lên đất Anh là một minh chứng.

Nhưng đó vẫn chỉ là lời đồn. Trên thực tế, chính quyền Colombia cũng đã xác nhận giấy tờ cho biết anh sinh năm 1986 là chính xác. Dĩ nhiên người ta có thể đồn rằng họ chỉ đang bảo vệ “gà nhà”.

Một điểm đáng chú ý khác là Falcao đã gặp rất nhiều chấn thương kể từ sau khi rời khỏi Atletico Madrid. Trong các giai đoạn tháng 11/2013 cũng như tháng 1/2014, Falcao đã bị chấn thương dây chằng hành hạ và buộc phải phẫu thuật. Đó là một dạng chấn thương có thể khiến rất nhiều cầu thủ mất đi khả năng tăng tốc, thăng bằng – những gì chân sút người Colombia luôn thể hiện được.

Nhưng trên hết, HLV Van Gaal mới là người tạo ra nhiều sự tranh cãi nhất. Kể từ khi Falcao đến đây, thay vì được thi đấu trong vai trò một trung phong, chơi cao nhất hàng công, được các nguồn cung bóng “phục vụ” hết mình thì anh lại phải chơi chủ yếu trong cặp tiền đạo mà ở đó cả hai đều phải lùi thấp, thỉnh thoảng dạt biên và phải có khả năng chuyền, kiến tạo.

Không thể yêu cầu con hổ săn mồi mà cấm dùng nanh vuốt. Falcao không phải Wayne Rooney, cũng chẳng phải Robin Van Persie. Việc anh chơi kém cỏi so với kỳ vọng là tương đối dễ hiểu.

43,5 triệu cho Falcao, liệu có là xứng đáng? Đừng quên rằng Premier League từng chứng kiến một Fernando Torres trị giá 50 triệu bảng cũng gặp những chấn thương dây chằng, cũng không hợp sơ đồ bị lãng phí ra sao...

Falcao ở United là Falcao kém nhất sự nghiệp

Theo các con số được thống kê bởi Opta, Radamel Falcao đang trải qua những ngày đen tối nhất trong sự nghiệp thi đấu.

Cụ thể hơn, điều khiến anh trở nên đắt giá là khả năng săn bàn đang dần bị thui chột. Tại United, anh cần trung bình 230 phút để ghi một bàn, trong khi đó tại Monaco là 138 phút/bàn, tại Atletico Madrid là 112 phút/bàn và tại Porto là 105 phút/bàn.

Điều gì đã tác động đến con số quan trọng này? Phải chăng đó là số lần dứt điểm mỗi trận? Quả thật chưa khi nào Falcao sút ít như hiện tại. Ở Porto và Atletico, anh dứt điểm trung bình 3,6 lần/trận. Con số này trong màu áo Monaco tụt nhẹ còn 3,3 lần/trận, nhưng với United chỉ là 1,9. Sút càng ít thì cơ hội ghi bàn càng ít, đó là điều dễ hiểu.

Có người cho rằng việc Van Gaal bổ đều nhiệm vụ tấn công cho hai tiền đạo thay vì tập trung mọi pha bóng tới chân Falcao đã khiến cho anh không thể hiện được mình. Đây là một suy nghĩ tương đối hợp lý, bởi Falcao không hợp với việc làm bóng. Ví dụ, dù đã có tới 3 pha kiến tạo kể từ khi chuyển sang Man United, nhưng số lần anh tạo cơ hội cho đồng đội dứt điểm thì giảm đi trông thấy. Tại United là 0,8 – thấp hơn khi còn ở Atletico (1,1) và Porto (1,4).


Tiêu Hoa
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›