(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ nổi tiếng với những vần Thơ mới huyền bí “Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát”, Đoàn Phú Tứ còn có những đóng góp quan trọng trong giai đoạn mở đầu của nền sân khấu kịch nói Việt Nam từ những năm 1930. Vào giai đoạn sau, ông theo đuổi dịch thuật và cũng rất mê bóng đá. Tôi cứ thầm ước tại Thủ đô không xa sẽ có một con đường mang tên Đoàn Phú Tứ…
Khoảng từ năm 1935, ông hiện thực hóa sở trường cùng niềm đam mê sáng tác. Không chỉ viết báo, sáng tác thơ, ông bắt tay viết kịch bản văn học. Trong khoảng 10 năm, ông là tác giả của hơn 20 vở kịch (kịch bản đã được in sách). Tài năng thể hiện qua 2 vở kịch Ngã ba và Thằng Cuội ngồi gốc cây đa đã được 2 nhà viết kịch Vũ Đình Long và Thế Lữ đánh giá cao. Điều đó cũng đã được tác giả Phan Kế Hoành và Huỳnh Lý ghi nhận: “Về mặt sáng tác kịch bản trước 1945, Vi Huyền Đắc và Đoàn Phú Tứ là những lá cờ đầu” (Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam, NXB Văn hóa, 1978).
Lá cờ đầu của nền sân khấu kịch nói nước nhà
Năng động, sáng tạo, năm 1936, Đoàn Phú Tứ cùng bạn bè sáng lập ban kịch Tinh Hoa, hội kết nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng tham gia, như: Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát…
Trong suốt 8 năm, ban kịch tư nhân đã lưu diễn ở nhiều nơi tại Hà Nội và các vùng lân cận. Thậm chí Tinh Hoa đã có mặt tại Huế, Đà Nẵng, Hội An. Những vở kịch đã để lại dư âm đẹp bền trong lòng công chúng và tạo nên không khí sôi động cho hoạt động sân khấu nước nhà vào đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đã hồ hởi tham gia cách mạng. Ở tuổi 35, Đoàn Phú Tứ trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của chính quyền cách mạng (1946).
Ông không nề hà bất cứ công việc gì miễn là được cống hiến, miễn là có lợi cho cách mạng. Năm 1947-1948, Đoàn Phú làm giảng viên Trường Văn hóa kháng chiến Liên khu IV, Liên khu V. Mùa Hè 1948, rời xứ Thanh, ông lên chiến khu Việt Bắc và từ đó tham gia tích cực mọi hoạt động văn hóa - văn nghệ (1948 - 1951). Về Thái Nguyên, ông làm biên tập tòa soạn tạp chí Văn nghệ - cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam). Tại Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (7/1948), ông tham gia Thường vụ Ban Chấp hành Hội Văn hóa Việt Nam cùng Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Ngụy Như Kon Tum, Tô Ngọc Vân, Trần Huy Liệu và Trần Văn Giáp. Từ 25 đến 27/7/1948, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại làng Dộc Phát (xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam). Ông cùng Thế Lữ và Phạm Văn Khoa tham gia Thường vụ Ban Chấp hành Đoàn sân khấu Việt Nam.
Năm 1949, ông cùng các văn nghệ sĩ (Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Trần Đăng, Tô Hoài, Thôi Hữu,...) đi chiến dịch sông Thao. Thực tế kháng chiến sinh động đã giúp ông có nguồn tư liệu quý sáng tác. Tập kịch Trở về là kết quả của chuyến đi thực tiễn đó. Hiện thực sinh động của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc ta đã được thể hiện sâu sắc, sinh động trong hình tượng “Anh bộ đội Cụ Hồ” và nhân dân đồng lòng chiến đấu, chấp nhận hy sinh, để đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.
Tháng 9/1949, ông có mặt tại Hội nghị Tranh luận văn nghệ Việt Bắc. Cùng năm đó, ông là giáo viên giảng dạy tại Trường Trung học kháng chiến ở Đào Giã (Phú Thọ)…
Đoàn Phú Tứ mang tâm hồn nghệ sĩ trung thực, trong sáng, nên khó kiềm chế cảm xúc khi chứng kiến những điều “mắt thấy tai nghe” làm “đau đớn lòng”… Tôi chợt nhớ lần xem vở kịch Đêm trắng (Nhà hát Kịch Việt Nam) cùng con gái cố nhà viết kịch Lưu Quang Hà với nhiều cảm xúc. Dựa trên câu chuyện có thật về đám cưới xa hoa do đại tá Trần Dụ Châu - Cục trưởng Cục Quân nhu “đứng ra tổ chức cho cán bộ cấp dưới” ở chiến khu Việt Bắc, tác giả Lưu Quang Hà đã viết kịch bản này. Nhà thơ Đoàn Phú Tứ đến dự lễ cưới (do chính Trần Dụ Châu mời) và được hắn mời đọc thơ. Lúc đó, nhà thơ giận run người, nhưng vẫn bình tĩnh nói to: “Tôi xin đọc tặng vị chủ hôn, cô dâu chú rể và tất cả các vị có mặt hôm nay, một câu thơ hay nhất mà tôi vừa chợt nghĩ ra. Câu thơ đó là bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay được dọn bằng xương máu của chiến sĩ”.
Trần Dụ Châu tức giận quát lớn và tên vệ sĩ của hắn xông tới tát thẳng vào mặt nhà thơ…Với tư cách ĐBQH, Đoàn Phú Tứ đã gửi lá đơn lên Chủ tịch Hồ Chí Minh… Ngày 5/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên, Tòa án binh tối cao mở phiên tòa đặc biệt xử Trần Dụ Châu và đồng bọn vì tội lợi dụng chức quyền “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”.
Trong vở kịch Đêm trắng, tác giả Lưu Quang Hà đã dựng lên 2 cảnh đối lập: Cảnh đám cưới xa hoa sáng trưng những dãy bạch lạp to bằng cổ tay, những dãy bàn dài xếp kín sơn hào hải vị, rượu Tây, thuốc lá thơm hảo hạng, réo rắt ban nhạc sống… trong khi các chiến sĩ của chúng ta ở mặt trận bị thương, thiếu thuốc men, “võ vàng đói khát”, “chỉ còn mắt với răng”, rách rưới trong mùa Đông lạnh thấu xương…
Câu chuyện từ năm 1950 đến nay vẫn luôn là bài học quý trong công cuộc chống tham nhũng, lãng phí, chống sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đoàn Phú Tứ là nghệ sĩ đầu tiên đã dũng cảm chống thói tham nhũng.
Cuối tháng 7/1951, Đoàn Phú Tứ trở về Hà Nội sống bằng nghề dạy học và gắn bó trọn đời với công việc nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác cho đến khi mất - ngày 20/9/1989 (21/8 năm Kỷ Tỵ).
Dịch thuật - sáng tạo tác phẩm nghệ thuật lần thứ 2
Với vốn hiểu biết văn hóa ngôn ngữ sâu rộng, nhà văn Đoàn Phú Tứ là dịch giả nhiều tác phẩm văn xuôi (tiểu thuyết, kịch) nổi tiếng. Bút danh Tuấn Đô của ông đã trở nên nổi tiếng và làm nên “thương hiệu” cho NXB Văn học với hầu hết tác phẩm văn học cổ điển Pháp. Có thể kể đến: Tiểu thuyết: Thiên thần nổi loạn (Anatole France); Không đùa với tình yêu (Alfred de Musset); Pantagruel và Gargantua (Francois Rabelais); Đỏ và đen (Xtăng đan)...
Là một nhà soạn kịch, ông thường chọn dịch những vở hí kịch và hài kịch kinh điển, như: Nhà búp bê (Henrik Ibsen), Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang (Molie); Giấc mộng đêm Hè, Người lái buôn thành Venice (Shakespeare)…
Theo nhà giáo Đoàn Phú Tấn, trưởng nam của dịch giả Đoàn Phú Tứ: “Cha tôi giỏi tiếng Pháp, tiếng Latin, chữ Hán và tiếng Việt. Vì thế, ở nửa sau cuộc đời, dịch thuật có thể coi là sở trường, niềm đam mê và thực sự là nghề kiếm sống nuôi gia đình. Tuy nhiên, sở trường này chỉ phát huy khi cha tôi không sáng tác văn chương và kịch. Khi đó, cụ có cơ duyên với NXB Văn học và nhận các hợp đồng dịch văn học cổ điển thế giới. Dù dịch thuật là cần câu cơm cho gia đình trong túng bấn, cơ hàn, song không bao giờ cha tôi làm chiếu lệ, coi là có, nhận thù lao xong là thôi. Cụ luôn giữ chữ tín, làm việc trách nhiệm. Cụ đã cật lực lao động (dịch sách) kể cả dưới ánh đèn dầu ở các khu sơ tán. Khi dịch, cha tôi tập trung cao độ, bỏ ngoài tất cả những bận rộn. Cụ cẩn thận, chỉn chu, trau chuốt từng từ, từng câu sao cho chất lượng bản dịch luôn hoàn hảo nhất”.
Ông là tấm gương sáng cho con cháu noi theo, sống tử tế, nhân hậu, luôn giữ chữ tín trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Dịch giả Thúy Toàn - người đồng hương Bắc Ninh đánh giá rất cao sự cẩn trọng, chính xác, tỉ mỉ, nghiêm túc của ông trong việc dịch thuật: “Dịch tác phẩm văn chương là một việc cực kỳ khó. Đây không phải là việc chuyển ngữ một cách cơ học A là B, mà là công việc đòi hỏi dịch giả, ngoài ngoại ngữ tốt, phải có phông kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử… Vì thế, dịch là tái tạo tác phẩm bằng nghệ thuật lần thứ 2. Sự uyên bác, tâm huyết, cẩn trọng của dịch giả Đoàn Phú Tứ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe đó”.
- Tưởng nhớ nhà thơ Đoàn Phú Tứ (Kỳ 1): Còn mãi 'Màu thời gian'
- 30 năm ngày mất Đoàn Phú Tứ: Một văn nghệ sĩ đa tài
- Đoàn Phú Tứ - người dịch những vở kịch kinh điển
Bến đỗ bình yên
Ông bà Đoàn Phú Tứ và Nguyễn Thị Khiêm đã bền bỉ trọn đời bên nhau trong những năm tháng hàn vi nhất. Đời sống khó khăn, chưa có nhà riêng phải ở nhà thuê (phố Châu Long), sinh hoạt thiếu thốn trăm bề, con cái độ tuổi học hành. Năm 1984, chủ nhà không cho thuê, gia đình tìm đến nơi ở mới là bãi An Dương, bên sông Hồng...
Trời không lấy đi của ai tất cả. Tuy nghèo của, nhưng ông bà lại giàu “của để dành”. Khi sinh con đầu lòng, nhà thơ Đoàn Phú Tứ đã 43 tuổi còn bà Nguyễn Thị Khiêm mới ngoài 20 tuổi. 5 người con của ông bà ra đời trong hoàn cảnh túng thiếu, ngặt nghèo… và đều trưởng thành, trở thành những nhà giáo, công nhân, nghệ sĩ tận tâm với nghề.
Năm 1953, cặp con trai song sinh Phú Tấn và Phú Việt ra đời. Rồi 2 con gái Như Ý, Như Anh chào đời năm trước, năm sau. Và năm 1958, cậu út Đoàn Phú Thăng ra đời. 3 người con Phú Tấn, Như Ý, Như Anh công tác trong ngành giáo dục. Phú Việt làm cơ khí. Con cái không ai theo được nghiệp văn của cha và chỉ có cậu út - NSƯT Phú Thăng theo nghề sân khấu của cha và hiện là một gương mặt quen thuộc của sân khấu, phim (điện ảnh, truyền hình).
Anh Đoàn Phú Tấn bồi hồi nhớ lại: “Cụ sinh con đầu lòng khi đã 43 tuổi. Cha con cách nhau tuổi tác. Thời chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, anh em tôi khắc nhớ không thể quên hình ảnh cha tuổi cao vẫn lóc cóc đạp xe tiếp tế cho các con đi sơ tán theo trường. Chỉ nguyên việc đó thôi đã là mất rất nhiều sức lực của cụ. Tâm lý của cha tôi trong những năm ấy luôn trĩu nặng. Có điều, chúng tôi còn quá nhỏ nên không hiểu hết những tâm sự của cha. Hơn nữa, cha tôi chỉ mong muốn các con thành đạt trong sự nghiệp của mình. Mọi buồn vui cụ cất giấu trong lòng. Cụ chỉ chia sẻ với một số người bạn tâm giao. Sau này lớn lên, anh em tôi mới thấm thía tâm trạng và thương cha nhiều lắm”.
Nhà thơ, dịch giả mê bóng đá
Anh Đoàn Phú Tấn bồi hồi nhớ lại những năm 80 của thế kỷ trước, kinh tế thời bao cấp khó khăn, thương cha có một đam mê bóng đá: “Cụ rất mê xem bóng đá và luôn có mặt trên sân Hàng Đẫy trong các trận đấu giải quốc gia (thời đó là giải Vô địch miền Bắc) và các trận đấu quốc tế (các nước XHCN: Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Việt Nam...). Đó là cái thời người hâm mộ sẵn sàng đổi áo len, đồng hồ đeo tay… để lấy chiếc vé vào sân. Cha tôi vẫn thường xuyên vào sân. Cụ không có gì để đổi, không có tiền mua vé, nhưng lại có nhiều học trò cũ là cầu thủ luôn tìm được vé tặng thầy. Chỉ khi ra sân bóng, sống với không gian sôi động của môn thể thao vua là những nỗi nhọc nhằm phiền muộn dường như bị tan biến”.
Vinh danh nhà thơ, dịch giả Đoàn Phú Tứ, hiện ở 3 địa phương đã có đường phố mang tên ông, đó là phường An Lạc III, quận Bình Tân, TP.HCM; phường Hòa Khánh (Quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng); và thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Từng đi trên đường phố mang tên tác giả Màu thời gian và các văn nghệ sĩ ở thành phố Bắc Ninh, tự nhiên tôi cứ thầm ước tại Thủ đô không xa sẽ có một con đường mang tên Đoàn Phú Tứ… |
Tác phẩm của Đoàn Phú Tứ - Tập thơ: Thiên chức (viết chung với Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh); Nhạc điệu (viết chung với Phạm Văn Hạnh). - Kịch: Những bức thư tình (1937), Mơ hoa (1941), Ghen (1942), Hai vợ chồng (1942), Ngã ba (1943), Thằng cuội ngồi gốc cây đa (1942), Trở về (1949)… - Nghiên cứu, tiểu luận: Phương pháp viết kịch (1950), Đi tìm chủ từ trong vài đoạn văn “Đoạn trường tân thanh” (1949), Một điểm về chính tả (1950)… - Dịch thuật: Tiểu thuyết: Đỏ và đen (Xtăng đan, 1971), Gacgăngchuya và Păngtagruyen (Rabơle, 1981)… Kịch: Nhà búp bê, Hồn ma bóng quỷ, Con vịt trời (Henrik Ipsen); Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang, Táctuýp (Molie), Giấc mộng đêm Hè, Người lái buôn thành Venice (Shakespeare); Người thợ cạo thành Xê vin (Bômacse, 1982); Hài kịch Shakespeare (tập I); Tuyển tập kịch Musset (Alfred de Musset); Tuyển tập kịch Henrik Ibsen; Tuyển tập kịch Muyxê... |
Giải thưởng Cuối năm 1983, ông được Bộ Văn hóa - Thông tin trao tặng Huân chương Chiến sĩ văn hóa. Năm 1984, ông nhận Giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam. |
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Tags